Những ngày này, ông Võ Ngọc Hùng - 62 tuổi, nhà ở hẻm 36/13 Kim Long, phường Kim Long, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế - túi bụi với công đoạn cuối cùng để hoàn thành những đơn hàng làm nón xương gân lá từ chất liệu lá bàng rừng.
Nhờ sự kỳ công, tâm huyết của người thợ, những chiếc lá rừng vốn vô tri đã được đánh thức, tỏa đi khắp mọi miền.
|
Nón xương gân lá được làm từ lá bàng rừng có màu trắng ngà mỏng manh sương khói |
Ông Hùng từng trải qua rất nhiều nghề từ giáo viên, vẽ tranh đến bán thuốc nam, sửa đồng hồ… nhưng với nghề làm nón bằng lá bàng rừng, mọi thứ bắt đầu như một “mối tình” sét đánh.
Đến bây giờ, ông Hùng vẫn chưa biết điều gì khiến mình quên ngày, quên đêm tập trung tất cả công sức để làm cho bằng được những chiếc nón từ lá bàng rừng.
“Tôi có biết làm nón là gì, càng không nghĩ mình sẽ gắn với nghề làm nón, cho tới khi tình cờ đọc trên mạng, biết ở Huế có người làm ra những chiếc nón lá sen rất đẹp nên nghĩ, hay là mình cũng góp thêm cho Huế một sản phẩm du lịch, một món quà lạ lẫm với những du khách phương xa?” - ông Hùng nhớ lại.
Liền sau đó ông “đâm đầu” vô… nón, lọ mọ nghiên cứu ngày đêm với mong ước làm ra những chiếc nón xương gân lá thật đẹp, thật mới lạ.
Vậy mà cũng ròng rã 2 năm trời, từ khi hình thành ý tưởng đến lúc chiếc nón xương gân lá ra đời.
|
Ngâm cho bay màu diệp lục trên lá |
Với ông Hùng, nếu như không có vợ ông song hành trong ý tưởng, chắc có lẽ “cuộc chơi nghệ thuật sang trọng” đã đứt đoạn từ lâu.
Hôm ra mắt chiếc nón bằng xương gân lá đầu tiên, bà Ngộ vợ ông Hùng đã bật khóc vì nhớ lại những khoảnh khắc có bao nhiêu tiền trong nhà đều bay theo… nón, có lúc phải bán luôn hai chiếc xe đạp mà mấy đứa con trong nhà rất quý để chồng làm “lộ phí” lên rừng tìm lá bàng.
Chưa kể, khi bắt đầu “dự án nón xương gân lá”, nhiều người ở vùng đất Kim Long cứ bảo ông Hùng bị điên; chuyện nhà cửa, con cái không lo, cứ ngày này qua tháng nọ bỏ nhà biền biệt để tìm lá bàng rừng.
Hễ nghe ai mách bảo khu rừng nào có lá bàng to, đẹp thì ông Hùng lại xách chiếc bao, cây sào, con dao và đôi giày đi rừng, quyết đến cho bằng được.
Ngày chiếc nón đầu tiên hoàn tất, nhiều người trong xóm tỏ ra thích thú, rồi xin đội thử và chụp ảnh làm kỷ niệm. Những bức ảnh đó được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người ngỡ ngàng. Từ đó, những cuộc gọi đặt hàng liên tiếp dồn về.
"Tôi vui đến muốn khóc. Không ngờ công sức sau bao nhiêu năm mày mò cuối cùng cũng được thị trường, khách hàng chấp nhận" - ông Hùng xúc động.
|
Công đoạn ủ, rồi tẩy chất diệp lục ra khỏi lá bàng để lấy riêng phần xương lá mất hơn 45 ngày |
Để làm một chiếc nón xương gân lá phải mất thời gian hơn hai tháng, qua rất nhiều công đoạn.
Đầu tiên là phải lên rừng tìm lá bàng cho thích hợp, kích cỡ chiếc lá phải được tính toán sao cho rộng và dài đủ để phủ từ đỉnh nón đến vành cuối cùng là vành thứ 16. Nếu chiều dài chiếc lá to hơn khung vành nón thì cắt bỏ.
Kế đến là công đoạn ngâm lá cho phân hủy hết chất diệp lục trên lá, công đoạn này mất gần 45 ngày, sau đó dùng bàn chải đánh răng chải từng sợi theo chiều sống lá. Vất vả nhất có lẽ là lúc chải xương lá.
Ông Hùng giải thích: với chiếc bàn chải đánh răng nhỏ xíu, người thợ phải thật cẩn thận trên chiếc lá mỏng tang.
Quy tắc chải là thuận chiều, kỹ lưỡng, vì thế dù cật lực, mỗi ngày chỉ chải được tầm 30 chiếc.
Một chút sơ sẩy, một đường sống lá bị rách là công sức sẽ đổ sông đổ bể. Nhiều lúc chải, chuyện thở mạnh hay cười to đều phải nín lại, nếu không lá sẽ hỏng.
Sau khi lấy hết chất diệp lục, lá sẽ được xếp lại theo hình chiếc nón rồi đưa vào khung và cuối cùng người thợ chằm nón sẽ chuốt lại thành chiếc nón.
Mỗi chiếc nón xương gân lá thường tiền công người thợ chằm nón gấp 3 đến 4 lần so với chằm chiếc nón bài thơ.
Điểm đặc biệt của chiếc nón xương gân lá này so với những chiếc nón khác đó là nón xương gân lá không thấm nước.
Nón còn thích hợp lúc trình diễn thời trang hay trang trí ở những nhà hàng, quán cà phê hoặc để chụp ảnh lưu niệm, làm quà tặng cho du khách.
|
Hoàn chỉnh chiếc nón |
Ông Hùng quý trọng màu sắc nguyên thủy của từng đường gân. Màu trắng ngà mỏng manh sương khói ẩn chứa sức mạnh kiên cường không hề được tô vẽ.
Vì thế, để nón bền, thay vì chọn lớp dầu nón (làm nón đổi sang màu vàng xỉn), ông chọn sơn bóng PU. Loại sơn này sẽ giữ màu thật của xương lá, vừa tăng độ chống chịu với thời gian.
Mỗi chiếc nón xương gân lá hiện tại được bán với giá 450.000 đồng, 1/3 trong số tiền đó ông Hùng chi trả cho người thợ chằm nón. Tuy nhiên mặt hàng này chỉ mới bán nhỏ lẻ ở Cần Thơ, Hà Nội, TP.HCM. Nhiều vị khách khác khi đội chiếc nón đã xúc động bởi hiểu được tâm sức của người làm ra là cả một hành trình không hề đơn giản.
“Nhiều người đặt cả ngàn cái mà có đủ đâu, làm cật lực lắm chú, cả tháng mới được 20 đến 30 cái. Thêm nữa, đặt hàng hôm nay thì phải cả tháng sau mới có mà giao”, ông Hùng tâm sự thêm.
|
Để làm được nón xương gân lá từ lá bàng rừng ông Hùng mất hơn hai năm dày công nghiên cứu. Mong muốn của ông Hùng sẽ có một xưởng sản xuất để truyền nghề cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn |
Không dừng lại ở đó, hiện tại, ông Hùng tiếp tục chuẩn bị thử nghiệm đưa lên nón những hình ảnh về danh thắng của Huế và kết hợp những chất liệu lá khác với lá bàng rừng.
Ai có yêu cầu về hình ảnh, ông Hùng cũng sẽ cố gắng đáp ứng với hy vọng bên cạnh chiếc nón bài thơ, nón xương gân lá sẽ là món quà mà du khách yêu Huế không thể thiếu.
Thuận Hóa