Nông dân TPHCM trúng đậm vì lúa được mùa, gạo được giá

12/01/2024 - 07:22

PNO - Vụ lúa thu - đông năm nay tại TPHCM không chỉ được mùa (đạt sản lượng khoảng 6 tấn/ha) mà còn được giá (giá lúa bán tại ruộng hiện là 9.500 đồng/kg, cao hơn 2.500 đồng so với năm 2022), khiến nông dân vô cùng phấn khởi.

 

Lúa vào mùa thu hoạch tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM
Lúa vào mùa thu hoạch tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM

Lúa lên khỏi ruộng đã có người “chia”

Tiếng máy gặt xình xịch phá tan không gian yên tĩnh từ cánh đồng vàng đẹp như một bức tranh ở ngoại ô thành phố. Người điều khiển máy chọn vị trí giữa mảnh ruộng rồi “chẻ” một đường thẳng tắp. Gốc rạ trơ ra đến đâu thì chiếc bao tải đặt trong lòng máy đầy lúa lên đến đó. Mỗi lượt đi - về, chiếc máy thả xuống bờ 7 bao lúa, tương đương với 3,5 tạ lúa.

“Chỗ này không bị chuột cắn phá, coi như được thêm mấy bao” - ông Nguyễn Bảo Quốc (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nói khi cùng các nông dân khác khiêng những bao lúa đầy ứ từ máy gặt ra bờ. Ông Quốc nói với vợ: “Mảnh ruộng 5 sào (5.000m2) này, thế nào cũng được 3 tấn”. Sản lượng ấy đối với nông dân TPHCM là rất được mùa, bởi đã nhiều năm nay không dễ được như vậy. 

Mảnh ruộng của ông Quốc là một trong số ít những mảnh ruộng lúa còn sót lại tại xã Đa Phước hiện nay. Xung quanh đó, ruộng đều đã bỏ hoang, phần vì nằm trong quy hoạch cao tốc Bến Lức - Long Thành, phần vì hệ thống thủy lợi không còn phù hợp để trồng lúa, trồng lúa toàn bị lỗ...

“Hiện còn ít người làm lúa lắm, vì năng suất thấp, giá lúa phập phồng. Phần lớn ruộng bị bỏ hoang nên ai làm lúa cũng bị chim, chuột phá hoại. Tôi làm 5 sào, mỗi năm 2 vụ, toàn công nhà mà cũng chỉ đủ gạo ăn. Năm nào thời tiết không thuận là lỗ. Đã tính bán ruộng để làm chuyện khác, nhưng chưa bán được nên tiếp tục làm. Nào ngờ năm nay ngon quá, lúa được mùa mà gạo cũng được giá” - ông Quốc phấn khởi.

Cũng theo ông Quốc, mọi năm, vào thời điểm này, giá lúa chỉ khoảng 7.000 đồng/kg. Năm nay, lúa gặt xong, vừa đưa lên bờ, đã có người đòi mua 9.500 đồng/kg. Điều đó khiến ông có thêm niềm tin để tiếp tục bám ruộng, giữ đất.

Năm nay ăn tết lớn

So với xã Đa Phước thì diện tích trồng lúa tại xã Tân Nhựt (cùng huyện Bình Chánh) còn rất nhiều, với khoảng 790ha (711 hộ trồng lúa), chia 2 khu A và B nằm 2 bên bờ kênh Xáng. Khu A hiện đang vào mùa thu hoạch. Còn khu B lúa đang trổ đòng. Nhiều hộ đang tiếp tục xuống giống vụ thứ tư.

Ông Cái Văn Hùng (ấp 2, xã Tân Nhựt) phấn khởi thông tin, mấy năm trước, giá lúa thấp trong khi giá phân, thuốc cao, nên nông dân nản, bỏ vụ, chỉ làm 2 vụ mỗi năm. Nhưng năm nay, không chỉ vụ lúa thu - đông được mùa, mà cả năm thời tiết đều thuận lợi, ít mưa bão, sâu rầy nên chi phí bỏ ra cũng thấp. Giá lúa hiện nay lại cao kỷ lục nên người dân tăng từ 2 lên 3 vụ, thậm chí có hộ làm 4 vụ. 
Cũng tại ấp 2, xã Tân Nhựt, nông dân Nguyễn Văn Khiết chậm rãi thả bộ ra thăm đồng. Khoảng 1 tuần nữa, 8 sào ruộng của ông sẽ vào mùa thu hoạch. Nhà có 1ha đất nông nghiệp, ông Khiết dành 8 sào ruộng trồng lúa, 2 sào đất gò cao ông để canh tác các loại nông sản khác như dưa hấu, dưa leo, dưa gang, rau củ các loại để có thu hoạch xoay tua trong những ngày nông nhàn.

Hít một hơi dài mùi thơm lúa chín, khuôn mặt giãn ra, ông Khiết vui vẻ nói: “Năm nay lúa trúng mùa, chắc được khoảng 6 tấn/ha. Với giá như hiện tại (9.500 đồng/kg) thì mỗi vụ, trừ hết chi phí công cán, thuốc, phân, nông dân cũng lời 20-25 triệu đồng/ha. Năm nay chắc ai cũng ăn tết lớn”. 

Bà Trần Thị Phượng Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt - thông tin, không chỉ vụ thu - đông này mà trong năm nay, giá lúa tăng cùng với năng suất cao khiến nông dân rất phấn khởi. Đó cũng là động lực để hội nông dân tăng cường phối hợp với trung tâm khuyến nông hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giới thiệu các giống lúa có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên ở xã để hỗ trợ bà con; đồng thời kiến nghị UBND xã nạo vét các kênh nội đồng dẫn nước vào ruộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân trong sản xuất.

Để hạn chế tình trạng ép giá, Hội Nông dân xã Tân Nhựt lập nhóm Zalo giúp bà con thông tin, trao đổi cho nhau về giá cả. Các chi hội cũng lập nhóm Zalo theo từng ấp, nhắn tin trao đổi với nhau khi có lúa bán. “Trên địa bàn xã hiện có 2 thương lái thu mua chính. Trước khi đơn vị thu mua, Hội Nông dân xã liên kết, trao đổi dò giá với các đơn vị thu mua khác để nắm biết giá cả, tránh thiệt thòi cho người dân” - bà Trần Thị Phượng Hằng nói. 

Cần nhiều giải pháp thúc đẩy hiệu quả kinh tế từ cây lúa

Trên địa bàn TPHCM hiện có 5.214,4 ha diện tích canh tác lúa với 7.819 hộ trực tiếp sản xuất, tập trung tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, quận Bình Tân và TP Thủ Đức. Thành phố đang sử dụng các giống lúa chủ lực như OM5451, OM4900, OM6976, OM6162, OM18, nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản ST25, ST24, Nàng Hoa 9, nếp IR4625… Năng suất bình quân những năm qua đạt 5,2 tấn/ha. Riêng năm nay đạt khoảng 6 tấn/ha.

Diện tích gieo trồng lúa tại TPHCM gần đây giảm dần theo từng năm vì nhiều lý do như ảnh hưởng bởi các đối tượng dịch hại, giá cả đầu tư đầu vào và chi phí lao động cao, lực lượng lao động có xu hướng chuyển sang làm công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động, tác động của việc lấy đất làm đường, khu công nghiệp, khu dân cư cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi. Do đó, trong năm 2023, mặc dù nông dân được mùa, giá lúa cao mang lại thu nhập khá nhưng hiệu quả kinh tế đem lại từ cây lúa vẫn không bền vững so với cây trồng, vật nuôi khác.

Trong giai đoạn tới, để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất, hạn chế việc bỏ ruộng, thành phố cần tập trung tăng cường công tác khuyến nông bằng cách xây dựng các mô hình sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông nghiệp ở cơ sở và bà con nông dân.

Thành phố cũng cần sử dụng hiệu quả diện tích trồng lúa bằng cách phê duyệt quy hoạch sử dụng đất trồng lúa và kế hoạch sử dụng đất để hằng năm, các huyện, quận xác định đưa vào kế hoạch sản xuất từng vụ cho phù hợp giữa giống lúa với thời tiết, thổ nhưỡng, hạn chế tối đa việc chuyển đổi những vùng đất trồng lúa tốt, hiệu quả sang làm công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi đồng bộ, ưu tiên công trình trọng điểm tại các vùng trồng lúa có hiệu quả cũng như giúp người dân kiểm soát dịch hại; đồng thời, việc vận động hình thành liên kết sản xuất lúa với mô hình hợp tác xã sẽ có hiệu quả hơn trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa, gạo và kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Với vai trò của mình, hội nông dân đẩy mạnh triển khai vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Để cụ thể hóa, hội tiếp tục củng cố, nâng chất các câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng mới các chi, tổ hội ngành nghề, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để nông dân hỗ trợ nhau.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đi kèm với phát triển không gian du lịch sinh thái, hội cũng sẽ đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho việc tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng, giúp nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời, vận dụng có hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội để ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của hộ nông dân.

Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM


Thu Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI