Nội tướng là một đẳng cấp, một bản lĩnh

09/03/2017 - 06:30

PNO - Đâu rồi cái thời nấu ăn cho chồng con là hạnh phúc? Tất nhiên, nếu vào bếp mà có chồng phụ giúp, chia sẻ thì thật tuyệt vời.

Thật đáng buồn bởi rất nhiều những tuyên ngôn hùng hồn về việc giải phóng phụ nữ hôm nay luôn có hàm nghĩa cơ bản là giải phóng phụ nữ khỏi căn bếp, khỏi vai trò nội trợ. Nhiều chị em đã bươn bả chen ra xã hội vì ngộ nhận nội trợ là thân phận thấp kém. Những căn bếp vắng dần bóng bà chủ, thay vào đó là những người giúp việc.

Noi tuong la mot dang cap, mot ban linh
 

Phụ nữ được khuyến khích dành nhiều thời gian cho bản thân, công việc xã hội, những hoạt động kết nối, sự bình đẳng với nam giới... Không nhiều ý tưởng khuyến khích phụ nữ quay về với vai trò nội trợ - cái vai trò được gọi là “nội tướng”.

Thật lòng ngẫm lại, hẳn chị em nào cũng có chút chạnh lòng khi đang tả xung hữu đột trong căn bếp của mình lại là một người đàn bà khác. Thế mạnh của phụ nữ là gì? Rõ ràng, khi người đàn bà từ bỏ thế mạnh bếp núc của mình cũng đồng nghĩa với việc sức ảnh hưởng của họ lên cả gia đình bị sút giảm.

Khi cái ảnh hưởng vốn rất lớn lao, rất ấm áp đó suy yếu, những mầm bệnh khác sẽ có điều kiện xâm nhập gia đình. Được cái này mất cái kia vốn là lẽ đời. Làm mẹ hay thăng tiến, dành thời gian cho con hay cho sự nghiệp - những câu hỏi đã rất cũ kỹ, đã có vô số câu trả lời, nhưng vẫn cứ luôn trở đi, trở lại. 

Hạnh Dung từng nhận được những lá thư viết từ xứ người, từ những nơi xã hội đã đạt nhiều thắng lợi quan trọng trong bình đẳng giới. Thật bất ngờ khi ở những nơi đó, chị em lại chọn việc ở nhà chăm con, cùng con trải qua thời thơ ấu, chăm lo bữa cơm và niềm vui gia đình… là một chọn lựa hạnh phúc. Xã hội phải đảm bảo những điều kiện để người mẹ yên tâm ở nhà nội trợ và quay lại với công việc khi họ cần, khi trẻ đủ lớn.

Nội trợ là chuyện nhẹ nhàng, người phụ nữ không cần lên gân, xuống tấn; không cần chuẩn bị tâm thế so bì hơn thua với những phụ nữ khác đang đi làm. Người mẹ được quyền dành những năm tháng cho con, vì con thật sự cần đến mẹ. Hạnh phúc của người phụ nữ với chồng con mới là bình đẳng thực sự, chứ hạnh phúc không phải là mạnh mẽ bon chen, đăng đàn phát biểu, thể hiện quyền lực lãnh đạo, được người khác răm rắp nghe theo…

Hạnh Dung cũng nhận được không ít thư của chị em mình, đang quay quắt, héo tàn trong cái áp lực phải vừa ôm việc nhà, vừa hoàn thành việc cơ quan, vừa làm xe ôm đưa đón, vừa bấn lên vì quên chưa tưới cây trên ban công, chưa phơi đồ trong máy giặt, chưa hầm sẵn nồi cháo cho con, chiều về không kịp nấu… Quá tải với bao lo toan từ trong nhà ra ngoài phố, các chị em làm sao còn phút giây nào để cảm nhận hạnh phúc, để thưởng thức cuộc sống đang trôi qua của mình. Cũng có thiểu số chị em chấp nhận chọn việc ở nhà, nhưng lại là vì không thể có cách giải quyết khác. Do vậy, họ chẳng thể nào tìm thấy sự yên tâm, cứ nơm nớp lo tụt hậu, lo vài năm nữa không xin được việc, lo mình thua chị kém em.

Nỗi lo ấy lấn át mất niềm hạnh phúc khi được chăm lo cho ngôi nhà của mình, chồng con của mình, tận hưởng cùng con những năm tháng tuổi thơ một đi không trở lại. Cái quyền lực và niềm vui làm “nội tướng” có lẽ các chị em phải được học lại từ đầu, phải được xem như một yếu tố bình đẳng quan trọng, mới có thể tác động được đến chị em, cân bằng lại vai trò của vợ và chồng, gia đình và xã hội.

Noi tuong la mot dang cap, mot ban linh
 

“Nội tướng” không đơn thuần là một vị trí, mà còn là một đẳng cấp, một bản lĩnh. Người phụ nữ phải ý thức được vai trò và sự bình đẳng ngay trong chính ngôi nhà của mình, không cảm thấy mình phải hy sinh, không đứng núi này trông núi nọ… Đạt được tâm thế đó không hề là chuyện đơn giản. Xưa nay, chuyện học hỏi, tập tành để quán xuyến gia đình vốn là việc người mẹ phải dạy con từng ngày, từng giờ xuyên suốt thời gian con gái dần khôn lớn.

Ngày nay, giáo dục có thể đảm nhiệm được phần nào trách nhiệm đó, nhiều điều cũng đã thay đổi, nhưng vai trò quản lý, tạo nên nền nếp cho gia đình từ cái ăn cái mặc đến cách hành xử trong xã hội… vẫn hằn dấu ấn của người mẹ, người vợ. Cứ thử chểnh mảng việc nhà, giao khoán hết cho người giúp việc, bạn sẽ thấy ngay, cái nền nếp ấy sẽ nhanh chóng được định hình bởi… người giúp việc!

Cứ nghe mãi những tuyên bố kiểu “hãy lắng nghe cảm xúc của bản thân”, “hãy dành thời gian, hãy sống cho mình”… người ta sẽ nhập tâm mà đánh giá nội trợ chỉ là một nghĩa vụ khổ ải của phụ nữ. Đâu rồi cái thời nấu ăn cho chồng con là hạnh phúc? Tất nhiên, nếu vào bếp mà có chồng phụ giúp, chia sẻ thì thật tuyệt vời, nhưng nếu mình không khởi xướng, không vui thích trong vai chính thì lấy đâu người nhận vai phụ? Bàn tay nội trợ đúng nghĩa là bàn tay thầm lặng sắp đặt nền nếp, văn hóa của gia đình. Bươn mình mãi giữa chợ đời, đến lúc nào đó giật mình nhìn lại, bạn sẽ hối tiếc vì mình là kiểu đàn bà không hẳn đàn bà; làm sao đòi hỏi được người đàn ông của mình phải đáng mặt đàn ông?

Hạnh Dung

hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17 giờ các ngày thứ hai, ba, tư, năm, sáu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI