Nói xấu thầy cô có đáng bị đuổi học?

02/11/2018 - 07:03

PNO - Giáo dục con người, đặc biệt giáo dục hành vi, nhân cách, không có thành công nào ngoài sự làm gương, được thực hiện bởi lòng bao dung. Trong sự việc này, cô giáo cũng như nhà trường đã hoàn toàn thất bại trong công việc của mình.

Hôm qua, ngày 1/11, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Trãi phải thu hồi quyết định đuổi học đối với bảy học sinh nói xấu giáo viên trên Facebook. Yêu cầu này đã phủ quyết toàn bộ quyết định trước đó của Trường THPT Nguyễn Trãi với lý do: trường đã kỷ luật quá nặng tay, nóng vội, không mang tính giáo dục.

Chuyện đã được giải quyết, các em đã được gọi đi học trở lại nhưng vấn đề ứng xử của giáo viên, của nhà trường trong tình huống nói trên rất cần được mổ xẻ, khi “không gian mạng” đang là một phần không thể thiếu của học sinh ngày nay.

Không tôn trọng quyền riêng tư của trò 

Lý do áp dụng hình thức kỷ luật này được ông Bùi Nguyên Tiến - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: những học sinh (HS) này đã “dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên (GV), gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường”. 

Noi xau thay co co dang bi duoi hoc?
Quyết định kỷ luật của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) 1 năm đuổi học 3 học sinh

Nhưng tại sao HS lại dùng những lời lẽ không hay cho GV chủ nhiệm của mình thì nhà trường không nhắc đến. Chưa kể, hành vi tự ý xem tin nhắn riêng tư của học trò có đúng đắn và gương mẫu không? 

Ngay cả khi nhà trường có quy định về việc GV được tịch thu điện thoại của HS, thì cũng không có quyền cấm HS nghĩ xấu về nhà trường, về GV của mình. Không tôn trọng quyền riêng tư của người khác, thầy cô đã sai khi vi phạm nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong giáo dục.

Đuổi học vì nói xấu giáo viên là quá nặng

Không ủng hộ việc làm của những HS trên, tuy nhiên, câu hỏi không thể không đặt ra là liệu hình thức kỷ luật của nhà trường như thế đã thật sự đúng đắn và mang tính giáo dục?

Theo ý kiến của thạc sĩ Đinh Quỳnh Châu - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, chưa kể việc GV đúng hay sai, với hành động nói xấu cô như một nơi để xả những ấm ức vì bất đồng với GV trên một nhóm kín, không phải ai cũng xem được ngoài bảy HS, thì việc nhà trường kết luận “gây ảnh hưởng xấu đến công tác giáo dục của nhà trường” là không phù hợp. Do đó, việc đưa ra hình thức kỷ luật đuổi học các em là quá nặng. 

Noi xau thay co co dang bi duoi hoc?
Việc kỷ luật đuổi học các học sinh được xem là quá nặng và phản giáo dục

Không biết khi đưa ra những quyết định ấy, nhà trường có nghĩ đến việc, những đứa trẻ kia, khi rời khỏi nhà trường sẽ đi đâu, làm gì? Liệu hình thức xử lý ấy đủ tính răn đe, giúp chúng trở nên tốt hơn hay góp phần đẩy chúng vào con đường trở thành những đứa trẻ hư hỏng? 

Có lẽ các thầy cô chưa một lần ngồi lại để đối thoại với những HS kia xem tại sao HS lại nói xấu mình như vậy, để tháo gỡ những vướng mắc, dỡ bỏ hàng rào ngăn cách giữa cô với trò, thay cho việc định tội.

Giáo dục con người, đặc biệt là giáo dục hành vi, nhân cách, không có thành công nào ngoài sự làm gương và được thực hiện bởi lòng bao dung. Cho mình một cơ hội để nhìn thấy được tâm tư của trò, nghĩa là thầy cô cũng có cơ hội để ngồi xuống, lấy sự lắng nghe và bao dung mà giáo dục HS. Trong sự việc này, cô giáo cũng như nhà trường đã hoàn toàn thất bại trong công việc của mình.

Một khía cạnh khác, đuổi học HS có nghĩa là nhà trường đang thừa nhận sự bất lực trong việc thực hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Có phải đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự thất bại trong giáo dục của chính những người làm giáo dục? Khi đưa ra quyết định đuổi học HS, đại diện nhà trường, hiệu trưởng cho rằng họ rất “đau lòng” và đổ lỗi đây là lứa HS đầu cấp, trách nhiệm về “cái hư” của học trò thuộc về ngôi trường cấp dưới. 

Đau lòng khi đuổi học HS, những người làm giáo dục đã một lần nào nhìn lại để thấy đau lòng trước sự thất bại của chính mình? 

Nhà trường xử lý nóng vội 

Đuổi học là một hình thức kỷ luật rất nặng. Mặt hại của việc dùng kỷ luật thép là có thể tạo ra sự bất bình. Không GV nào muốn HS nói xấu mình, nhưng khách quan thì đó là chuyện bình thường. Tôi cho rằng, GV và nhà trường hơi nóng vội trong khi trường hợp này đòi hỏi phải thật bình tĩnh.

Nguyên tắc mà thầy cô luôn phải ghi nhớ để giải quyết vấn đề là phải tôn trọng nhân cách người học và dùng thái độ rộng lượng, vị tha để làm gương. Việc thầy cô tha thứ cho HS không có nghĩa là chấp nhận những cái sai đó mà là chứng minh cho đứa trẻ thấy chúng đã sai. Bằng cách đó, HS sẽ được thuyết phục.

Thạc sĩ Đinh Quỳnh Châu - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM

Thu Lê (ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI