Nông dân Lý Sơn thiếu cát trắng trồng tỏi

23/06/2015 - 16:02

PNO - PN - Những ngày này, nhiều hộ nông dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phải chật vật, chạy đôn, chạy đáo tìm mua cát trắng, cải tạo lại đất chuẩn bị sản xuất vụ hành Hè thu và vụ tỏi Đông Xuân mùa vụ 2015 -2016.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo lối canh tác truyền thống của nông dân Lý Sơn, để ruộng hành, tỏi cho năng suất cao, có hương vị thơm, cay nồng, bước vào mùa vụ mới, nông dân trên đảo phải cải tạo lại đất bằng cách trải thêm lớp đất bazan mới được lấy từ những miệng núi lửa rồi phủ lên bề mặt một lớp cát trắng.

Mỗi năm, diện tích gieo trồng hành tỏi của nông dân đều phải thay cát một lần với khối lượng khoảng 5 - 6 khối/sào. Như vậy, với diện tích đất trồng hành tỏi trên 300 héc ta, nhu cầu về sử dụng cát trắng của nông dân trên đảo khoảng gần nửa triệu m3 cát trắng/năm.

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, nguồn cát trắng trên đảo và ven bờ biển đã cạn kiệt nên nhiều người phải sử dụng bè tre hoặc xuồng ra biển, cách bờ khoảng vài trăm mét, để hút cát phục vụ trồng trọt.

Nong dan Ly Son thieu cat trang trong toi

Nong dan Ly Son thieu cat trang trong toi

Bè hút cát trắng của nông dân Lý Sơn

Anh Nguyễn Văn Trường, 47 tuổi, ở thôn Đông xã An Hải, một chủ bè hút cát biển cho biết những năm trước cát còn nhiều nên mỗi ngày hút được 5 -7 bè. Còn nay, nếu làm “pha” trưa thì trung bình mỗi ngày hút được 3 bè, mỗi bè khoảng 10m3, chưa tính công và tiền nhiên liệu, thu về khoảng 2 triệu; nhưng nay cát dưới đáy biển cũng cạn kiệt nên việc làm ăn trở nên khó khăn hơn.

Vì lượng cát trắng được hút từ đáy biển lên ngày càng ít nhưng nhu cầu sử dụng cát mới để cải tạo lại đất của nông dân không giảm nên tình trạng “sốt” và thiếu cát trắng đã xảy ra. Nhiều hộ dân vì không mua được cát trắng đành để đất vậy trồng tỏi, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tỏi.

Đang loay hoay vận chuyển xe cát vừa mua được vào ruộng tỏi của gia đình mình, anh Võ Xuân Giáp (ở thôn Đông xã An Vĩnh) kể để mua được vài xe cát, gia đình anh phải đặt cọc chờ đợi cả tháng, nay mới có cát để cải tạo đất.

​Theo anh Giáp, thời điểm này, nông dân đang khẩn trương cải tạo đất để sản xuất nên ai nấy đều cần cát trắng và tranh thủ đặt mua. Vì thế giá cát trắng đang tăng lên từng ngày. Chỉ riêng việc mua 15m3 cát biển, gia đình anh Giáp đã phải bỏ ra trên 1,6 triệu đồng. Giá cát trước đây vốn chỉ từ vài chục ngàn bây giờ đã trên 100.000đ/m3, đó là chưa kể tiền đầu tư mua phân, thuốc trừ sâu, rồi tưới tiêu nên hiện nay việc trồng tỏi chỉ lấy công làm lời.

Nong dan Ly Son thieu cat trang trong toi

Thiếu nguồn cát trắng trồng tỏi khiến mùa vụ của nông dân Lý Sơn ảnh hưởng nghiêm trọng

​Huyện Lý Sơn hiện có 12 bè, xuồng hút cát biển. Các bè, xuồng này luôn hoạt động hết công suất nhưng không đủ cung cấp cho người dân địa phương. Điều này dẫn đến hệ lụy đáng lo ngại là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và việc sinh sống của các rạn san hô và hải sản ven đảo, cộng nguy cơ gây sạt lở do sóng biển xâm thực.

Bà Phạm Thị Hương - PCT. UBND huyện Lý Sơn - cho biết: "Nếu cấm không cho khai thác cát biển thì nông dân lấy cát đây để trồng tỏi? Chính quyền đã kiến nghị với các ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp thay thế nguồn cát biển trong việc cải tạo đất trồng tỏi hoặc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhưng xem ra những biện pháp này không khả thi. Trước thực trạng trên, chính quyền huyện Lý Sơn chỉ còn cách tuyên truyền, vận động chủ bè hút cát nên tránh khai thác ở những rạn san hô, ở gần vùng biển sát bờ để tránh gây sạt lở”.

Bài, ảnh: VĂN MỊNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI