Nông dân miền Trung ngậm ngùi với vụ tết thất bát

09/01/2025 - 06:16

PNO - Mưa dầm ở miền Trung kéo dài cả tháng qua và chưa có dấu hiệu dứt khiến rau, hoa và các loại nông sản phục vụ tết gần như mất trắng. Người dân miền Trung đang lo tết này mất mùa, giá hàng hóa leo thang.

Hoa, rau đều hư hại

Còn 20 ngày nữa là đến giao thừa nhưng 200 chậu hoa vạn thọ của ông Đinh Trình Được (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa ươm nụ. Xem dự báo thời tiết, thấy mấy ngày tới vẫn mưa và lạnh (dưới 20 độ C), ông thở dài: “Tết năm nay vắng hoa vạn thọ rồi”.

Xã Nghĩa Hiệp là vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi và là làng hoa nổi tiếng ở miền Trung. Năm nay, xã này có khoảng 500 hộ trồng hoa vụ tết với diện tích khoảng 30ha nhưng nhiệt độ thấp cộng với mưa dầm khiến vạn thọ chỉ phát triển lá. Riêng hoa cúc vẫn đơm nụ bình thường nhưng thương lái chỉ mới đặt cọc khoảng 50% diện tích do lo ngại thời tiết thất thường khiến hoa không nở được.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp - cho biết, hoa ở xã Nghĩa Hiệp đã được chứng nhận OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) nhưng hầu hết người dân trồng theo kinh nghiệm truyền thống, không rõ định hướng, khó tiếp cận thị trường nên vẫn “may nhờ rủi chịu”. Việc xuất bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Không thấy bóng thương lái, người trồng như ngồi trên đống lửa. UBND xã mong có cơ quan chuyên môn quảng bá, tăng đầu ra cho vựa hoa cúc lớn nhất miền Trung này.

Ông Lê Thế Việt (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đi mót từng quả dưa leo trên đám ruộng bị hư do mưa lạnh kéo dài ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Ông Lê Thế Việt (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đi mót từng quả dưa leo trên đám ruộng bị hư do mưa lạnh kéo dài - Ảnh: Đình Dũng

Những ngày này, nông dân ở làng hoa Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cũng lo lắng khi hoa vạn thọ trồng hầu như đã bị hư hại, không sinh trưởng. Các tiểu thương ở TP Đà Nẵng lại lo năm nay sẽ vắng bóng các loại hoa truyền thống vốn được ưa thích dịp tết như cúc, vạn thọ. Chị Nguyễn Thị Chi - tiểu thương ở quận Cẩm Lệ - nói: “Năm nay, hoa cúc, vạn thọ hư hại hoặc ra hoa không đẹp nên chúng tôi giảm nhập hoa tại chỗ, tìm cách nhập hoa từ miền Bắc hoặc Đà Lạt. Tiền nhập hoa đắt mà chưa biết sức mua ra sao”.

Nông dân huyện Đại Lộc - vùng trồng rau, củ, quả lớn nhất tỉnh Quảng Nam - cũng đang méo mặt vì “trời hại”. Rau đang trổ mầm, quả đang kết trái gặp mưa dầm nên tan tác. Đi bòn từng quả dưa leo èo uột trên ruộng, ông Lê Thế Việt (xã Đại An, huyện Đại Lộc) buồn rầu: “Chưa năm nào thời tiết lạ như năm nay. Mưa dầm kéo dài cả tháng mà chưa có dấu hiệu dứt. Bao nhiêu rau quả nhà tôi định trồng để bán mùa tết đã hư hết”. Nhà ông Việt trồng 3 sào đu đủ, 1 sào dưa leo, 1 sào mướp nhưng nay đu đủ và mướp đã chết hết, dưa leo thì èo uột. “Năm trước, mỗi sào dưa leo cho thu hoạch khoảng 2 tạ/ngày, năm nay chỉ hái bòn được vài ký. Tiền đầu tư cho vụ tết 15 triệu đồng coi như mất trắng, không còn vốn để mua giống, mua phân, mà có trồng lại cũng không kịp tết” - ông nói.

Bà Văn Thị Nga (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) ngao ngán: “Mọi năm, dịp tết, mỗi sào dưa, mướp bán được mười mấy triệu đồng. Năm nay thì cả cánh đồng trồng đậu cô ve, đu đủ, ớt, rau đều hư hết. Sào rau cải của tôi vừa rồi sắp xuất bán được thì bị mưa muối làm chết sạch. Mưa dữ quá, đến người ở đây mà còn phải đi mua rau ăn. Giờ chỉ biết chờ sang năm làm lại chứ bây giờ giá phân, giống đều đắt mà khan hiếm. Giờ giá giống đu đủ lên tới 20.000 đồng/cây”.

Do khan hiếm, giá rau ở TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam tăng cao. Giá rau đắt nhưng làng rau La Hường ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng không có để bán bởi số rau vừa xuống giống bị hư hại do ngập úng, số đang phát triển bị thối rễ, úng gốc do gặp mưa dầm.

Lúa cũng chung số phận

Hiện tại, cánh đồng lúa ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi chỉ lác đác mầm xanh trồi lên trên mặt nước. Khoảng 1 tháng trước, nông dân ở xã Phổ Cường vừa xuống giống vụ đông xuân thì gặp đợt mưa lớn. Từ đó đến nay, hầu như ngày nào cũng có mưa nên lúa giống bị thối rễ. Nông dân Nguyễn Đông (thị xã Đức Phổ) dự đoán: “Vụ này thất bát sẽ khiến giá lúa gạo tăng, nhiều hộ phải mua gạo ăn do đã bán hết lúa vụ trước để trang trải tiền phân, thuốc, giống, hầu như không nhà nào còn trữ lúa vì trông chờ vào vụ đông xuân này”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ có 1.200ha, huyện Bình Sơn có 600ha, huyện Nghĩa Hành có khoảng 400ha, huyện Tư Nghĩa có khoảng 300ha lúa bị thiệt hại do đợt mưa bất thường kể trên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nông dân đã gieo sạ hơn 17.200ha lúa, đạt 45,2% kế hoạch. Với thời tiết thất thường hiện nay, tiến độ gieo sạ có thể chậm hơn so với lịch thời vụ. Ngoài lúa, nông dân cũng đã gieo trồng hơn 3.300ha các loại hoa màu khác, trong đó có 113ha bắp (ngô), hơn 2.000ha rau, 38,5ha đậu các loại, gần 600ha đậu phụng (lạc), 490ha ớt. Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh và mưa kéo dài, các loại hoa màu đều chịu nhiều thiệt hại.

Nông dân ở huyện Thăng Bình,  tỉnh Quảng Nam lo âu vì thời tiết  bất thường gây hư hại lúa - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Nông dân ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lo âu vì thời tiết bất thường gây hư hại lúa - Ảnh: Đình Dũng


Ông Trần Phước Hiền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - yêu cầu, hoạt động sản xuất nông nghiệp phải theo hướng thích nghi với thời tiết, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa. Ngành nông nghiệp và các địa phương, đơn vị liên quan cần hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương, đồng thời kiểm tra, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước để giảm tác động của tình trạng ngập úng, hướng dẫn nông dân điều chỉnh lịch gieo sạ phù hợp với tình hình thời tiết.

Thời tiết bất lợi cũng khiến các loại dịch hại sinh sôi, tàn phá cây trồng. Chuột, ốc bươu vàng đang hoành hành dữ dội trên các vùng trồng lúa. Sâu xám, bọ phấn, bọ nhảy, sâu tơ, sâu đục quả, sâu xanh da láng, ruồi đục quả, sâu vẽ bùa, tuyến trùng rễ, bệnh sương mai, bệnh đốm vòng, héo xanh, bệnh thán thư, bệnh héo vàng, bệnh lở cổ rễ, nhện đỏ… đang tấn công, gây hại cục bộ trên các vùng trồng rau màu và hoa. Tính đến ngày 31/12/2024, các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đã mua hơn 6,8 tấn thuốc diệt chuột với số tiền hơn 1,25 tỉ đồng cấp cho nông dân tổ chức diệt chuột tập trung. Đồng thời các địa phương vận động được 64 cuộc ra quân diệt chuột với số chuột đã diệt được là 16.270 con.

Ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hơn 700ha lúa đã bị thiệt hại nặng, nhiều hộ phải xuống giống lần thứ tư. Theo kinh nghiệm dân gian, nông dân xuống giống từ đợt giữa tháng Mười một âm lịch nhưng không ngờ thời tiết quá thất thường khiến lúa bị hư. Ở những vùng ruộng sâu, nông dân phải cấy lúa để đảm bảo thời vụ với giá thuê nhân công và máy cấy bao giống là 710.000 đồng/sào, chưa tính tiền thuê máy cày ruộng, phân bón, thuốc trừ sâu.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho biết, do mưa lớn trên diện rộng, trời rét lạnh nên cây lúa, rau màu vụ đông xuân sinh trưởng, phát triển kém. Sở đã khuyến cáo nông dân xuống giống đúng theo lịch thời vụ để hạn chế thiệt hại; đối với diện tích đất chưa xuống giống, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và có kế hoạch xuống giống phù hợp.

Đối với lúa, sở cũng khuyến cáo nông dân bón lót phân hữu cơ, đảm bảo đủ lân (15-20 kg/sào), không bón lót đạm đơn; tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C; tỉa dặm và bón từ 3 - 4kg phân NPK/sào (loại có tỉ lệ 16:16:8) hoặc 1 - 2kg phân DAP cộng với 2kg phân kali/sào nhằm giúp cây lúa hồi phục nhanh và đẻ nhánh khỏe; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây lúa ở đầu vụ như bọ trĩ, ruồi đục nõn, ốc bươu vàng. Đối với rau màu, cần có biện pháp chống ngập úng, làm mái che cho các vườn rau để chống mưa lớn; cần bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, phân vi lượng cho rau chưa đến kỳ thu hoạch để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu với rét; ngừng bón thúc, đặc biệt là bón thúc phân đạm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Lê Đình Dũng

Rét làm cá chết, đe dọa trâu bò

Chi cục Thủy sản TP Huế cho biết, do thời tiết lạnh kéo dài suốt 2 tháng qua nên vùng nuôi cá bè ở phường Thuận An (xã Hải Dương cũ) bị thiệt hại nặng với 14.000 con cá trong 22 lồng bè bị chết. Bà Phan Thị Thu Hồng - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Huế - cho biết, qua kiểm tra, do mưa kéo dài, độ mặn và độ đục của nước không phù hợp để nuôi thủy sản nước lợ khiến cá không thể hô hấp.

Cùng với mưa, không khí lạnh kéo dài khiến nhiệt độ ở huyện A Lưới, TP Huế chỉ còn 13-15 độ C. Toàn huyện có hơn 28.700 con gia súc, đa số là trâu bò - loài gia súc chịu lạnh kém. Theo UBND huyện, do người dân đã dự trữ rơm từ trước nên đến nay, gia súc vẫn có thức ăn và chống chọi rét được nên chưa xảy ra tình trạng chết hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế - cho biết, đang tích cực hướng dẫn người dân gia cố, che chắn chuồng trại để giảm ảnh hưởng của mưa rét kéo dài; cán bộ thú y cũng bám sát địa bàn để hướng dẫn người dân các kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho gia súc.

Thuận Hoá

Sương muối khiến cam Vinh mất mùa
Từ đầu tháng 1/2025, các vùng trồng cam Vinh ở tỉnh Nghệ An bắt đầu vào chính vụ thu hoạch phục vụ thị trường tết. Nông dân Trương Văn Biên (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) cho biết, năm nay, sương muối nhiều khiến cam Vinh rụng trái hàng loạt. Mọi năm, vườn cam hơn 2.400 gốc của ông cho thu hoạch hơn 70 tấn trái thì năm nay chỉ ước đạt 50 tấn. Năm nay, cam cũng chín muộn hơn nên vụ thu hoạch cam trễ hơn gần nửa tháng so với các năm trước.

Với hơn 300ha trồng cam Vinh, huyện Yên Thành là một trong những vựa cam Vinh của tỉnh Nghệ An. Thời tiết thất thường khiến sản lượng cam Vinh ở huyện này chỉ đạt 2/3 so với vụ cam tết năm 2024, đẩy giá cam tăng nhẹ. Giá mua cam Vinh tại vườn là 35.000-45.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Vụ cam tết năm nay, nhiều chủ vườn cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vẫn không mấy vui do cam rụng hàng loạt. Nông dân Phan Công Hưởng (xã Nghi Diên) cho biết, từ tháng 9/2024, cam Xã Đoài bắt đầu rụng trái hàng loạt do thời tiết thất thường. Càng đến gần kỳ thu hoạch, trái càng rụng nhiều khiến vườn cam hơn 400 gốc của ông rụng mất 70% và ông chỉ dám nhận tiền đặt cọc mua cam tết của khách một cách hạn chế.

Người trồng cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) lo lắng vì sương muối làm cam rụng đầy gốc - ẢNH: PHAN NGỌC
Người trồng cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) lo lắng vì sương muối làm cam rụng đầy gốc - Ảnh: Phan Ngọc


Ông Phan Duy Hải - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An - cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.600ha cam. Thời tiết không thuận lợi cộng với nhiều cây cam bị suy thoái khiến sản lượng cam Vinh năm nay giảm nhiều, chỉ đạt khoảng 18 tấn/ha.

Phan Ngọc

Giá rau tăng mạnh do mưa lạnh kéo dài

Những ngày đầu năm 2025, ở các chợ lớn của TP Đà Nẵng như chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Cẩm Lệ, giá nhập sỉ các loại rau gia vị và rau xanh tăng gấp 2-3 lần so với tuần trước; giá các loại rau quê nhập từ các vùng trồng rau của TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam tăng 200 - 250% do lượng rau về chợ ít. Cụ thể, tại chợ đầu mối Hòa Cường, giá rau muống 35.000-37.000 đồng/kg, giá rau mồng tơi, rau cải 40.000-42.000 đồng/kg, giá rau bồ ngót 9.000-10.000 đồng/kg, giá rau lang 15.000-17.000 đồng/kg, giá khổ qua 55.000-60.000 đồng/kg. Giá các loại rau nhập từ tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai cũng tăng 150 - 180%: rau mồng tơi có giá 26.000-28.000 đồng/kg, rau cải ngọt Đà Lạt 30.000-32.000 đồng/kg, khổ qua 30.000-32.000 đồng/kg.

Giá rau bán lẻ ở nhiều chợ tăng cao so với trước, như giá rau muống, rau lang, rau cải, rau dền tăng từ 10.000 đồng/bó lên 15.000-20.000 đồng/bó, giá hành lá tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000-40.000 đồng/kg, giá rau húng, quế tăng gấp 2-3 lần. Tuy lượng hàng về chợ đầu mối Hòa Cường tương đối ổn định nhưng theo các tiểu thương, lượng rau từ các vùng trồng rau của tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng sụt giảm mạnh do rau bị mưa lạnh kéo dài gây mất mùa. Dự báo, những ngày cận tết, rau sẽ khan hiếm nên giá sẽ tăng mạnh hơn.

Đ. Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI