Nông dân Ấn Độ dùng máy kéo, xe tải chặn đường để phản đối chính phủ

07/02/2021 - 16:07

PNO - Hàng ngàn nông dân Ấn Độ đã mang xe tải, máy kéo chặn các con phố lớn nhằm phản đối chính phủ phải trì hoãn các cải cách nông nghiệp vốn vấp phải sự phản đối của dư luận trong nhiều tháng qua.

Hôm qua, hàng ngàn nông dân ngăn chặn các nẻo đường về thủ đô bằng lều tạm, xe máy kéo cùng xe tải và đá tảng để gây áp lực buộc chính phủ phải rút lại những quyết định cải cách nông nghiệp. Các cuộc biểu tình ban đầu được bắt đầu bởi người trồng lúa và lúa mì từ miền Bắc Ấn Độ, sau đó nó lan dần đến những người sống trong các căn hộ tạm bợ ở ngoại ô New Delhi.

Thế nhưng rất nhanh chóng, cuộc biểu tình nay đã diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước, đặc biệt là ở các bang không do đảng của Thủ tướng Narendra Modi cầm quyền. Chính phủ liên bang đã nhượng bộ cho nông dân nhưng từ chối bãi bỏ 3 đạo luật được thông qua vào năm ngoái mà họ cho là rất quan trọng để mang lại đầu tư mới cho lĩnh vực này.

Nông nghiệp vốn chiếm gần 15% nền kinh tế và trị giá đến 2,9 ngàn tỷ USD cùng khoảng một nửa lực lượng lao động của Ấn Độ. Sở dĩ có rất đông người tham gia biểu tình bởi người nông dân lo ngại rằng những cải cách này sẽ khiến họ rơi vào tay những tập đoàn cá mập trên toàn cầu, điều này dẫn đến việc dần dần chính phủ sẽ chấm dứt thói quen mua hàng đảm bảo.

Hôm qua người ta đã phải hứng chịu nạn “Kẹt xe chakka”, hay còn gọi là phong tỏa đường, kéo dài trong 3 giờ và được bắt đầu vào khoảng giữa trưa trên toàn quốc, ngoại trừ ở New Delhi và một vài bang lân cận. 

Trong một đoạn clip được phát trực tiếp, Saha nói “ Vụ kẹt xe chakka diễn ra hôm nay đã cho chính phủ thấy rõ ràng rằng đây là một cuộc biểu tình của toàn dân Ấn Độ”. Các cuộc biểu tình chủ yếu được tổ chức trên những con đường quốc lộ ở các tiểu bang và nó vẫn diễn ra như thường lệ ở hầu hết các thành phố. Avik Saha, thư ký của Ủy ban Điều phối nghiệp đoàn Kisan toàn Ấn Độ, một tổ chức bảo trợ của các nhóm nông dân, xác nhận có khoảng 10.000 địa điểm trên khắp đất nước này đã bị phong tỏa trong 3 giờ liền.

Nông dân ngồi xổm trên các con đường ở phía Đông bang Odisha và ở phía Nam Karnataka, một tiểu bang miền Tây nam Ấn Độ, với cờ và biểu ngữ phản đối luật. Một số mang biểu ngữ kêu gọi chính phủ không nên coi họ là kẻ thù, trên đường cao tốc gần thủ đô, người ta cũng thấy một số nông dân hút thuốc hookah khi các bài hát được phát trên loa.

Cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người dân tham gia
Cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người dân tham gia

Dilbag Singh, một nông dân 65 tuổi, tham gia biểu tình ở Kundli gần biên giới Delhi, nói với Reuters: “Nông dân trên toàn quốc đoàn kết chống lại điều này và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau cho đến khi luật ‘đen’ được bãi bỏ”.

Hàng chục ngàn nông dân đã ngủ ngoài trời, ngay trên các tuyến đường quốc lộ trong nhiều tháng qua, họ bất chấp mùa đông giá lạnh ở New Delhi.

Các cuộc biểu tình này của họ hầu hết diễn ra một cách ôn hoà. Thế nhưng vào ngày 26/1 vừa qua, khi người nông dân xuống đường với những chiếc máy kéo đã làm bùng lên một sự hỗn loạn khi một số phần tử cực đoan đụng độ với cảnh sát liên bang.

Sau biến cố này, nhà chức trách đã đóng cửa internet di động ở một số khu vực của thủ đô. Trong khi đó trên các con đường biên giới để vào New Delhi, những rào chắn dày đặc được dựng lên để ngăn người biểu tình tiếp tục vào thành phố.

Trong một động thái liên quan, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi nhà chức trách và người biểu tình nên “thực hiện sự kiềm chế tối đa”. Vấn đề này cũng thu hút sự chú ý của quốc tế khi những người nổi tiếng như ngôi sao nhạc pop Rihanna và nhà vận động môi trường Greta Thunberg tuyên bố ủng hộ nông dân. Hoa Kỳ cũng đã thúc giục Ấn Độ nối lại các cuộc đàm phán với nông dân.

Trọng Trí (theo Reuters)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI