Nón - lung linh hồn dân tộc

13/06/2015 - 18:41

PNO - PN - Nếu có điều gì để nói về vở múa đương đại Nón (diễn tại Idecaf vào tối nay, 13/6) thì đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc truyền thống và những vũ điệu hiện đại. Từ đó, người xem cảm nhận được cái đẹp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vũ Ngọc Khải là nghệ sĩ múa chuyên nghiệp hành nghề nhiều năm tại các nước Châu Âu và Việt Nam. Hồng Quang là một nghệ sĩ chuyên về âm nhạc dân tộc, hiện đang theo học sáng tác tại Hà Lan.

Non - lung linh hon dan toc

Hai nghệ sĩ trẻ - Ngọc Khải, Hồng Quang - trong vở Nón

Hai nghệ sĩ trẻ này có điểm chung là trân trọng những giá trị truyền thống nên đã gặp nhau và quyết định làm điều gì đó để người Việt hiểu thêm về giá trị Việt, và người nước ngoài khám phá ra những điều sâu sắc nằm bên trong văn hóa Việt Nam. Vở múa đương đại Nón ra đời trên tinh thần đó.

Hồng Quang với sở trường về âm nhạc dân tộc sẽ phát huy thế mạnh của mình. Anh chơi cùng lúc nhiều nhạc cụ như đàn tính, đàn dây, đàn bầu, chiêng, mõ… và âm nhạc của anh sẽ làm nền để minh họa và hòa nhịp với các vũ điệu ấn tượng của Ngọc Khải.

Theo những gì mà hai nghệ sĩ chuyển tải thì Nón là câu chuyện về mặt đất hình vuông và bầu trời hình tròn - hình ảnh tiêu biểu nhìn thấy qua chiếc bánh chưng và bánh dày - câu chuyện dân gian quen thuộc của người Việt. Hay nói cách khác, đỉnh chóp của chiếc nón lá Việt có thể được xem là đỉnh cao của sự vươn lên.

Tuy nhiên, nghệ thuật vốn không có một định nghĩa duy nhất cho một ý tưởng. Vì vậy, mỗi một người sẽ tự cảm nhận ra một câu chuyện cho riêng mình qua Nón. Trong suốt vở diễn, động tác hình thể của Ngọc Khải cho người xem cảm giác như anh đang bị dồn nén bởi một sức ép nào đấy. Điều đó được thấy rõ hơn khi bị nhốt trong một vùng ánh sáng. Anh đã vùng vẫy thoát ra một cách đầy tuyệt vọng.

Non - lung linh hon dan toc

Ngọc Khải chìm trong cảm giác suy tư trong bài múa

Hình ảnh này có thể hiểu rằng trong cuộc đời con người có thể gặp những trở ngại trở thành một thứ gông cùm mà mỗi cá nhân luôn muốn vượt thoát khỏi chúng.

Tiếp đến, hình ảnh Hồng Quang trong chiếc áo nâu của nhà tu, hát lên giai điệu của tiếng Phạn gợi lại hình ảnh nhà sư đang tụng kinh cầu an cho chúng sinh. Sau lời tụng ca đó, mọi thứ biến mất trong hư không. Nó như diễn tả một triết lý - cõi nhân sinh chỉ là tạm bợ và con người ta sẽ bình yên khi ngộ ra đâu là giá trị thật.

Nhưng cuối cùng, điều đọng lại lâu nhất trong tâm trí người xem là hình ảnh chiếc nón lá treo lủng lẳng phía trên dàn nhạc cụ dân tộc. Một hình ảnh đưa người ta về với trạng thái tĩnh lặng của văn hóa Việt Nam.

Được biết sau xuất diễn đầu tiên, Lãnh sự quán Pháp - đơn vị hỗ trợ cho Ngọc Khải và Hồng Quang sẽ tổ chức trình diễn thêm một suất nữa. Riêng Ngọc Khải và Hồng Quang sẵn sàng chào đón tất cả những lời mời và sự hợp tác để Nón có thể đến được nhiều nơi tại quốc nội và hải ngoại.

Bài, ảnh: HUY NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI