PNO - Con mới cưới vợ được hai tuần đã phải trở lại nhà máy làm việc. Trước khi lên đường, con cứ dặn mẹ mãi: “Mẹ chăm sóc Linh giúp con, đừng làm vợ con buồn nhé mẹ”.
Nghe con nói, bố mắng yêu: “Anh khéo lo, anh làm như mẹ anh muốn bắt nạt con dâu lắm”. Con cười trừ quay đi, âu yếm nhìn vợ thủ thỉ: “Mình yên tâm, anh gửi gắm cho bố mẹ cả rồi”. Nhìn con biết quan tâm chăm chút vợ, mẹ thấy nhẹ nhõm trong lòng. Cảm giác trái ngược hẳn ngày con rụt rè bày tỏ ý muốn lập gia đình, mẹ rất lo lắng.
Năm nay, con vừa tròn hai lăm, ở cái tuổi đang thích bay nhảy thì đùng một cái lại muốn lấy vợ. Mẹ lo con chưa đủ chín chắn để trở thành trụ cột cho gia đình. Thế rồi, trước khi cưới, con tự tay sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng, lại còn tặng bố chiếc laptop mới, đóng tiền học cho em. Con giải thích rằng, giờ đang độc thân “báo hiếu” bố mẹ, lấy vợ rồi sẽ có nhiều ràng buộc. Mẹ bật cười, con trai mẹ biết lo xa ghê, còn lo sau này vợ “quản” mà không chu toàn được với gia đình.
Vợ con làm giáo viên, bạn cùng học thời phổ thông, hai đứa có thời gian dài yêu nhau nên gia đình hai bên đều đồng ý cho tổ chức cưới. Mẹ còn nhớ, ngay hôm đưa dâu về, con cứ nằng nặc không cho vợ rửa bát. Lý do cũng chính đáng thôi, “vợ con đang mệt”. Mẹ chẳng bắt bẻ gì nhưng có nhắc khéo con dâu “họ hàng chưa về hết nên ra chào hỏi, đừng về phòng vội”. Vậy mà, suốt ngày hôm sau, con giận dỗi mẹ “chưa gì đã xét nét vợ con”. Mẹ thương vợ chồng con mới cưới lại phải sắp xa nhau nên im lặng làm hòa, dẫu trong lòng có chút khó chịu.
Những ngày tiếp theo, con trao đổi với mẹ một vài điều kiện: “Con đi rồi, mẹ cho vợ con về nhà ngoại, ở đây không có con cô ấy sẽ buồn”. Mẹ nghiêm mặt nói: “Không được, mới cưới thì ở đây một thời gian đã, chưa gì đã về nhà ngoại, mọi người nghĩ sao về gia đình mình”. Con đành xuống nước: “Vậy thì, lúc nào vợ con muốn về, mẹ cho phép nhé”. Nói vậy thôi, chứ lúc con vừa đi, nhìn con dâu lủi thủi, mẹ thấy thương nên cho về ngay. Mẹ đã từng làm dâu, mẹ hiểu cảm giác trống trải, xa lạ những ngày đầu ở nhà chồng.
Thỉnh thoảng cuối tuần, con dâu lên nhà ở lại chơi hai ngày rồi về, những lúc như thế, mẹ cố gắng tạo không khí thoải mái cho vợ con. Vậy mà, con vẫn không mấy yên tâm, thỉnh thoảng lại điện về nhắc nhở, mẹ đừng gọi Linh dậy sớm quá; mẹ đừng nấu canh mướp đắng nữa, vợ con không ăn được; mẹ đừng bắt vợ con đi đám giỗ nhiều, cô ấy không quen. Mẹ đã rất kiềm chế để không nổi nóng với con bởi mẹ nghĩ mẹ không làm gì quá đáng. Mẹ đành nói chuyện với con dâu, nếu có điều gì không vừa ý thì cứ nói thẳng với mẹ, đừng làm phiền con vì con còn lo làm việc nữa. Vợ con hồn nhiên trả lời: “Con có nói gì với anh ấy đâu hả mẹ”.
Mẹ thoáng buồn vì nghĩ con dâu không thật lòng. Ý nghĩ đó càng được khẳng định khi ngày hôm sau, con đã gay gắt với mẹ trong điện thoại: “Sao mẹ vô lý thế, vợ chồng phải tâm sự chứ, mẹ không cho Linh nói chuyện với chồng, có phải là quá đáng không”. Mẹ giận đến uất nghẹn nên nặng lời: “Anh không còn xem mẹ ra gì nữa phải không” rồi cúp máy.
Càng nghĩ, mẹ càng buồn lòng, từ ngày con cưới vợ, những lời hỏi thăm mẹ thưa dần, thay vào đó chỉ toàn trách cứ, dặn dò chuyện chăm chút cho vợ. Mẹ đã gần sáu mươi tuổi, sức khỏe không còn như xưa. Thương con xa nhà nên không dám thở than khi trái gió trở trời. Biết làm sao khi mẹ vừa bị cảm là vợ con đã quầy quả về nhà ngoại; trong khi vợ con ốm, mẹ chưa kịp nấu cháo, con đã nặng nhẹ trách móc “sao vợ con ốm mà mẹ không chăm”. Nói ra những điều này không phải mẹ so đo tính toán với con dâu nhưng thực sự mẹ rất chạnh lòng. Con yêu thương vợ là điều tốt, nhưng có khi nào con nghĩ đến cảm xúc của mẹ?
Nhưng trách con một mẹ âm thầm trách con dâu không biết cách cư xử mười. Có lẽ, mẹ sẽ giữ mối nghi ngại ấy rất lâu. Nhưng đến một lần, vô tình nghe con dâu nói chuyện với bạn, mẹ mới vỡ lẽ. Thì ra, chẳng phải con dâu “kể tội” mẹ chồng mà vì con trai mẹ thích suy luận nên mới thế. Vợ con vô tư kể chuyện hàng ngày nhưng con thương vợ nên cứ dặn dò mẹ đủ điều. Bấy lâu nay vợ con không biết, đến lúc mẹ mở lời căn dặn mới hiểu ra vấn đề nên đã giận dỗi con. Đó cũng là lý do con “gây sự” với mẹ qua điện thoại.
Giá như con trai mẹ khéo léo, tinh tế hơn một chút thì mọi chuyện đâu đến nỗi nào. Con vẫn suy nghĩ đơn giản, với mẹ, cần gì phải giữ ý tứ nhưng con ơi, bây giờ con đã có gia đình nên mọi lời nói, hành động của con đều liên quan đến vợ. Cũng may, mẹ nhận ra điều này sớm, nếu không mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu sẽ xấu đi. Bởi vì mẹ cũng là phụ nữ, cũng có chút “ích kỷ” rất đàn bà. Để trở thành người chồng tốt, không đơn giản chỉ biết yêu thương vợ mà còn phải làm cho mọi người đều yêu quý vợ mình nữa con nhé!