Nông dân đau đầu với giá thức ăn chăn nuôi

06/05/2022 - 09:39

PNO - Giá cám chăn nuôi heo có hàng chục lần được điều chỉnh tăng lên trong khoảng một năm qua trong khi giá heo thịt liên tục trồi sụt khiến người chăn nuôi bị lỗ.

Ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi an toàn Tiên Phong - cho biết, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) thời gian qua đã tăng liên tục 13 - 14 lần với tổng mức tăng lên đến 30%: “Giá TACN chiếm đến 70% giá thành chăn nuôi. Để nuôi một con heo thịt, cần chín bao TACN loại 25kg, cộng thêm tiền mua heo giống 20kg khoảng 2 - 2,2 triệu đồng. Giá cám trung bình 13.500 đồng/kg, cộng thêm chi phí nhân công, thuốc thú y, giá thành lên đến 57.000 - 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo xuất chuồng hiện chỉ được 56.000 đồng/kg nên người chăn nuôi đang lỗ ít nhất 2.000 đồng/kg heo”. 

Các hộ chăn nuôi heo đang bị lỗ do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ phải giảm đàn, ngưng chăn nuôi  (trong ảnh: Một trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai) - ẢNH: Đ.THƯ
Các hộ chăn nuôi heo đang bị lỗ do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ phải giảm đàn, ngưng chăn nuôi (trong ảnh: Một trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai) - Ảnh: Đ.Thư

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - từ đầu năm 2022 đến nay, giá TACN đã tăng bốn lần; lần gần nhất là ngày 1/5, tăng 400 đồng/kg (khoảng 10.000 đồng/bao 25kg). Trung bình một con heo ăn hết chín, mười bao cám, tính ra, chi phí chăn nuôi một con heo bị đội thêm 400.000 đồng. Theo ông Đoán, hộ nào có nuôi heo nái, tự sản xuất heo giống mới hy vọng huề vốn. 

Hiện có đến 70% nguồn TACN là nhập khẩu, trong khi giá TACN trên thị trường thế giới tăng liên tục, chưa có dấu hiệu dừng lại. TACN chiếm đến 70% giá thành chăn nuôi nhưng với đà tăng hiện nay, tỷ trọng này tăng lên 80%. Vì vậy, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, phần lớn hộ chăn nuôi heo hiện nay huề vốn hoặc lỗ vốn nên nhiều hộ không nuôi nữa.

Theo ông, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có chuỗi sản xuất TACN, chủ động con giống, có dây chuyền giết mổ nên giá TACN tăng không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo cho thị trường: “Bài toán lâu dài mà Chính phủ đưa ra là chăn nuôi heo theo quy mô, quy trình công nghiệp, sản xuất theo chuỗi, nên chỉ những doanh nghiệp lớn mới tồn tại, còn nông hộ dù nuôi cả 1.000 con mà không tham gia chuỗi thì cũng chết”. Ông cho rằng, nghịch lý hiện nay là dù giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán heo hơi không tăng, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá cao. 

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, việc sản xuất nguồn TACN trong nước không hiệu quả bằng việc nhập TACN, giá nhập TACN còn rẻ hơn giá thu mua nguyên liệu trong nước. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể tận dụng được nguồn TACN có sẵn như cám gạo, cám dừa nhưng để nuôi với số lượng lớn thì không thể chọn giải pháp này. 

Theo ông Trần Quốc Thắng, số hộ chăn nuôi hiện đã giảm đến 70% do thua lỗ, nhưng bù lại, các công ty, tập đoàn tăng đàn nên không lo thiếu lượng heo cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, cần chủ động nguồn TACN trong nước bởi quỹ đất cho nông nghiệp còn nhiều. 

Không chỉ chăn nuôi heo, ngành chăn nuôi gà công nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá TACN liên tục. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, nhiều hộ chăn nuôi đang bị lỗ và giảm đàn. Nguồn cung gà từ các hộ chăn nuôi hiện chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn.

Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân - cho biết, tổng mức tăng giá TACN đã lên đến 30%, chi phí TACN chiếm tới 70 - 80% giá thành chăn nuôi. Do tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM nên sau đợt điều chỉnh giá thịt, trứng gia cầm mới đây, Ba Huân không thể tăng giá sản phẩm nữa dù chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Sức mua thị trường vẫn còn yếu nên công ty đành chấp nhận lỗ. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI