Nơm nớp lo nhà sập

25/09/2015 - 09:04

PNO - "Nửa đêm, nghe tiếng gạch rơi choảng một cái, tôi vùng tỉnh dậy, chạy ra khỏi nhà bởi ngỡ nhà sập", bà Nguyễn Thị Quế (số 47 Hàng Bạc, HN).

Ở tuổi thất thập, bà Nguyễn Thị Quế không nhớ rõ căn nhà cổ số 47 Hàng Bạc, nơi cư ngụ của bốn hộ gia đình đã được xây dựng từ khi nào.

Bà chỉ biết rằng, vài năm trước, có một người Pháp tặng cho bà tấm hình của chính ngôi nhà này, được chụp từ năm 1888. “Ít nhất, theo mốc này thì tới nay, căn nhà đã 127 tuổi, hơn gần 20 tuổi so với căn nhà mới sập ở Trần Hưng Đạo”, bà Quế nhẩm tính.

Tôi bước qua cánh cửa chính cũ nát, gặp lối đi tối om. Phía bên trên, trần nhà đã thủng lỗ chỗ và đen kịt do từng chập cháy cách đây gần chục năm. Để tránh mưa dột, gia đình bà dựng chiếc ô lớn, tận dụng khoảng không chật hẹp này làm bếp nấu.

Cả hai phòng ở của ba thế hệ trong gia đình bà có tổng diện tích chỉ chừng 16m2 và xuống cấp trầm trọng. Tường nhà bong tróc từng mảng. Sau mấy trận mưa lớn, nước ngấm qua tường nhà ướt sũng nên mùi ẩm mốc, ngai ngái bốc lên khắp nơi.

Bà Quế kể lại: “Năm kia, tường ngói bị đổ, sượt qua mũ bảo hiểm và cánh tay con trai tôi. May mắn không sao nhưng các hộ gia đình đều lo sợ. Một hộ trên tầng gác có điều kiện nên đã chuyển đi”.

Mấy ngày nay, sau sự cố sập nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cư dân tại số 47 Hàng Bạc lại đứng ngồi không yên. Ngày 23/9, nhận được thông báo của phường về việc di chuyển đi nơi khác, đảm bảo an toàn trước nguy cơ nhà sập.

“Thông báo vậy nhưng chúng tôi biết chuyển đi đâu, cả gia đình năm người, biết bao đồ đạc. Mùa mưa bão năm nào phường cũng gửi giấy báo đi di tản, nhưng không bố trí nơi ở nên chúng tôi không biết xoay xở ra sao, đành thấp thỏm ngồi lo nhà sập”, bà Quế nói.

Đề cập đến việc tu bổ căn nhà, nhiều cư dân ở đây cho hay, vì nhà nằm trong diện bảo tồn, lại là nơi sống chung của nhiều hộ gia đình nên cứ chắp vá!

Nom nop lo nha sap
Nhà 47 Hàng Bạc Hà Nội đã 127 tuổi

Tại biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ, tường vôi ở lối vào đã bung lở, hệ thống đường điện, đường nước chằng chịt như mạng nhện. Căn phòng rộng vẻn vẹn 9m2 là nơi sinh sống của gia đình chị N.M.T. gồm vợ chồng chị và hai con.

Nhà chật chội lại càng trở nên nhếch nhác khi gia đình chị phải dùng bạt, ni lông dán chằng chịt ở hai mảng tường để tránh nước mưa ngấm vào nhà. Suốt hơn 20 năm sống ở đây, gia đình chị đều phải đi tắm nhờ và sử dụng nhà vệ sinh công cộng cách đó vài trăm mét.

Chị T. cho hay, chưa bao giờ thấy có người đến bảo trì hay tôn tạo căn nhà, hầu hết người dân đều phải tự khắc phục.

Ông Hoàng Tú - Trưởng ban 61, Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho rằng, với nhà cổ thuộc sở hữu cá nhân, người dân phải tự chịu trách nhiệm và báo cáo TP khi thấy công trình mình đang sinh sống có nguy cơ sập đổ, gây nguy hiểm.

Trả lời câu hỏi, tại sao Hà Nội đã có hẳn một nghị quyết để cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cổ trước năm 1954, nhưng hiện nay các ngôi nhà xuống cấp vẫn bị “ngó lơ”, ông Tú nói:

“Với trường hợp những nhà ở chung, kinh phí để làm công tác này cần phải huy động từ nhiều nguồn. Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng nguồn lực chính vẫn là các hộ dân. Tuy nhiên, bản thân nhiều hộ dân không kham nổi chi phí”.

Và, trong khi ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội khẳng định, phía Pháp đã có cảnh báo về việc nhà cổ hết niên hạn sử dụng và đứng trước nhiều nguy cơ đổ, sập thì đại diện Sở Xây dựng lại cho biết, đơn vị chưa hề nhận được thông tin này (?!).

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI