Nóng bỏng mặt trận truy quét hàng lậu cuối năm

12/01/2024 - 07:07

PNO - Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, hình thành nhiều đường dây có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ, nhiều thành phần tham gia…

 

Lực lượng quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu trên đường Nguyễn Thông, quận 3 trong năm 2023 - Ảnh do Cục Quản lý thị trường TPHCM cung cấp
Lực lượng quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu trên đường Nguyễn Thông, quận 3 trong năm 2023 - Ảnh do Cục Quản lý thị trường TPHCM cung cấp

Vùng biên không yên tĩnh

Dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào và Quốc lộ 9 từ cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Hướng Hóa về TP Đông Hà, các đầu nậu dùng mọi phương thức để có thể đưa hàng lậu qua biên giới. Trung tá Tạ Quang Dung - Trưởng công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - cho biết, giáp tết Nguyên đán, đường là mặt hàng được nhập lậu nhiều nhất. Đường lậu chủ yếu từ Thái Lan đi qua Lào rồi vào Việt Nam. Năm 2023, trong 200 tấn đường lậu bị lực lượng chức năng Quảng Trị thu giữ thì có hơn 100 tấn bị thu giữ từ tháng 11/2023 đến giữa tháng 12/2023.

Theo ông Lê Hữu Cường - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - dịp tết, nhu cầu tiêu dùng đường cao, giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập lậu nên các đầu nậu đẩy mạnh nhập lậu để kiếm lời. Nhiều nhóm tổ chức buôn lậu đã cấu kết với cư dân sống dọc sông Sê Pôn để tuồn hàng trái phép vào Việt Nam.  

Quanh cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), các tay buôn lậu lợi dụng địa hình hiểm trở, không có cư dân để tuồn hàng lậu từ Lào sang. Ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo - cho biết, dịp cuối năm, lực lượng hải quan, biên phòng huy động toàn bộ quân số tuần tra, kiểm soát 24 giờ mỗi ngày, nhưng do lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn, tội phạm chế thêm hầm chứa hàng bí mật trên xe nên không dễ phát hiện hàng lậu. Những năm gần đây, nạn buôn lậu hàng điện tử, động vật hoang dã qua cửa khẩu Cầu Treo giảm nhưng pháo, ma túy vẫn chưa giảm. 

Dọc biên giới Việt Nam - Campuchia ở phía tây nam, hoạt động buôn lậu cuối năm cũng nhộn nhịp, nhất là ở đoạn vùng biên của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp với tổng chiều dài khoảng 150km. Lợi dụng nhiều đường mòn, lối mở, sông rạch chằng chịt, các đối tượng nhập lậu đường cát, bia rượu ngoại, pháo nổ, vàng, ngoại tệ...

Thiếu tá Lê Văn Quân - Phó đồn trưởng phụ trách nghiệp vụ của đồn biên phòng Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) - cho biết, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, tính chất manh động. Trong nhiều vụ, khi gặp lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu chống trả quyết liệt để cướp lại hàng.

Giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi 

Ngày 4/1, tại hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường (QLTT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT - đánh giá, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản được kiểm soát.

Lực lượng hải quan tỉnh Quảng Trị bắt giữ một vụ vận chuyển đường lậu qua cửa khẩu Lao Bảo vào tháng 12/2023 - Ảnh do Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cung cấp
Lực lượng hải quan tỉnh Quảng Trị bắt giữ một vụ vận chuyển đường lậu qua cửa khẩu Lao Bảo vào tháng 12/2023 - Ảnh do Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cung cấp

Tuy nhiên, hàng lậu vẫn lọt qua biên giới do các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, như không khai báo hoặc khai hàng hóa không đúng với thực tế; che giấu nguồn gốc, cất giấu tinh vi; mua bán, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hóa theo đường chuyển phát nhanh. Ở thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, khó phát hiện. 

Theo ông Trần Hữu Linh, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không được bày bán tràn lan như trước mà được tập kết trong các kho hàng đặt ở nơi hẻo lánh hoặc ở nhà riêng, sau đó lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh.

Ông Trần Hữu Linh lo ngại về việc thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng… bị trà trộn để bán ra thị trường dịp lễ, tết, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Ông yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là các tỉnh biên giới, cần phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới bằng đường bộ, đường biển; rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa ở khu vực cửa khẩu, chợ biên giới. 

Ông Trần Hữu Linh lưu ý, cần kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm theo vùng, khu vực, như dọc tuyến biên giới phía Bắc là gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, pháo nổ, hàng điện tử, vải, quần áo, giày dép, đồ trang trí tết, dọc biên giới miền Trung, Tây Nguyên là đường cát, rượu, bia, nước giải khát, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, dọc tuyến biên giới Tây Nam là đường cát, thuốc lá điếu, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, pháo nổ...

Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ở các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp tết Nguyên đán; phối hợp với các lực lượng chức năng và cục QLTT các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm; phối hợp với các lực lượng chức năng khác thu thập thông tin, xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

 
Lực lượng biên phòng, hải quan soi từng bộ phận trên xe tải khi qua cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) - ẢNH: NAM DƯƠNG
Lực lượng biên phòng, hải quan soi từng bộ phận trên xe tải khi qua cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) - Ảnh: Nam Dương

Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi

Theo ông Nguyễn Tiến Sơn, các đối tượng buôn lậu luôn có các thủ đoạn mới để qua mặt lực lượng chức năng khi thông quan. Có những vụ, sau 2 ngày làm việc ở đồn, công an mới phát hiện ra khoang chứa bí mật trên xe chở hàng; nếu không có thông tin từ trinh sát ngoại tuyến thì rất khó lật tẩy thủ đoạn.

Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị - thông tin, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, hình thành nhiều đường dây có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng, hoạt động chủ yếu từ 3g đến 5g (rạng sáng) hoặc từ 11g đến 13g (giữa trưa), vận chuyển hàng lậu qua các đường mòn, lối mở ở khu vực có địa hình hiểm trở, chia nhỏ hàng hóa rồi vận chuyển về các điểm tập kết.

Nửa tháng, phá hơn 150 vụ buôn lậu, vi phạm kinh tế 

Theo Công an TPHCM, trong năm 2023, lực lượng công an của TPHCM đã phát hiện, đấu tranh 1.583 vụ, 1.600 đối tượng có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và 1.010 vụ, 1.026 đối tượng có dấu hiệu vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm.

Thượng tá Lê Quang Phúc - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TPHCM - cho biết, chỉ sau 15 ngày thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm (tính từ ngày 15/12/2023), lực lượng công an đã phát hiện, đấu tranh 151 vụ, bắt 154 đối tượng vi phạm về kinh tế, buôn lậu, đã khởi tố 24 vụ, 24 bị can và xử phạt vi phạm hành chính 36 vụ, 36 đối tượng với tổng tiền phạt 502.470.000 đồng. PC03 cũng đã khởi tố 6 vụ, 8 bị can về hành vi buôn lậu, vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ.

Sơn Vinh

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI