Nông dân như đứng giữa ngã tư đường

14/08/2020 - 07:22

PNO - Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính công sách của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, đất đai vẫn là vấn đề nổi cộm trong nhiều năm qua ở Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực đất nông nghiệp. Chính sách thu hồi và bồi thường đất nông nghiệp đã và đang gây ra nhiều bức xúc đối với người sử dụng.

 

Báo cáo PAPI 2019 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) cho thấy, số người trả lời cho biết hộ gia đình họ bị thu hồi đất nông nghiệp
Báo cáo PAPI 2019 về thu hồi đất nông nghiệp

Báo cáo PAPI 2019 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) cho thấy, số người trả lời cho biết hộ gia đình họ bị thu hồi đất nông nghiệp trong năm 2019 cao hơn tỷ lệ năm 2018 (từ 4,7% lên 5,6%). Trong số những người trả lời bị thu hồi đất nông nghiệp, chỉ 53% hài lòng với mức bồi thường nhận được. Bà Huyền đánh giá, đây là tỷ lệ rất thấp, Nhà nước cần có chính sách điều chỉnh để giá trị bồi thường gần hơn với giá trị sử dụng sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích thương mại. 

 Bà Huyền nhận định, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột đất đai là do doanh nghiệp được ưu đãi hơn trong việc tiếp cận đất đai so với người dân. “Sự phân biệt này xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều tỉnh đã chào đón các nhà đầu tư vì sự tăng trưởng kinh tế và lợi ích khác; ưu tiên cho các doanh nghiệp bất động sản, khu công nghiệp hơn là hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Ví dụ, chính quyền một tỉnh phía Bắc đã bán đất sân vận động cho một tập đoàn xây trung tâm thương mại. Sau đó, để xây lại sân vận động, tỉnh này đã thu hồi đất nông nghiệp ở một địa điểm khác”, bà Huyền chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM.

Bên cạnh đó, bà Huyền cho rằng, sự bất cân xứng thông tin về các quy hoạch đất đai của địa phương cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều cuộc xung đột đất đai từ trước đến nay. Nó đi đôi với sự thiếu minh bạch trong kế hoạch sử dụng đất và định mức giá đất. Theo Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, quy hoạch đất đai của địa phương phải được đăng tải để người dân có thể tiếp cận. Song, khả năng tiếp cận với các quy hoạch đất đai của địa phương vẫn còn hạn chế. 

Theo khảo sát PAPI từ năm 2011 đến 2019, mỗi năm chỉ khoảng 20% số người được hỏi trên toàn quốc trả lời rằng, họ có biết đến các quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương. Cụ thể, PAPI 2019 cho thấy, tỷ lệ người dân biết quy hoạch đất đai năm 2019 dao động từ 3 - 33%.

Báo cáo PAPI 2019 cũng chỉ ra, tỷ lệ hộ gia đình bị thu hồi đất ở giảm dần vào năm 2019, nhưng tỷ lệ cho rằng bị mất đất canh tác đang có xu hướng tăng lên. Lý giải thực trạng này, bà Huyền cho rằng, quy trình thu hồi đất ở phức tạp hơn so với đất nông nghiệp; trong khi đó, giá đền bù của đất nông nghiệp lại thấp hơn rất nhiều so với đất ở. 

“Có một thực tế là giá trị kinh tế từ đồng ruộng mang lại hiện nay không đủ sức hút với người nông dân. Nông dân đang đứng giữa ngã tư đường: chuyển quyền sử dụng vì mong muốn ly nông, muốn giữ đất để bảo đảm sinh kế, muốn chuyển quyền sử dụng đất để lấy một khoản tiền bồi thường cho một việc khẩn thiết của gia đình, và quan trọng hơn là sức ép của chính quyền địa phương muốn thu hồi đất nông nghiệp để chuyển qua cho các nhà đầu tư”, bà Huyền đánh giá.  

Bảo Uyên (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI