Nomophobia - bệnh thời đại từ điện thoại

28/07/2018 - 09:00

PNO - Sự xuất hiện của các thiết bị điện tử công nghệ như máy tính bảng, smartphone, máy chơi game kéo theo những hội chứng rối loạn tâm lý, tâm thần thời hiện đại.

Hệ lụy của việc nghiện thiết bị công nghệ tác động từ trẻ em cho tới người lớn.

Trên trang mạng xã hội của một bác sĩ tại TP.HCM vừa đăng tải một cảnh báo về hội chứng Nomophobia (No Mobile Phone Phobia - chứng sợ không tiếp cận được với điện thoại). Người mắc chứng này luôn tỏ ra hoang mang, bất an nếu quên mang theo điện thoại, sạc điện thoại hoặc đi vào vùng mất sóng. Cũng theo vị bác sĩ nói trên, Nomophobia là một dạng rối loạn tâm thần mới. Một thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, 66% dân số mắc Nomophobia, 66% dân số ngủ kế bên điện thoại, 72% dân số lúc nào cũng có điện thoại ở cách mình trong vòng 1,5m. 

Khi đọc cảnh báo trên, hẳn ai trong chúng ta cũng giật mình, bởi hầu hết đều cảm thấy mình có ít nhất một trong các dấu hiệu của Nomophobia. Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - phân tích: “Nếu vì công việc đòi hỏi phải có điện thoại để giữ liên lạc và cập nhật tiến độ mà bạn bắt buộc phải kè kè điện thoại bên mình thì đó không phải bệnh. Các trường hợp được coi là bất thường khi trở nên quá lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ tới mức nghiện”.

Nomophobia - benh thoi dai tu dien thoai
Trẻ em nghiện điện thoại, iPad có thể bị chậm nói do rối loạn ngôn ngữ

Ngày nào bác sĩ Thắng cũng tiếp nhận nhiều trường hợp nhờ tư vấn vì nghiện điện thoại, máy tính bảng. Những bệnh nhân này dùng điện thoại để chơi game, xem phim sex, đọc truyện 18+, lướt Facebook… chứ không phải phục vụ công việc và học tập.

Bác sĩ Thắng kể, trẻ em thì nghiện game, còn người lớn có khi phải đi khám tâm thần vì nghiện xem phim sex. Một nam thanh niên chừng 27 tuổi đã tâm sự với bác sĩ rằng, hễ ở một mình mà trong tay có bất cứ thiết bị nào kết nối mạng internet được là anh lại lần mò vào các trang web đen để xem clip mát mẻ. Điều này khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng tới hiệu suất công việc, không thiết gì đến thế giới xung quanh, luôn thích ở một mình.

Theo bác sĩ Thắng, đối với những trường hợp không phải vì lý do bắt buộc mà sử dụng điện thoại, iPad, máy tính quá ba tiếng/ngày thì gọi là nghiện. Những bệnh nhân nghiện thiết bị công nghệ phải có cách trị liệu tâm lý từ từ, càng cấm đoán càng phản tác dụng. Nếu con cái, người thân có các biểu hiện nghiện như trên, hãy hướng họ vào những hoạt động khác.

Chẳng hạn, với một đứa trẻ nghiện game, thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy chơi cùng con, đăng ký cho con học thêm các môn ngoại khóa. Khi trẻ tiếp xúc với nhiều người sẽ cởi mở hơn; các môn học sẽ chiếm nhiều thời gian, khiến các bé dần quên đi iPad và điện thoại. Cách làm này cũng tương tự với người lớn, hãy làm cho mình bận rộn bằng những hoạt động khác để tạm quên… chiếc điện thoại.

Nomophobia - benh thoi dai tu dien thoai
 

Ảnh hưởng của các thiết bị công nghệ không chỉ tác động tới người lớn mà còn là nỗi đe dọa lớn đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ. Bác sĩ Đinh Thạc - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết, trẻ chậm nói có yếu tố nghiện iPad và điện thoại chiếm tới 40% số bệnh nhi đến khám tâm lý. Cụ thể, số liệu trong ba tháng (từ tháng 4-6/2018) Khoa Tâm lý của bệnh viện phát hiện 104 bệnh nhi bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận, 94 bệnh nhi bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, 2 bé rối loạn phát âm, 2 bé rối loạn phát triển đặc hiệu về lời nói và ngôn ngữ.

“Các phụ huynh cần quan tâm và dành thời gian cho con nhiều hơn. Rất nhiều người vì muốn đỡ phiền phức cho mình mà dễ dãi đưa điện thoại hay iPad cho con. Cuộc sống càng hiện đại chúng ta lại càng lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ và dành thời gian cho người thân yêu ít hơn. Những đứa trẻ bị chậm nói do thiếu sự quan tâm của cha mẹ sau này lớn lên sẽ khó hòa nhập, hạn chế giao tiếp, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và tương lai của trẻ”, bác sĩ Thạc nhận định.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI