“Nói xấu” mẹ già

21/08/2021 - 11:05

PNO - Với nhiều ông bố bà mẹ truyền thống, thì tiện nghi lớn nhất, sự thoải mái lớn nhất của họ chính là sự đủ đầy, no ấm của con cái.

Nhận ra mùa thu sắp đến ở quê nhà, Ánh tìm mua cho mẹ ba bộ đồ ấm và mấy lạng yến sào gửi mẹ dùng để tăng sức đề kháng. Nhưng đến khi nhận được quà, mẹ lại gọi vào… mắng té tát. Ánh vừa buồn vừa ức quá, liền tìm vào nhóm chat chung của lũ bạn gái thân để xả giận.

Cô bắt đầu cuộc đàm đạo bằng một câu hỏi có tính triết học: “Muốn tặng quà cho ba mẹ hưởng thụ tí thì có gì sai? Mấy bà mẹ có ẩn ức gì với quà cáp của con gái? Sao lần nào tui mua quà cũng bị mắng?”.

Ánh khơi mào nên được kể trước, cô vẫn còn ấm ức từ dạo mua quà cho mẹ hồi 8/3.

Biết mẹ thích vải nhung, cô dành nhiều buổi shopping online lẫn offline để ngó nghiêng loại trang phục này. Thế nhưng vừa hớn hở mang về tặng, mẹ đã chậc lưỡi: “Mua làm gì mấy này, tốn kém!”. Bà luôn phàn nàn rồi đoán một cái giá thật cao để có cớ chỉ trích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quá rành tính mẹ, Ánh luôn nói giảm xuống còn 1/3 giá tiền thật của món quà. Nhưng mẹ còn rành hơn, hễ Ánh nói “cái máy quạt mua 500.000 đồng”, thì mẹ quyết luôn: “Nó nói vậy là 5 triệu đó!”.

Lần này, phản hồi về món quà sinh nhật vừa vượt ngàn cây số về, mẹ mắng Ánh: “Đồ mùa đông chất đầy tủ, mỗi năm có một mùa lạnh mà cứ mua làm gì? Còn yến sào thì có gì hay mà ăn? Lạt nhách, phí phạm!”.

Ánh vẫn lì lợm tin rằng mẹ chỉ xót con mà ráng làm to chuyện để Ánh đỡ tốn kém. Nhưng mỗi lần bị mẹ mắng, với cấp độ ngày càng nặng lời, Ánh ấm ức và… không hiểu nổi.

Sự không hiểu nổi của Ánh lập tức được Minh giải đáp. Minh cũng có một “chuyện tình cho - tặng” như thế với mẹ, nhưng ở chiều ngược lại. Mẹ của Minh cũng không ưa con cái tốn kém vì mình, nhưng bà lại rất siêng sắm sửa và gửi quà cho con.

Mẹ ở Nghệ An, con ở Đà Nẵng, nhưng chỉ cần Minh “lỡ lời” khen một món nào đó ngon thì chỉ trong vòng một tuần sau bà mẹ đã đáp ứng. 

Mỗi lần vào thăm con, bà lại khuân theo mấy thùng xốp chứa từ đồ khô đến đồ tươi. Cả trái ớt, củ hành cũng được bà bọc cẩn thận. Chuyện nghe thì… thơ mộng, nhưng chỉ Minh mới biết cảnh sấp mặt với việc sửa soạn, phân loại, bảo quản chừng ấy thức ăn.

Đặc biệt là chính Minh cũng thấy xót tiền của mẹ, rồi xót cả cái công mẹ gom góp, sơ chế, đóng thùng rồi mang theo chuyến xe đường dài. Con gái từ rón rén dặn dò, từ chối, cho đến giãy nảy giận dỗi - mẹ vẫn cứ thế xuất hiện cùng những thùng hàng khổng lồ. 

Có lần, đến bến xe khách đã thấy mẹ đứng mệt nhoài giữa một mớ thùng xốp, Minh thốt lên: “Mẹ vào chơi là để thảnh thơi hưởng thụ, chứ biết mẹ khổ sở thế này thì con không mời mẹ vào đâu!”.

Thế là mẹ giận: “Tiền mẹ, công sức mẹ, mẹ có quyền. Bây chê quà quê thì thôi, đừng bày đặt ý kiến chuyện thảnh thơi của mẹ!”.

Minh hoảng quá, đành “sửa sai”, cô tích cực khen trái mít mẹ đem vô ngon quá, ở đây chẳng thể kiếm ra một trái mít thơm mà ngọt thanh như thế. Chẳng ngờ, chỉ vài ngày sau đã có chuyến xe khách mang vào Đà Nẵng… năm trái mít.

Mẹ Ly hiền khô nên chỉ lẳng lặng… chống đối. Ví dụ Ly mua quần áo thì bà cất kỹ. Hỏi tới thì bà lại bảo: “Đồ đó để dành, ngày thường mặc đồ thường”. Và ngày nào cũng “thường” nên Ly chẳng bao giờ thấy mẹ trong bộ đồ mình sắm.

Mới hồi tết năm nay, việc kinh doanh tất bật, lại thêm bao phen tặng quà thất bại khiến Ly quyết đổi chiến thuật. Cô biếu mẹ một ít tiền, dặn mẹ đi chợ tết thích quần áo, giày dép gì thì sắm. Mẹ miễn cưỡng cầm tiền, nhưng mãi gần tết vẫn không thấy bà có đồ đạc gì mới.

Ngày 30 tết, chừng như đã đến deadline, bà hớn hở chạy ra đón đứa con gái vừa tạt xe vô sân, khoe: “Má lấy tiền của mày đi mua bảo hiểm nhé!”. Ly ngớ người: “Má có bảo hiểm rồi còn gì?”.

Bà tất tả chạy vô lấy cho Ly xem tấm thẻ bảo hiểm mới toanh, rồi giải thích: “Có cái này, nếu má chết thì tụi bây được thêm ít tiền bảo hiểm chi trả”. Ly chưa kịp kêu trời thì mẹ đã thao thao bất tuyệt rằng quà cáp của con cái là phải xài đúng nơi đúng chỗ, không có đi mua ba cái hiện vật linh tinh!

Ly kể xong chuyện món quà tết, cả nhóm bạn hỉ hả cười vì nhận ra sự “quá quắt” của mẹ mình cũng không có gì cá biệt. Con cái lúc nào cũng muốn ba mẹ được hưởng thụ, được tiện ích gì đó từ món quà của mình.

Nhưng với nhiều ông bố bà mẹ truyền thống, thì tiện nghi lớn nhất, sự thoải mái lớn nhất của họ chính là sự đủ đầy, no ấm của con cái. 

Phước Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI