Nông dân miền Tây trữ ngọt, thay giống cây để sản xuất trong mùa hạn, mặn

13/05/2024 - 05:51

PNO - Nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số nông dân đã chủ động tích trữ nước ngọt, chuyển đổi giống cây trồng nên vẫn có thu nhập tốt trong mùa hạn, mặn.

Dưới mương rau nhút, trên bờ xà lách xoong

Giữa nắng trưa gay gắt, vợ chồng Lê Thanh Tảo - Thạch Thị Chanh (xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vẫn tranh thủ hái 5 mương rau nhút để kịp giao cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg. Anh Tảo cho biết, nhiều nơi đang bị khô hạn, nhiễm mặn nhưng ở đây vẫn có nước ngọt để tưới tiêu là nhờ các hộ chủ động liên kết xây dựng đê bao trữ nước ngọt. Nhà anh có gần 5 công đất, trồng rau nhút dưới mương, trồng xà lách xoong trên bờ, cả hai đều cho thu nhập ổn định.
Để rau nhút phát triển tốt, anh Tảo thả thêm nhiều bèo cho mát mương. Anh nói: “Rau nhút cho thu hoạch sau gần 20 ngày trồng và thu được nhiều đợt. Trồng rau này chủ yếu tốn thời gian chăm sóc nên chỉ cần giá rau 10.000 đồng/kg là nông dân có lời. Do vậy, những lúc giá rau nhút lên 15.000-20.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 60-80 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa”.

Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trồng khoai lang trong mùa hạn, mặn nhờ chủ động được nguồn nước tưới - ẢNH: HUỲNH LỢI
Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trồng khoai lang trong mùa hạn, mặn nhờ chủ động được nguồn nước tưới - ẢNH: HUỲNH LỢI

Chỉ tay về phía những nhà lưới chạy dài dọc theo các liếp xà lách xoong đang phát triển, chị Thạch Thị Chanh cho hay, ngay trong vụ đầu tiên vào năm ngoái, gia đình chị đã thu hồi được mấy chục triệu đồng đầu tư làm nhà lưới, năm nay bắt đầu có lời. Xà lách xoong có ưu điểm là trồng 1 lần, cho thu hoạch trong nhiều năm, giá bình quân 20.000-30.000 đồng/kg vào mùa thuận (từ tháng Mười đến tháng Hai), 40.000 đồng/kg, có khi lên 50.000-60.000 đồng/kg vào mùa nghịch (từ tháng Ba đến tháng Chín), lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Trên vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, chị Lê Thị Kim Thúy khoe: “Gia đình tôi trồng 4 công khoai lang, năng suất vụ này đạt 60 tạ/công (1 tạ = 60kg). Thương lái tới tận ruộng thu mua, giá 830.000 đồng/tạ nên lãi khá”.

Chị Lâm Thị Chín (xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) trồng 2 công dưa leo, được thương lái đến tận ruộng mua với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Anh Nguyễn Văn Chí (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho hay, cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.500ha sầu riêng. Ngoài hệ thống cống ngăn mặn do cơ quan chức năng đầu tư, việc nông dân nạo vét mương, đào thêm ao để trải bạt trữ nước ngọt trong vườn đã giúp cây có được nguồn nước ngọt suốt mùa khô nên vẫn phát triển bình thường.

Chủ động ứng phó giúp giảm thiệt hại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tình trạng hạn, mặn năm 2024 diễn ra gay gắt và kéo dài, gây thiếu nước ngọt ở một số vùng ven biển thuộc các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, nơi không có nước ngầm và chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, hạn, mặn năm nay gây thiệt hại với mức độ thấp hơn nhiều so với đợt hạn, mặn năm 2016 và 2020 nhờ ngành quản lý nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã chủ động chuyển đổi sản xuất cho phù hợp.

Nhờ chủ động nguồn nước, nông dân tỉnh Hậu Giang trồng khóm trong mùa hạn, mặn, cho thu nhập cao
Nhờ chủ động nguồn nước, nông dân tỉnh Hậu Giang trồng khóm trong mùa hạn, mặn, cho thu nhập cao

Nhờ điều chỉnh lịch gieo trồng hợp lý, hơn 73.000ha lúa hè thu và nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái ở tỉnh Hậu Giang vẫn phát triển bình thường. Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang - cho hay, đầu mùa khô, sở đã đề ra các phương án ứng phó phù hợp với từng khu vực, phối hợp cùng UBND các địa phương, hợp tác xã tuyên truyền cho nông dân về lịch thời vụ sản xuất để tránh hạn, mặn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm giảm nước tưới và cho năng suất cao.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho hay, hơn 8.500ha cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt và 3.000ha hoa kiểng trong huyện phát triển bình thường dù nước biển vẫn xâm mặn. Được vậy là nhờ huyện chủ động có các phương án ứng phó hạn, mặn như hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi và tích trữ nước ngọt, gia cố đê bao, mở đóng cửa cống hợp lý, chuyển giao giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất, thông báo kịp thời mức độ mặn cho dân.

Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trồng khoai lang trong mùa hạn, mặn  nhờ chủ động được nguồn nước tưới
Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trồng khoai lang trong mùa hạn, mặn nhờ chủ động được nguồn nước tưới

Mới đây, trong chuyến kiểm tra ở tỉnh Trà Vinh, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - đánh giá cao việc chủ động ứng phó khiến hạn, mặn ở các huyện ven biển không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, Sở NN-PTNT đã chuyển đổi hơn 8.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng các loài cây cần ít nước tưới.

Ông Lê Minh Hoan cũng tâm đắc về việc các hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Trà Vinh áp dụng mô hình sản xuất lúa thông minh, làm kinh tế tuần hoàn, làm mô hình lúa - tôm. Theo ông, để nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc quy tụ nông dân vào các hợp tác xã sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, gắn kết với các doanh nghiệp tiêu thụ để ổn định đầu ra nông sản.

Huỳnh Lợi

Chuyển 86.000ha lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2023, vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 86.000ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái, trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhờ đó, hệ số sử dụng đất được tăng lên từ 1,5-2,2 lần, tiết kiệm được nước tưới, thích ứng tốt với hạn, mặn, nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng cao. Chẳng hạn, khi chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu các loại, nông dân đạt doanh thu bình quân khoảng 150-200 triệu đồng/ha, trồng cây ăn trái đạt doanh thu trên 600 triệu đồng/ha.

Dấu hiệu tích cực từ các mô hình thuận thiên

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” (ban hành năm 2017) đề ra cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm “thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo” gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực. Theo Bộ NN-PTNT, từ nghị quyết này, đã có những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng, như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa, mô hình đa canh, xen canh, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với làm lúa đơn thuần.

Giai đoạn 2021-2025, đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng cho thủy lợi

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - cho hay, tới đây, bộ sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống công trình thủy lợi với mục tiêu kiểm soát mặn kèm hỗ trợ, bổ sung ngọt để biến nước mặn thành nguồn tài nguyên cho quá trình chuyển dịch sản xuất. Đồng thời, bộ cũng đầu tư các công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng mức đầu tư các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 41.257 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 30.000 tỉ đồng.

Không để dân thiếu nước sinh hoạt

Theo Bộ NN-PTNT, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng khai thác nước ở đầu nguồn sông Mê Kông gia tăng, nguồn nước về khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2024 thiếu hụt trầm trọng khiến mức độ xâm nhập mặn cao hơn so với mức trung bình hằng năm.

Hiện tại, có hơn 50.000 hộ ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt. Cục Hậu cần, Quân khu 9 đã dùng 3 tàu vận chuyển khoảng 1.700m3 nước sạch cung cấp miễn phí cho người dân các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh của tỉnh Cà Mau. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cũng điều tàu chở hơn 350.000 lít nước ngọt hỗ trợ người dân đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau. Nhiều tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm các nơi cũng tặng nước ngọt cho người dân ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát diễn biến, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước; nắm chắc từng hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt; tổ chức rà soát các nguồn nước ngọt dự trữ để có phương án cân đối; chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp để triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Huỳnh Trọng

Hạn, mặn ở miền Tây đang giảm nhưng vẫn cần tích trữ nước ngọt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11 - 20/5, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tại Tân Châu là 1,4m, tại Châu Đốc 1,65m.

Mực nước triều tại trạm Rạch Giá dao động ở mức trung bình và có xu hướng giảm dần, đỉnh triều vào thời gian này dao động trong khoảng 0,25 - 0,35m, thời gian xuất hiện trong khoảng 18 - 23g hằng ngày. Từ sau ngày 15/5, nắng nóng sẽ giảm dần, nhiệt độ cao nhất tại miền Tây Nam Bộ phổ biến từ 33-36 độ C.

Trong khoảng thời gian trên, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 90 - 125km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn 35 - 40km; sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 42 - 48km; sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 35 - 40km; sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn 32 - 37km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 45 - 50km.

Tình hình hạn, mặn thời điểm nửa cuối tháng 5/2024 có giảm. Tuy nhiên, vẫn cao hơn so với cùng kỳ và diễn biến phức tạp. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện nay, tổng diện tích đã xuống giống vụ hè thu tại đồng bằng sông Cửu Long khoảng gần 817.000ha. Những ngày tới mặn và hạn còn cao, vì vậy, các địa phương, đặc biệt khu vực ven biển, nên cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích vụ hè thu trong năm nay để góp phần giảm nhu cầu nước và hạn chế xâm nhập mặn vào sâu vùng cửa sông ven biển.

Dự báo El Nino sẽ giảm, trạng thái ENSO nghiêng về pha trung tính từ giai đoạn tháng 4 - 6/2024. La Nina sẽ tác động chủ yếu từ giai đoạn tháng 8 - 10/2024 trở đi. Vì vậy, các địa phương chủ động giải pháp ứng phó với hạn mặn trong tháng tới.

Minh Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI