"Đến hẹn lại lên"
Tại TP. Cà Mau và huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau nhiều tuyến sông rạch đã bị khô cạn, ghe xuồng không thể lưu thông vận chuyển hàng hóa, nông sản đi tiêu thụ; đời sống sản xuất của người dân địa phương gặp nhiều trở ngại, nhiều hộ dân đã rời quê lên các thành phố lớn để mưu sinh.
|
Các kênh mương, ụ chưa nước đã khô cạn |
Ở vùng chuyên canh rau màu vùng ngọt hóa xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, nơi cung cấp các loại rau, củ tươi sống cho toàn thành phố, hàng chục hộ dân đang thở ngắn than dài vì những ụ dùng để chứa nước tưới giờ đã khô cứng, nứt nẻ, rau màu thiếu nước đã ngã sang màu vàng, héo úa.
Ông Nguyễn Văn Tiếng (53 tuổi, ngụ xã Lý Văn Lâm) nói: “Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rau màu. Nhưng hiện nay nguồn nước tưới không đảm bảo, nắng nóng gay gắt, công sức đổ sông, đổ biển cố gắng lắm cũng chỉ thu hoạch được vài đồng, chi phí điện nước tăng cao trong khi giá rau màu tăng không đáng kể…”
Còn bà Lưu Thị Đẹp, năm nay tuy đã 66 tuổi nhưng vẫn đang tính chuyện tha hương: “Nếu tình trạng hạn hán kéo dài, tôi chỉ còn nước rời quê lên Bình Dương làm mướn thôi. Vùng chuyên canh rau màu mà hệ thống tưới tiêu không đảm bảo thì làm sao sống nỗi”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Lý Văn Lâm thì xã có hơn 20 ha rau màu bị ảnh hưởng trong những tháng đầu năm 2018. Người dân còn đối mặt với nghịch lý, chi phí sản xuất tăng đáng kể mà giá rau củ liên tục giảm. Hiện rau muống có giá khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg, cải xà lách 13.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 8.000 đồng/kg, củ cải trắng 5.000 đồng/kg. Giảm từ 2.000 – 4.000 đồng/kg (tùy loại) nên ngừơi dân địa phương hiện chỉ sản xuất “cầm canh”, chờ thời điểm khốn khó nhất qua đi
|
Rừng cây khô héo vì thiếu nước |
Tại huyện Ngọc Hiển – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của tôm sinh thái, người dân địa phương cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì độ mặn liên tục tăng cao, dẫn đến dịch bệnh phát sinh và gây hại với diện tích gần 700 ha đất tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tăng gấp 2 lần so với những tháng đầu năm 2017 (số liệu thống kê chưa đầy đủ).
Trong đó, bệnh thường gặp trên tôm nuôi là gan tụy, đốm trắng... xảy ra nhanh và lây lan trên diện rộng nên rất khó kiểm soát. Theo dự báo của Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, thời gian tới, độ mặn tiếp tục tăng cao, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ diễn biến rất khó lường.
Ông Tăng Quốc Đoàn (53 tuổi) – ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, than phiền: “Tôi có hơn 3 ha đất nuôi tôm quảng canh, dạo gần đây mùa màng thất bát, làm ăn không hiệu quả. Con giống đổ xuống thì nhiều, đến ngày thu hoạch chẳng thấy đâu. Không biết rồi đây cuộc sống gia đình sẽ ra sao”.
|
Nhiều người đã phải bỏ xứ đi nhà, nhà cửa hoang vắng, xuống cấp |
Được biết, năm 2017 dù đã được tỉnh triển khai công tác hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Thế nhưng, qua công tác thẩm định, rà soát theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trên địa bàn huyện Ngọc Hiển thì đa phần các hộ bị thiệt hại không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Nguyên nhân chính là do, không đưa ra được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc trong việc kê khai sản xuất ban đầu.
Gặp anh Nguyễn Văn Tiến (33 tuổi) đến UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển để làm hồ sơ đi Bình Dương làm công nhân, chia sẻ lý do bỏ quê đi làm ăn xa, được anh Tiến cho biết: “Bây giờ mà bám víu ở quê thì có nước chết đói. Đất cát thì cằn cỗi, hạn mặn liên tục tăng cao, vuông nuôi thì liên tiếp mất mùa, trắng tay, nợ chồng thêm nợ. Nhưng không được hỗ trợ vì không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thiệt hại”.
Ghi nhận tại khu tái định cư CWPD (dự án tái định cư do chính phủ Hà Lan tài trợ) – tọa lạc trên địa bàn xã Tân Ân có khoảng hơn 100 căn nhà nhưng hiện tại có người đã bán để chuyển đi nơi khác sinh sống, có người gửi nhà lại cho người thân để tha hương. Nhiều căn đã cũ kỹ, xuống cấp, mục nát, trống hoang…
Ông Nguyễn Phương Nam – Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Trên địa bàn xã có khoảng 1.300 hộ dân với khoảng 5.300 nhân khẩu nhưng qua rà soát, thống kê chỉ còn khoảng 960 hộ còn ở địa phương. Số còn lại đã rời quê đi làm ăn, sinh sống ở xa. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện rất thấp. Khoảng hơn 15 triệu đồng/người/năm. Vì không canh tác được trên phần đất của mình do hạn hán, mất mùa liên tiếp xảy ra nên người dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề bắt ba khía, đào sâm đất, bắt ốc len, săn cá thòi lòi…để mưu sinh, nhưng bấp bênh lắm”
Chống hạn mặn: Nơi nhiệt tình, chỗ thờ ơ
Tại Tiền Giang, tính đến đầu tháng 3/2018, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng 20km. Dự báo giữa tháng 3 này, nước mặn tiếp tục lấn sâu 30-40km. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hiện thời mặn chưa đến mức gay gắt nhưng tỉnh luôn chủ động các phương án ứng phó. Trước mắt, ở những vùng đã bị nước mặn tràn vào thì đóng kín các cống đập bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Những khu vực nước mặn chưa đến thì tranh thủ lấy nước ngọt dự trữ càng nhiều càng tốt, chuẩn bị lâu dài cho sản xuất lúa và sinh hoạt của người dân. Thuận lợi là hệ thống kênh mương ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã cơ bản hoàn thiện nên việc ngăn mặn, trữ ngọt đang phát huy khá tốt, nhờ đó mà hơn 26.000ha lúa ở vùng này chưa bị ảnh hưởng”.
Tỉnh thừong xuyên tăng cường kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt đòng thời lưu ý các huyện gần biển lập kế hoạch cụ thể cho từng khu vực, dự án, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra. Nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 để trữ nước, đồng thời sẵn sàng phương án bơm chuyền nước để cứu lúa nếu mặn diễn biến phức tạp.
Tại Bến Tre, năm nay, tỉnh nắm chặt diễn biến hạn mặn và thông tin hàng ngày cho người dân chủ động ứng phó tốt nhất. Mục tiêu là bảo vệ tốt cho sản xuất nông nghiệp, giảm thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra
|
Người dân mong được đóng, mở đạp hợp lý để ngăn mặn, lấy nước ngọt cứu lúa |
Ông Trần Minh Hoàng – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Những tháng đầu mùa khô, huyện đã tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy nổ; điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước một cách hợp lý, hiệu quả.
Hướng tới, huyện sẽ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kịp thời rà soát, nắm tình hình thực tế trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Trong khi các địa phuơng nỗ lực chống hạn mặn thì tại huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang, người dân phải nhiều lần kiến nghị chính quyền đóng các cống, đập ngăn mặn để hàng chục ngàn héc-ta lúa đang trong giai đoạn trổ bông.
Theo bà con, hiện tại, nước mặn đã tràn sâu vào nội đồng, một số khu vực đất ruộng trũng lúa đã bắt đầu héo lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển, thế nhưng việc điều phối các cống, đập ngăn mặn được ngành chức năng nơi đây chuyển khai chậm trễ, chưa quyết liệt.
Cụ thể, vào ngày 26/2, hàng chục hộ dân của hai xã Kiên Bình, xã Hòa Điền đã tìm đến UBND huyện Kiên Lương, trình bày bức xúc và yêu cầu cho triển khai nhanh việc ngăn chặn nước mặn. Nông dân Trần Văn Tuấn (ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình) bức xúc: “Khoảng mùng 6 Tết Nguyên đán, thấy nước dưới các con kênh ngã màu sậm hơn, tôi cùng nhiều bà con khác nghi nước mặn đã xâm nhập. Sợ lúa chết, chúng tôi tìm đến chính quyền ấp, xã để báo sự việc, nhưng vẫn không thấy khắc phục.
Chúng tôi lên UBND huyện Kiên Lương thì ngành chức năng hứa sẽ đóng ngay đập kênh 6 (xã Hòa Điền, ngăn nước mặn vào sâu nội đồng) nhưng đến nay vẫn làm chưa xong (?!). Giờ nước mặn đã tràn vào các con kênh lớn, nhỏ. Lúa đang vào giai đoạn trổ bông, rất cần nước ngọt, nếu chậm trễ khoảng vài ngày nữa thì người trồng lúa của chúng tôi sẽ phải chết theo cây lúa vì nợ sẽ chồng nợ”.
Trước tình hình này, ngày 1/3, nông dân 2 xã Hòa Điền và Kiên Bình tiếp tục đến UBND huyện Kiên Lương yêu cầu được gặp người có thẩm quyền để xin “cứu lúa”. Trước yêu cầu của hàng chục hộ dân, Ban tiếp dân huyện Kiên Lương mời người dân vào phòng họp, lắng nghe ý kiến, báo cáo lãnh đạo huyện giải quyết. Mặc dù, trước sự việc hàng ngàn héc-ta lúa sắp chết vì hạn mặn, nhưng buổi hợp chỉ có ông Lê Văn Hiền, Phó Chánh văn phòng UBND huyện và ông Trần Bình Trọng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng ra tiếp dân.
Tại đây, lão nông Trần Văn Đựng (ấp Tân Điền, xã Hòa Điền) bức xúc: “900 công lúa của gia đình tôi cùng hàng chục ngàn héc-ta của bà con, là mạng sống của người dân. Hạn mặn đợt 2015, 2016 vẫn còn khiến chúng tôi lâm cảnh nợ nần, nếu năm nay lúa chết chúng tôi cũng sẽ “chết” theo”. Tại buổi họp này, người dân đề xuất cho họ chủ động theo dõi con nước và chủ động đóng, mở cống, đập để cứu lúa.
Nhóm PV-CTV ĐBSCL