Nông dân muốn dùng vỏ trái cây, xác heo gà... làm phân bón, thức ăn chăn nuôi

21/03/2023 - 12:53

PNO - Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lượng lớn phụ phẩm (vỏ rau quả, xác heo gà...) vốn là rác thải, gây ô nhiễm môi trường có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên cần có chính sách hỗ trợ.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn: Hệ thống thu hồi chủ động (Nguồn: Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường)

Tại diễn đàn: “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 20/3, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, nguồn phụ phẩm này có thể hỗ trợ hữu ích cho ngành chăn nuôi bò vốn đang tăng trưởng tốt nhưng hiện thiếu đồng cỏ.

Thức ăn nuôi bò từ phụ phẩm có giá thành rẻ, nhưng nông dân đang gặp vướng mắc trong thu mua, vận chuyển chất thải làm sao không gây ảnh hưởng tới môi trường. Trong đó, có những nguồn phụ phẩm như xác heo gà..., theo luật chăn nuôi quy định phải chôn lấp để ngăn chặn dịch bệnh. Cách xử lý này có bất cập là về lâu dài gây ô nhiễm nguồn nước, những điểm chôn lấp rất khó chăn nuôi trở lại...

Hiện các trang trại tại Đồng Nai kiến nghị được phép xử lý nhiệt (luộc, hấp, sấy ở nhiệt độ cao) tiêu diệt virus trong động vật chết, chế biến thành thức ăn bổ sung nguồn đạm cho vật nuôi. Thế nhưng, cách xử lý nhiệt chưa thể tiêu diệt một số loại virus gây bệnh nên đại diện Hiệp hội đề xuất, các nhà khoa học, Cục Chăn nuôi... cần nghiên cứu giải pháp để có thể tận dụng những phụ phẩm này cho chăn nuôi. Đây sẽ là khâu rất quan trọng để hình thành chăn nuôi tuần hoàn. 

Công nhân Công ty G.C Food (một trong những công ty ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại Đồng Nai) chế biến nha đam (Ảnh: Hoa Đạo)
Công nhân Công ty G.C Food (một trong những công ty ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại Đồng Nai) chế biến nha đam - Ảnh: Cẩm Anh

Theo bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN - PTNT), kinh tế tuần hoàn (KTTH) chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của VN. Tỉ lệ thu phế phẩm, tái chế còn quá thấp, còn lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái chế, thải ra môi trường vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường.... Bà Thu cho rằng cần có chính sách hỗ trợ, nâng cao ý thức về phát triển KTTH và có giải pháp công nghệ; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nhân rộng những mô hình KTTH mới sau khi thí điểm. Đặc biệt, cần liên kết tạo chuỗi giá trị; phát triển thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo hướng KTTH; phát triển nguồn nhân lực...

Nhiều ý kiến trong hội thảo gợi mở các giải pháp như đẩy mạnh công nghệ vi sinh, ứng dụng côn trùng (ruồi lính đen, trùn quế...) trong việc biến rác thải thành phân bón hữ cơ, xác côn trùng làm thức ăn chăn nuôi; tạo điều kiện cho nông dân mua bán phế phẩm nông nghiệp. Xây dựng chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, cạnh tranh lành mạnh, đặt mục tiêu sinh kế của nông dân lên hàng đầu để nông dân đồng hành với doanh nghiệp. Người làm KTTH phải đi cùng nhau, mở rộng liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối 4 nhà: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp” để phát triển KTTH...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI