Huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế có 28 nhà bị ngập từ 0,4-0,5m, trong đó xã Phong Bình có 20 nhà, Phong Thu 8 nhà; đã tổ chức di dời 6 hộ với 20 khẩu và 46 tiểu thương tại khu vực chợ Hòa Mỹ, Phong Mỹ.
|
Hàng ngàn héc-ta lúa ngập chìm trong mưa lũ |
Mua lũ trái mùa ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu.
Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,3m÷1,0m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê.
|
Người dân xã Vinh Hiền (Phú Lộc) cùng lực lượng chức năng lợp lại mái nhà tốc mái |
|
Nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đê nội đồng ở Thừa Thiên - Huế bị sạt lở nghiêm trọng |
|
Mưa lớn tại Huế khiến nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng |
|
Lực lượng CSGT Thừa Thiên - Huế hướng dẫn người dân qua khu vực nước lũ ngập sâu |
Trong khi đó, người dân ở Quảng Trị đang đối diện với cảnh mất trắng bởi hơn 8.400ha lúa đang kỳ trổ bông bị chìm trong biển nước, hàng trăm héc-ta cá, tôm chết bởi trận ngập lụt bất thường.
|
Người dân Hải Lăng nỗ lực ra đồng cứu lúa |
Theo thống kê, hiện có 808 hộ dân ở xã Hải Lâm và Hải Thượng, huyện Hải Lăng bị nước lụt tràn vào nhà. Toàn tỉnh Quảng Trị có 8.400ha lúa và 2.644ha cây trồng các loại bị ngập úng, đổ ngã và 185ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, chủ yếu là nuôi cá, tôm. Trong đó huyện Hải Lăng chiếm đến 75,8% thiệt hại.
|
Nhiều lồng, bè nuôi cá bớp và tôm của anh Nghĩa ở thị trấn Cửa Việt bị chết trắng - Ảnh: Lê Nghĩa |
Ông Nguyễn Thanh Liêm (thôn Kim Long, xã Hải Quế) cho hay, gia đình ông có 1,5ha lúa đang bị ngập trong nước. Lúa đang trong thời kỳ trổ bông mà bị ngập sâu trong nước lâu ngày thì nguy cơ mất trắng là rất lớn.
"Từ hôm qua đến nay, tôi và người dân ở trong thôn dùng bao cát để đắp bờ và dùng máy bơm hút nước tiêu úng cho những diện tích lúa chưa ngập sâu nhằm vớt vát chút lúa xanh đang kỳ làm đòng. Phải dầm mưa nỗ lực hết mình thì may ra còn có chút gạo để ăn chứ lo vụ Đông Xuân này mất trắng rồi”, ông Liêm nói.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Thảo (thôn Hội Yên, xã Hải Quế) cũng đang lo vì có hơn 1,4ha lúa cùng 6 sào sắn bị ngập trong nước lũ.
|
Số cá dìa của nhiều hộ dân ở thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước đang được "giải cứu" nhằm vớt vát chút vốn liếng |
|
Trận lũ bất thường vào đầu tháng 4 đã khiến hơn 800 ngôi nhà của người dân Quảng Trị bị ngập - Ảnh: Quang Hoàng |
Ông Hoàng Ngọc Thập - Phó chủ tịch UBND xã Hải Quế (huyện Hải Lăng), cho biết, trong những ngày qua, chính quyền xã đã huy động hơn 800 người dân của 3 thôn Kim Long, Đơn Quế và Hội Yên cùng hàng chục máy bơm hoạt động hết công suất để gia cố các tuyến đê, kè và tiêu úng cho lúa. Toàn xã có 400ha lúa, trong đó hơn 80ha bị ngập nặng.
|
Người dân ở huyện Hải Lăng dùng đất, cát, ngăn nước tràn vào ruộng lúa - Ảnh: Quang Hoàng |
Nhiều người dân nuôi thủy sản tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và xã Triệu Phước (Triệu Phong) đang khẩn trương vớt cá ra khỏi lồng, bè và nhờ người dân "giải cứu" bởi tình trạng cá, tôm chết hàng loạt.
|
Đợt ngập lụt bất thường khiến cuộc sống người dân Quảng Trị bị đảo lộn - Ảnh: Quang Hoàng |
Anh Lê Nghĩa (thị trấn Cửa Việt) cho biết nước lũ đã khiến hàng ngàn con cá bớp của gia đình nuôi trong lồng bị chết. "Gia đình tôi bị thiệt hại quá lớn bởi nước lên quá nhanh, không kịp trở tay khiến cá chết hoàn toàn. Đáng buồn là số cá bớp, cá dìa còn quá nhỏ nên người dân ít chọn mua", anh nói.
| Đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa và phương án khắc phục hậu quả trên địa bàn Thừa Thiên - Huế |
Ngày 3/4, đoàn công tác do ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Tổng cục trưởng tổng cục Phòng chống thiên tai, đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra trong những ngày qua và chỉ đạo phương án khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua kiểm tra, ông Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là các diện tích lúa còn lại của người dân. Tiến hành cắt điện ở những nơi còn bị ngập sâu và có cảnh báo để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra với người dân trong vùng ngập nước. Tỉnh thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra trong đợt này, sớm có báo cáo cụ thể gửi cơ quan trung ương xem xét hỗ trợ khắc phục. Bên cạnh đó, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai lưu ý địa phương nghiên cứu để có giải pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng thấp trũng trên địa bàn trước hiện tượng thời tiết bất thường như hiện nay. |
Chiều 3/4, UBND xã Phong Chương (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cho biết trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm do mưa lũ. Nạn nhân là chị L.T.P. (36 tuổi, trú thôn Nhất Phong, xã Phong Chương). Trước đó, khoảng 8g30, chị P. và một người phụ nữ khác cùng chạy xe máy đi chợ trên đê Hói Tôm. Khi đi qua đoạn Đông Có, thôn Nhất Phong, do nước tràn qua đê sâu, chảy mạnh, gió to nên hai người bị ngã xuống nước. Người phụ nữ đi cùng chị P. được người dân đi đánh lưới gần đó cứu kịp thời, còn chị P bị nước cuốn trôi. Các cơ quan chức năng xã Phong Chương và người dân cùng tìm kiếm, đến 11g30 cùng ngày mới tìm thấy thi thể nạn nhân. |
Thuận Hóa - Bạch Anh