Nóng chuyện phân loại phim C21, kiểm duyệt phim chiếu mạng

14/12/2020 - 19:53

PNO - Với phim C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21), những cảnh bạo lực, tình dục sẽ ở cấp độ cao hơn so với C18 hiện hành nhưng đề xuất này được nhiều đại diện cho là không cần thiết.

C21 và C18, khác nhau chỗ nào?

Tại Hội nghị - Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo 3 Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam tổ chức ngày 14/12 tại TPHCM, có nhiều ý kiến liên quan đến 2 mức phân loại phim mới được đề xuất trong Điều 27.

Cụ thể, Ban soạn thảo Luật thêm vào mức C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21) và mức PG (Phim C13 cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim, với điều kiện đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ). Mức PG được nhiều đại biểu đồng tình trong khi mức C21 bị phản đối.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết với C21, những cảnh bạo lực, cảnh nhạy cảm trong phim sẽ ở một cấp độ cao hơn, dành cho người trưởng thành hơn so với mức C18 hiện tại. Trước ý kiến “ở một cấp độ cao hơn”, “trưởng thành hơn”, nhiều đại biểu cho rằng cụm từ này gây khó hiểu, bởi khó phân định sự khác biệt trong nhận thức của khán giả trên 18, và khán giả dưới 21.

Đại diện đơn vị Galaxy nói: “Về đề xuất đưa vào phân loại C21, chúng tôi cho rằng điều này sẽ hạn chế phim được đến với khán giả, đặc biệt khi nhà nước có những chính sách thúc đẩy điện ảnh. Thay vì phân loại C21, Luật chỉ nên dừng ở C18 và có các quy định thông thoáng hơn. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại - người 18 tuổi trở lên có đủ nhận thức, có thể chịu trách nhiệm hành vi dân sự”.  

Phía Lotte Entertainment Việt Nam, ông Lee Jin Sung cũng khẳng định: “Nếu có thêm phân loại C21 thì tại rạp chiếu, rất khó để phân biệt giữa C21 và C18. Tôi nghĩ rằng nên lấy những quy định ở mức C18 đưa vào C18 hiện tại và xoá bỏ C21 thì sẽ thiết thực hơn”.

Phim Tiệc trăng máu được dán nhãn 18+ vì có một số câu thoại, cảnh quay cần được giới hạn người xem.
Phim Tiệc trăng máu được dán nhãn 18+ vì có một số câu thoại, cảnh quay cần được giới hạn người xem.

Tại Hội thảo, việc đưa C21 vào Điều 27 Luật Điện ảnh (sửa đổi) liên tục bị phản ứng, ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc Công ty Hoan Khuê (HKFILM) cho rằng: “Khi nghe mở rộng độ tuổi cấm, tôi hơi lo ngại vì nếu cấm nhiều quá, chúng ta sẽ hạn chế sự đổi mới của điện ảnh. Có những điều rõ ràng phải cấm nhưng có những chuyện phải đưa vào mục hạn chế thay vì cấm”.

Ông Nguyễn Thế Phong nói, nếu Ban soạn thảo Luật Điện ảnh muốn đưa phân loại C21 vào thì chắc chắn C21 phải khác với C18 hiện tại. Ông sợ rằng ban soạn thảo lấy quy định C18 hiện tại rồi gắn cho nó một tên gọi mới, không có nhiều khác biệt. “Luật hiện tại của Việt Nam chỉ có người lớn trên 18 tuổi, không ai gọi người lớn trên 21 tuổi. Nếu áp dụng, chúng ta sẽ trả lời sao nếu có người hỏi người xem 18 tuổi khác người xem 21 tuổi như thế nào?”, ông Nguyễn Thế Phong nói thêm.

Trước ý kiến của đông đảo đại diện, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Đây mới là ý kiến mà ban soạn thảo Luật Điện ảnh (đổi mới) dự kiến sẽ đưa vào. Trước khi đưa vào chính thức, Cục sẽ ghi nhận các ý kiến để xem có cần thiết hay không”.  

Tiền kiểm hay hậu kiểm phim chiếu mạng?

Tại Hội thảo, việc phổ biến phim trên không gian mạng cũng đặc biệt nhận được sự quan tâm. Ban soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề ra 2 phương án: tiền kiểm và hậu kiểm. Nhiều đại biểu ủng hộ việc hậu kiểm vì cho rằng hiện tại, khối lượng phim chiếu mạng rất lớn và nếu phải tiền kiểm tất cả thì e rằng, không đủ nhân sự.

Phương án hậu kiểm được nêu cụ thể gồm: Phim phát hành, phổ biến có bản quyền hợp pháp và nội dung phim không vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh; phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim. Tiếp đến, Luật quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam.

Đại diện Galaxy cho biết: “Đơn vị hoàn toàn ủng hộ cách tiền kiểm với phim điện ảnh chiếu rạp, còn với phim chiếu trên không gian mạng, chúng tôi ủng hộ việc hậu kiểm. Tuy nhiên, với hậu kiểm, nên có quy định rõ về việc phân loại phim như thế nào và nếu được, vẫn “mở cửa” với những doanh nghiệp muốn tiền kiểm trước”.  

Hậu trường 1 cảnh quay trong phim Gái ngàn đô do Galaxy Play sản xuất.
Hậu trường 1 cảnh quay trong phim Gái ngàn đô do Galaxy Play sản xuất. Phim được dán nhãn 18+.

PGS. TS Trần Luân Kim, nguyên Viện trưởng Viện Phim Việt Nam chia sẻ với báo Phụ Nữ TPHCM rằng tiền kiểm phim chiếu trên không gian mạng là điều bất khả thi.

Tuy nhiên, để tránh những sai sót, tránh sự đã rồi mới đi giải quyết vì khâu hậu kiểm, PGS. TS Trần Luân Kim cho biết: “Cùng với hậu kiểm, Luật phải đề ra những giải pháp căn cơ hơn, đặt trách nhiệm cho đơn vị sản xuất nhiều hơn. Nếu những đơn vị nào cho ra đời các sản phẩm chứa nội dung sai lệch, trái thuần phong mỹ tục thì phải bị xử lý mạnh để răn đe cho những đơn vị khác. Theo thời gian, chúng ta tiến tới việc không còn kiểm duyệt như cách mà Hàn Quốc đang làm”.

Thời gian qua, các nền tảng phim chiếu mạng tại Việt Nam nở rộ từ miễn phí cho đến có thu phí. Nhiều đơn vị, trong đó có Galaxy Play, Pops, FPT... đang đổ tiền để đầu tư những dự án phim chiếu mạng, nhằm thu hút khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị, một số phim do chính họ sản xuất gây ra tranh cãi về độ táo bạo trong cách thể hiện.

Với Galaxy Play, đơn vị này đang có 2 phim đầu tư, sản xuất gồm Gái ngàn đô Sugar dady & Sugar baby được dư luận rất quan tâm. Phim chứa nhiều cảnh nóng, khá táo bạo so với các phim truyền hình, phim chiếu rạp cùng thể loại.

Để việc hậu kiểm có hiệu quả thay vì tiền kiểm tốn quá nhiều nhân sự - như ý kiến của một số đại biểu nói trên, e rằng Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải nâng trách nhiệm của đơn vị sản xuất phim cao hơn nữa, thậm chí với những lỗi nặng hoặc có tính chất tái phạm, sai một dự án có thể sẽ bị buộc tạm dừng vài dự án tiếp theo. Chỉ cần một lỗi nhỏ, hậu quả khôn lường do tốc độ lan truyền trên mạng cực kỳ nhanh chóng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI