Nông dân trồng dừa hữu cơ phải bán như giá dừa thường

25/10/2023 - 15:27

PNO - Trồng dừa hữu cơ tốn thời gian chăm sóc, năng suất giảm, nhưng tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Dù vậy, đầu ra của trái dừa hữu cơ lại chưa như mong muốn của người trồng.

Ông Lương Văn Hởi - ở ấp Phú Hưng 2, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh - kể, từ lâu, nhiều gia đình ở xã này đã trồng dừa và xem dừa là nguồn thu nhập chính. Nhưng đầu ra của trái dừa phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái và giá cả luôn bấp bênh. 

Do đó, vào năm ngoái, khi Công ty TNHH Thực phẩm Dừa Xanh (Công ty Dừa Xanh) ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tới khảo sát để xây dựng vùng sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, hứa bao tiêu đầu ra với giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/chục (12 trái), bà con rất mừng. Thế nhưng, đến kỳ thu hoạch, công ty lại thu mua rất ít. 

Người trồng dừa hữu cơ tại Trà Vinh đang mong chờ chính sách thu mua hợp lý
Người trồng dừa hữu cơ tại Trà Vinh đang mong chờ chính sách thu mua hợp lý

Tính đến tháng 11/2022, có 308ha trong gần 700ha dừa của xã Bình Phú đạt chứng nhận dừa hữu cơ (chứng nhận này được cấp cho Công ty Dừa Xanh - đơn vị xây dựng vùng trồng). Đầu tháng 1/2023, Công ty Dừa Xanh ký hợp đồng thuê Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ thương mại Vạn Hưng (HTX Vạn Hưng) ở xã Bình Phú làm đầu mối thu mua, vận chuyển toàn bộ số dừa hữu cơ thu mua được cho nhà máy của công ty này ở tỉnh Bến Tre. Giá cả sẽ do 2 bên thỏa thuận theo tuần. 

Mọi việc tưởng chừng thuận lợi, nhưng không. Theo ông Ngô Hữu Sự - Giám đốc HTX Vạn Hưng - từ khi ký hợp đồng đến hết tháng 6/2023, mỗi tháng, HTX đều thu mua toàn bộ số trái dừa từ 308ha nhưng Công ty Dừa Xanh chỉ nhận lượng dừa tương đương với khoảng 12ha. Từ tháng 7/2023 đến nay, công ty tạm dừng thu mua dừa hữu cơ ở xã Bình Phú. 

Ông Ngô Hữu Sự nói: “Chúng tôi vẫn đứng ra thu mua dừa từ những hộ đã trồng theo hướng hữu cơ nếu họ có nhu cầu bán cho HTX, sau đó đem đi tiêu thụ nhiều nơi khác với giá như dừa bình thường và chấp nhận lỗ hàng chục triệu đồng/tháng”. 

Ông Phan Thanh Tâm - Trưởng ban Nhân dân ấp Long Trị, xã Bình Phú - cho biết, trong ấp có hơn 80 hộ liên kết với Công ty Dừa Xanh trồng dừa hữu cơ nhưng chỉ có vài hộ bán được cho công ty; phần lớn bà con bán cho HTX Vạn Hưng hoặc bán đại trà ra bên ngoài cho thương lái với giá như dừa bình thường. 

Mặc dù thu mua lượng dừa rất ít nhưng ngày 12/5/2023, Công ty Dừa Xanh lại gửi công văn tới các cơ quan chức năng của tỉnh Trà Vinh xin được tái chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho vùng dừa vào tháng 11/2023, do chứng nhận này cần được tái đánh giá, cấp lại hằng năm. Xét thấy Công ty Dừa Xanh chưa thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng với HTX và nông dân cả về sản lượng lẫn giá thu mua, UBND xã Bình Phú đã có văn bản không đồng thuận với yêu cầu của công ty này. 

Trong công văn gửi các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh và huyện Càng Long về việc UBND xã Bình Phú không đồng thuận cho công ty tái chứng nhận vùng dừa hữu cơ trong xã, công ty này nhận thiếu sót trong việc thu mua và duy trì vùng nguyên liệu. Công văn cho biết, từ tháng 1 - 5/2023, công ty thu mua khoảng 318 tấn dừa, trong đó có khoảng 105 tấn dừa được mua với giá dừa hữu cơ và chiếm 27% tổng số dừa đã mua của HTX Vạn Hưng.

Ông Huỳnh Công Bảy - người trồng dừa ở ấp Hưng Phú 1, xã Bình Phú - cho hay, thời gian qua, ông chỉ thấy HTX Vạn Hưng thu mua dừa hữu cơ và gần gũi với bà con. Có lúc, HTX này mua dừa hữu cơ với giá khoảng 80.000 đồng/chục, cao hơn bên ngoài từ 10.000 đồng trở lên/chục. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng chuyển sang trồng dừa hữu cơ theo yêu cầu của các đơn vị để nâng chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng các đơn vị cũng phải làm đúng những gì đã cam kết với chúng tôi”. 

Được biết, HTX Vạn Hưng đang có kế hoạch kiến nghị các cơ quan chức năng chấp thuận để HTX này thực hiện thủ tục để được chứng nhận vùng nguyên liệu dừa hữu cơ ở xã Phú Bình với cam kết thu mua 100% số dừa hữu cơ với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%.

Theo ông Nguyễn Quốc Doanh - Chủ tịch UBND xã Bình Phú - UBND xã ủng hộ việc HTX Vạn Hưng đứng ra xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trong xã bởi HTX đã chứng minh được uy tín với chính quyền và nông dân. Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Á - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long - cho biết, việc tái chứng nhận vùng dừa hữu cơ tới đây ở xã Bình Phú là do chính nông dân trồng dừa quyết định chọn đơn vị “đồng hành”, bởi việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của bà con. Phía huyện chỉ khuyến khích phát triển mô hình hữu cơ và hỗ trợ về chuyên môn… 

Huỳnh Lợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI