Nông dân rào ruộng, trông trăng chờ “lộc đất”

10/11/2024 - 17:50

PNO - Được xem là món quà quý thiên nhiên ban tặng, song vì chưa thể nuôi nên người dân vùng hạ nguồn sông Lam chỉ có thể rào ruộng, trông trăng chờ rươi “mọc” để bắt.

Cẩn thận kiểm tra lại những tấm lưới đã quây kín quanh ruộng lúa, ông Võ Văn Quế (trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cho biết, từ cuối tháng 9 Âm lịch, những ruộng lúa cạnh sông Lam đã được người dân rào kín để bắt rươi. Rươi ở đây hoàn toàn tự nhiên, thường chỉ xuất hiện từ tháng 9 đến hết tháng 11 Âm lịch hàng năm.

Những ruộng lúa nằm giáp sông Lam ở xã Châu Nhân được rào kín để chờ bắt rươi
Những ruộng lúa nằm giáp sông Lam ở xã Châu Nhân được rào kín để chờ bắt rươi

Cánh đồng lúa nằm ở hạ nguồn sông Lam của người dân xã Châu Nhân được thiên nhiên ưu đãi cho “cánh đồng rươi” hiếm nơi nào có được. Mỗi năm ngoài 2 vụ lúa, những hộ dân có ruộng nơi đây còn thu về hàng chục triệu đồng từ rươi. Rươi được xem là “lộc đất”, lộc vào ruộng ai, người ấy hưởng. Tuyệt nhiên không có chuyện tranh giành nhau.

Theo ông Quế, cả cánh đồng lúa rộng lớn, song không phải ruộng nào cũng có rươi. Bởi thế, người dân phải chuẩn bị kỹ cho mùa đón lộc. Đầu mùa rươi, chủ ruộng mang lưới, cọc ra rào ruộng của mình.

Rươi “mọc” theo kỳ trăng, mỗi tháng 2 lần, vào đầu và giữa tháng. Loài này sống dưới lớp bùn lầy, đến chu kỳ, hàng triệu con rươi ùn ùn từ dưới đất lên. Đây cũng là thời điểm cả làng quê này vui như hội. Có những hộ dân may mắn có thể kiếm được 5-7 triệu đồng mỗi đêm.

Với 12 sào lúa có rươi, vụ rươi năm ngoái ông Quế thu được gần 70 triệu đồng. “Rươi rất nhạy cảm với môi trường, bởi vậy, trên các thửa ruộng có rươi, người dân hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng lúa. Khi thu hoạch lúa xong, chúng tôi cũng phải làm đất, bón thêm phân chuồng ủ kỹ, hoai mục để làm xốp đất và đảm bảo nguồn thức ăn cho rươi” - ông Quế nói.

Được xem là lộc đất, bởi thế người dân phải rào ruộng, chờ rươi vào ruộng ai thì người nấy hưởng
Được xem là "lộc đất", bởi thế người dân phải rào ruộng, chờ rươi vào ruộng ai thì người nấy hưởng

Bà Nguyễn Thị Lĩnh (trú xóm Phú Xuân) cho biết, rươi là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân ở xóm Phú Xuân, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Những năm gần đây, sản lượng rươi giảm nhiều so với 5 năm về trước. Nếu như trước đây tầm tháng 9 Âm lịch đã có rươi, thì nay qua tháng 10 Âm lịch rươi mới chỉ xuất hiện lác đác.

Để “nuôi rươi”, những năm gần đây, người dân có ruộng rươi thường sử dụng ngô hạt xay thành bột rải xuống ruộng làm thức ăn cho rươi. Theo người dân, những ruộng rươi khi được “vỗ béo” bằng cách này thì con rươi thường có màu đỏ đẹp và kích thước to gấp 3-4 lần so với rươi không được chăm sóc.

Rươi còn được biết đến với cái tên “rồng đất”, có giá trị dinh dưỡng cao. Bà Lê Thị Thảo (trú xã Châu Nhân) cho biết, trước đây rươi nhiều vô kể. Vào mùa rươi, người dân thường ra ruộng bắt về nấu ăn. Ăn không hết, lại không có tủ lạnh bảo quản nên nhiều người nghĩ ra cách làm mắm (ruốc) ăn dần.

Khoảng 15 năm trở lại đây, rươi trở thành đặc sản, được chế biến thành nhiều món như chả rươi, ruốc rươi… để bán. Nhờ vậy, giá rươi cũng tăng mạnh, thường dao động từ 350.000-450.000 đồng/kg. Rươi thu hoạch đến đâu sẽ được thương lái, các chủ nhà hàng đến tận ruộng thu mua.

Rươi chỉ xuất hiện vài lần mỗi năm, bởi thế người dân đều chuẩn bị kỹ lưỡng để săn lộc
Rươi chỉ xuất hiện vài lần mỗi năm, bởi thế người dân đều chuẩn bị kỹ lưỡng để săn "lộc"
Rươi thu hoạch đến đâu sẽ được thương lái, các chủ nhà hàng đến tận ruộng thu mua với giá từ 350.000-450.000 đồng/kg
Rươi thu hoạch đến đâu sẽ được thương lái, các chủ nhà hàng đến tận ruộng thu mua với giá từ 350.000-450.000 đồng/kg

Ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Nhân - cho biết, toàn xã có gần 40ha đất ruộng có rươi. Trung bình, mỗi sào ruộng cho thu hoạch 15-20kg rươi mỗi vụ. Mặc dù diện tích chỉ chiếm chưa đến 10% đất sản xuất nông nghiệp toàn xã, thời gian thu hoạch ngắn, song giá trị con rươi mang lại chiếm gần 15% tỉ trọng nông nghiệp của xã.

Toàn xã có hơn 300 hộ dân có ruộng rươi. Nhiều hộ dân thoát nghèo cũng nhờ loài đặc sản này. Hiện xã Châu Nhân cũng đang hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật làm đất, chăm sóc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất rươi. Ngoài ra, chính quyền xã Châu Nhân cũng đang xây dựng ruốc rươi và chả rươi thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI