PNO - Hàng chục hộ dân ở khu vực rừng U Minh Hạ (ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) mấy năm qua có cuộc sống ổn định nhờ trồng bồn bồn cho thu nhập khá.
Bồn bồn trước đây được xem là một loại cỏ dại, thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống sả. Người dân trồng bồn bồn 1 lần nhưng thu hoạch quanh năm, mùa khô bồn bồn ngon hơn so với mùa mưa ngập nước
Hiện nay, bồn bồn được chế biến các món ăn như: dưa chua bồn bồn, bồn bồn nấu canh dừa, bồn bồn xào tôm thịt, bồn bồn nấu lẩu, bồn bồn làm gỏi… Bồn bồn có vị giòn, mềm, chua lạ, như ngó sen và măng nên được nhiều người ưa chuộng
Đến ấp 14 (xã Khánh An), chúng tôi chứng kiến nhiều nông dân trồng từ 20 đến 30 công bồn bồn, đây là loại cây “sạch” và cho thu hoạch quanh năm. Mỗi tháng người dân ở đây thu về khoảng 30 triệu đồng từ bồn bồn, sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Trước đây người dân ở đây trồng lúa, nhưng năng suất rất thấp. Từ ngày trồng bồn bồn thu nhập ổn định, không phải đầu tư nhiều như trồng lúa. Ngoài việc thu nhập từ bồn bồn, người dân ở đây còn thu hoạch một năm 2 vụ cá đồng, khoảng 40 triệu đồng/vụ.
Chị Lê Thị Muội (47 tuổi) ấp 14, xã Khánh An cho biết, mỗi ngày có khoảng 10 lao động thu hoạch bồn bồn tại ruộng và hoàn thiện bồn bồn để giao cho thương lái và hợp tác xã
Mỗi lao động thu hoạch tại ruộng từ 5 giờ 30 đến 10 giờ 30 tiền công là 200.000 đồng/ người
Lao động thực hiện công việc hoàn thiện sản phẩm tiền công 20.000 đồng/giờ
Những người thợ nhổ bồn bồn cho biết, nhổ từ nhà này sang nhà khác, cứ đều như vậy sáng nào cũng có công việc, không phải nghỉ ngày nào, thu nhập ổn định.
Mỗi ký bồn bồn thành phẩm bán cho các thương lái có giá dao động từ 15.000 – 25.000 đồng, tùy từng thời điểm khác nhau
Các thương lái cho biết, hiện bồn bồn được nhiều gia đình, nhà hàng tại địa phương ưa chuộng, dùng trong bữa ăn hàng ngày
Tại Cà Mau, bồn bồn được chủ nhà lựa chọn làm các món ăn để chiêu đãi những vị khách từ nơi khác đến, trở thành một văn hóa đặc trưng của vùng.