Nơi trú ngụ yêu

27/06/2016 - 16:05

PNO - Dưới những mái nhà hạnh phúc, những bữa cơm vui vầy kia không phải là một cuộc hôn nhân không sóng gió.

Không khí ấm cúng của Ngày hội gia đình, cả trong Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình - Ấm áp yêu thương” lẫn hội nghị “Tuyên dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu” (do Hội LHPN TP.HCM kết hợp cùng báo Phụ Nữ và Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức) đã khơi lên ở 250 gia đình tham dự không chỉ là những câu chuyện vui vẻ, êm đềm. Dưới những mái nhà hạnh phúc, những bữa cơm vui vầy kia không phải là một cuộc hôn nhân không sóng gió. Nếu có gì “tiêu biểu” trong những gia đình được vinh danh ấy, thì đó là “những sóng gió đã qua” và những “chiến binh” đã đi qua sóng gió.

Bữa cơm chung từng là khao khát một thời

Những hồi ức như một đoạn phim trắng đen chậm rãi tua lại giữa cái nền âm thanh của những lời chúc mừng, tuyên dương. Những người vợ, người chồng sắp sửa bước vào tuổi 70, 80 ngồi đó - có người còn mặc bộ quân phục với thật nhiều huy chương, giữa 150 gia đình trong buổi Tuyên dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu - góp vào “câu chuyện hạnh phúc” những thăng trầm đã cũ. Trong những lời kể ấy, “có những điều phải gìn giữ bây giờ, từng là cả một khao khát xưa kia”.

“Hồi đó, ăn được một bữa cơm với nhau chính là một phần thưởng được “treo” lơ lửng trong những ngày đói kém, xa cách. Mỗi lúc khốn khó, cô đơn quá, lại nghĩ, thôi ráng rồi lại được về ăn cơm với chồng, với con” - nói đến đó, gương mặt rạng rỡ của bà Trần Thị Kim Lan (SN 1936, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lăn dài những hàng nước mắt. Giây phút được tuyên dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu sau 63 năm kết hôn, trong bà, những ngày êm đềm, sum họp nhạt nhòa giữa những thác lũ, đoạn trường mà vợ chồng đã cùng bước qua.

Noi tru ngu yeu
Ban giám khảo thử món ăn trong phần thi của các gia đình

Sinh con đầu lòng vào năm 1964, bà Lan phải một mình nuôi con khi người chồng là nhân viên hàng hải, quanh năm bám biển. Đến năm 1968 - khi đã tập kết ra Hải Phòng - lệnh sơ tán được phát động, bà phải bồng con đi thêm 40km ra khỏi thành phố, gửi con lại, rồi một mình trở về, hỗ trợ chiến đấu. Khi ấy, ông Lê Minh Công, chồng bà, vẫn biền biệt đâu đó trên những vùng biển miền Bắc. Còn lại một mình, ban ngày, bà giữ cho mình bận bịu với công việc, để rồi lại vỡ oà những buồn tủi, nhung nhớ bằng bao trận khóc nức nở giữa đêm.

“Biết rằng xa chồng, xa con là chuyện phải chấp nhận, nhưng cái cảm giác gia đình chia cắt cứ như một nỗi ám ảnh, không dứt ra được” - bà nói. Mỗi lần bưng bát cơm độn sắn trên tay, bà lại nghĩ đến chồng. Mỗi năm được gặp nhau một lần trong một chuyến về thăm ngắn ngủi của ông Công, vợ chồng chỉ kịp bịn rịn nói với nhau chuyện con cái, nội ngoại. Chồng vừa rời đi, bà lại day dứt vì đã không kịp hỏi chuyện cơm nước trên những chuyến ông rong ruổi công tác. Bữa cơm gia đình là một tưởng tượng xuyên suốt trong những bữa ăn cô lẻ của bà Lan, bởi, “cứ phải cố nghĩ rằng ảnh và con cũng đang được ăn no thì mình mới nuốt nổi miếng cơm để có sức làm việc”.

Ở cái thời cách bà Lan 20 năm, chiến tranh không còn, bữa cơm chung đã trở nên thân thuộc, lại mang nhiều sắc thái đời thường của mỗi một tổ ấm. “Hễ tui bỏ cơm là bả đợi con cái ăn xong, dọn dẹp hết rồi lại... rón rén vô phòng, tìm tui nói chuyện. Tại, tui chỉ có giận điều gì đó thì mới bỏ cơm. Còn mỗi lần bả dọn cả mâm cơm ra bàn rồi hờ hững nói “em ăn rồi”, là... tui hiểu!” - người đàn ông gần 70 tuổi Nguyễn Anh Kiệt (Q.1) bật cười sảng khoái. Trải qua 37 năm vợ chồng, theo ông, mọi câu chuyện gia đình đều có thể kể lại bằng những bữa cơm đầy vui buồn, cười khóc.

Đó là những năm 1980, dẫu không còn chiến tranh loạn lạc, nhưng cũng như mọi gia đình cùng thời, vợ chồng ông Kiệt phải đối mặt với những cách trở vì miếng cơm, manh áo. Khi ấy, bà Đỗ Thị Phương - vợ ông - làm trong công ty muối miền Nam với những chuyến công tác thường xuyên ở khắp Nam bộ để thu mua muối. Ông Kiệt ở nhà, một tay chăm lo gia đình. Bữa cơm trở thành một biểu tượng để đo đếm những xa gần của vợ chồng giữa gánh nặng cơm áo.

Nhưng, dù xa dù gần, về phần mình, mỗi ngày, ông Kiệt vẫn làm đủ ba bữa cơm để ăn cùng con cái. Tự nhận mình “có 37 năm kinh nghiệm ăn cơm cùng gia đình”, ông Kiệt chia sẻ: “Qua bữa cơm mà mình lắng nghe sở thích và tính cách của con, để rồi chia sẻ hoặc uốn nắn. Với mỗi món ăn, tôi đều quan sát xem con có thích không, con ứng xử với điều con không thích thế nào để còn uốn nắn. Chuyện cơm nước nếu không chú tâm thì dù chung sống mấy mươi năm cũng chẳng hiểu hết nhau được”.

Nhưng, chất giọng hào sảng, lạc quan bỗng chùng xuống khi ông nhắc về cái thùng gạo bằng thiếc của gia đình. Có lần, vừa trở ra bếp sau khi dỗ con ngủ say, kéo cái thùng gạo ra, thấy một nắm gạo cỏn con dưới đáy thùng, ông mới sực nhớ đến tình cảnh của gia đình: tiền hết, gạo cũng chẳng còn. Khi ấy, nghĩ cảnh vợ đang bươn bả khắp ngả đường mặn chát hơi muối biển miền Tây để kiếm tiền, mình thì chật vật xoay xở giữa chuyện nhà, chuyện công việc, ông cũng ngậm ngùi, chua chát. Nhưng rồi, “vì vẫn phải sống, phải nuôi con”, ông tự gạt đi những cảm xúc bi quan, lấy nắm gạo nấu một nồi... nước cháo.

Những thử thách đượng đại

Nhưng, khó khăn đâu phải chỉ là một câu chuyện kể, sóng gió đâu phải của riêng những gia đình đổ vỡ, khiếm khuyết? Khi chuyện người lớn ăn cơm độn sắn, trẻ con uống nước đậu thay sữa đã không còn; khi người ta đã dễ dàng có với nhau một bữa cơm chung, những khó khăn vốn xa lạ với “người thời trước” lại trở thành “những thử thách đương đại”.

Cùng vợ con bước lên sân khấu với vẻ ngoài chỉn chu quen thuộc, ca sĩ Đăng Khôi vừa giao lưu với khán giả, vừa phải... loay hoay “dàn xếp” với cậu con trai hiếu động, bồn chồn. Đúng như lời của MC Quỳnh Trâm, “Khôi đã bỏ qua một bên những dự án âm nhạc, những MV để đến với buổi tuyên dương, trong vai trò một người đàn ông của gia đình”. Ngồi bên cạnh Đăng Khôi, Thủy Anh thành thật “thú nhận”: “Làm vợ của một ca sĩ được nhiều người hâm mộ, nhiều cô gái xinh đẹp xung quanh cũng rất áp lực. Nhưng sự ân cần của chồng luôn khiến tôi tin tưởng, an lòng”.

Nhưng, vượt qua những thử thách “làm vợ nghệ sĩ”, Thủy Anh cũng phải đối mặt với những trục trặc hôn nhân thường tình. Mới đợt tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình bị trộm chỉ sau hai giờ vắng nhà khiến nỗi sợ hãi xâm chiếm cả gia đình khi mỗi người đều cảm giác nguy hiểm đang rình rập. Vợ chồng hay đi vắng, ông bà lớn tuổi, các con ở nhà với những người giúp việc hầu như không có khả năng thoát hiểm - càng nghĩ, Thủy Anh càng lo âu.

Giai đoạn đó, con nhỏ đau ốm, con lớn khủng hoảng tuổi lên ba, chuyện công ty dồn ứ; vợ chồng ít trò chuyện hẳn đi. Đêm đó, khi Thủy Anh đang chăm con thì Đăng Khôi bất ngờ quát nạt chỉ vì con trai lớn không chịu đi ngủ. Tiếng quát tháo bất ngờ của người chồng điềm đạm giữa lúc căng như dây đàn như khiến Thủy Anh vỡ oà những lo âu, buồn tủi.

Vừa thất vọng, vừa nhận ra rằng chính Khôi cũng đã âm thầm lo nghĩ đến căng thẳng, mất kiểm soát; cô càng thương chồng rồi tìm cách đến gần anh, trò chuyện, tháo gỡ. Thủy Anh nhắc lại lời của NSND Bạch Tuyết chia sẻ trước đó trong chương trình: “Hạnh phúc này nhắc mỗi người tự dặn mình tự lùi lại, sống yêu thương nhau hơn”; mà rằng: “Có lẽ, đó cũng là cách chung sống của vợ chồng mình: lùi lại và yêu thương”.

Dạo quanh hội trường chiều hôm ấy, người ta sẽ hiểu ý nghĩa được nhắc đến trong lời phát biểu khai mạc của bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM: “Ngày gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc”.

Vòng tay qua ôm “người bạn mới” dưới hội trường; chị Nguyễn Thị Vóc (SN 1972, Q.Tân Phú) vừa khóc vừa cười: “Hạnh phúc đâu phải là vợ chồng suôn sẻ. Vợ chồng vượt khó được mới là hạnh phúc”. Lấy chồng hơn 12 tuổi, chị luôn ngưỡng mộ, tôn trọng anh. Cũng vì ngưỡng mộ, chị kiên nhẫn thuyết phục anh học lên đại học, dẫu gia đình khi ấy “đến cơm cũng không đủ ăn”. Chị ra chợ nhận sửa đồ, rồi mang về làm luôn đêm, và nhận thêm giúp việc nhà. Chị quần quật mấy năm trời, anh mới lấy được bằng đại học.

Cuộc sống vừa được cải thiện chút ít, đứa con đầu đang sửa soạn thi đại học thì anh phát hiện mắc bệnh tiểu đường. “Đó là năm 2009, cả nhà không ai hiểu về bệnh tiểu đường, cứ nghĩ bệnh là chết” - chị kể. Chỉ trong vòng mấ y ngày, anh sụt 20kg, cả nhà càng tin vào cái “án tử” nọ. Ngày đó, trong những bữa cơm, anh hay cố tình dặn dò đủ điều.

Một lần, anh nói với con: “Mẹ không được học nhiều nên chỉ dồn hết sức để chăm lo cho ba và các con học. Sau này, dù có chuyện gì, các con cũng phải học đến cùng để bù đắp cho mẹ”. Nghe đến đó, chị buông đũa, chạy vào phòng khóc nức nở. Buổi chiều hôm ấy, người phụ nữ vốn mặc cảm vì ít học đã đánh bạo đến gặp bác sĩ, hỏi về bệnh chồng. Biết hết về căn bệnh tiểu đường, chị đã cứu lấy tinh thần của cả nhà, trấn an con kịp thời trước khi bước vào kỳ thi đại học.

Đàn ông "nội tướng" tại sao không?

Lắng lại sau “Bữa cơm gia đình - ấm áp yêu thương” là cảm giác thân tình, nồng nhiệt khi các gia đình đến với cuộc thi bằng thông điệp khẳng định, tôn vinh ý nghĩa cao đẹp cũng như tầm quan trọng của bữa cơm gia đình. Và trong không gian đầm ấm được tạo nên bởi sự quây quần giữa các thành viên trong bữa cơm chung, có một sự “đổi vai” đáng yêu khi hình tượng “nội tướng” đã không còn là vị thế “độc tôn” của chị em phụ nữ. Thay vào đó, những người đàn ông chẳng ngần ngại ghé chợ mặc cả từng mớ rau, miếng thịt rồi tất bật lo toan bếp núc; vun vén, gìn giữ linh hồn của tổ ấm.

Tổ ấm chỉ có hai thành viên, nhưng sá u năm hôn nhân, vợ chồng anh Nguyễn Trần Hùng - chị Nguyễn Thị Kim Huyền (cùng công tác tại UBND P.Bến Nghé, Q.1) chưa một ngày để cho gian bếp nhà mình bị nguội lạnh. Thậm chí, giữ vai trò bếp chính trong ngần ấy thời gian, lại chỉ mình anh Hùng. Vậy nhưng, người đàn ông ấy không cho rằng đó là một may mắn của vợ - như nhiều người lẫn vợ anh nhận định - mà là sự hiển nhiên và điềm may của mình khi được vợ trao cho quyền tự quyết trong lựa chọn thực phẩm, chế biến các món ăn.

Anh Hùng lý giải: “Tôi thích nấu ăn lắm, bởi được thưởng thức hằng hà hương vị ngay từ… “sơ khai”, kiểu như món này còn thiếu muối, món kia thiếu cay để điều chỉnh cho vừa”. Qua sự thưởng thức đó, anh Hùng liên hệ với nghệ thuật điều chỉnh những ứng xử trong đời sống vợ chồng: khi vợ giận, anh thêm vào “cuộc chiến” ấy chút nhường nhịn, vỗ về; khi cả hai có chung điều buồn phiền, anh thổi vào những vui tươi, hài hước… Sinh trưởng trong gia đình chỉ có hai anh em trai, anh Hùng được mẹ chỉ dẫn cách chế biến từng món ăn ngay từ thuở lên 10.

Ý thức rõ ràng cảm xúc vui mừng và cảm giác yêu thương, gắn kết khi người thân thưởng thức bữa cơm mình nấu đến nay vẫn chưa phai lạt, anh khẳng định: “Đừng bảo góc bếp là chỗ đứng của phụ nữ, khi mà đó cũng là nơi chúng tôi bày tỏ tình cảm, tấm lòng mình đối với người thân”.

25 năm vợ chồng, vị trí từng lọ tiêu, hũ muối, chai mắm, xoong nồi đặt ở đâu, có nhắm mắt ông Phạm Công Đức (bảo vệ Trường Mầm non 1, Q.Bình Thạnh) cũng với tay sờ đúng. Ông Đức cho hay: “Ngày xưa tôi ngại đi thi nấu ăn vì là đàn ông, riết rồi quen, nay tôi có thể nói thêm rằng chẳng những cả đời nấu ăn cho vợ con, tôi còn giặt giũ, đưa con đi học kiêm luôn chợ búa”. Ông Đức bảo mình sẵn sàng… hy sinh để các thành viên còn lại hoàn thành công việc riêng của mình. Vợ ông, bà Lê Kim Hà Thúy là giáo viên mầm non, công việc áp lực hơn nhiều, ông muốn tạo điều kiện thật tốt để vợ được thảnh thơi công tác.

Sống với cha mẹ đều hơn 80 tuổi, chăm lo bữa cơm thật trọn vẹn cho ông bà lẫn con cái, với ông Đức, là một “nghệ thuật”. Số tiền xấp xỉ 100.000đ/ ngày cho sá u thành viên đã là bài toán khó, còn phải thêm bớt để vừa miệng từng người. Lo lắng là vậy, nhưng ông nhận được niềm tự hào, yên tâm khác khi hai người con gái của ông biết bày tỏ sự quan tâm qua bát cơm chọn phần thơm dẻo hay thức ăn mềm ngọt, ngon nhất cho ông bà, cha mẹ.

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng là vậy. Qua bữa cơm, các con tôi học được phép cư xử, nhường nhịn” - ông nói. Chiếc nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách cho con em, khởi nguồn từ giáo dục, nền nếp của gia đình thông qua bữa cơm ấm cúng, cũng là vẻ đẹp mà bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM nhận định: “Bữa cơm gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tổ ấm và hạnh phúc.

Đó chính là chiếc cầu nối giữa các thành viên và là dịp để mọi người thư giãn. Tình yêu thương, tiếng cười và các câu chuyện tâm tình để mọi thành viên chia sẻ trong bữa cơm với sự tôn trọng, lắng nghe và cùng trao đổi tạo nên sự gắn kết tình cảm, trở thành những kỷ niệm thân thương của mỗi người trong suốt cuộc đời”.

Nơi bày tỏ tình yêu

Với phụ nữ, gian bếp vẫn là nơi bày tỏ nữ tính và lòng yêu thương. Nhìn thực đơn được chăm chút đến từng cái tên của chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (P.6, Q.4) mới cảm nhận những gửi gắm ý nhị của người phụ nữ này: vườn rau của ba - món rau củ, kho quẹt; tôm ngả bóng dừa - món tôm rim; cá lội sông sau - là cá sốt nước dừa; nghĩa vợ tình chồng - tức canh tôm nấu với ruột bầu… Trước khi đến với chị Hằng, do tính chất công việc, anh Hà Duy Khánh thường lâm cảnh phải cháo chợ cơm hàng.

“Bị” chinh phục bởi cô gái làm nghề trang điểm, khéo léo bày biện, nấu ăn, để rồi kể từ ngày kết duyên vợ chồng, mỗi bữa cơm vợ nấu chưa bao giờ thôi khiến anh rung động. Anh rưng rưng: “Chỉ có bữa cơm gia đình mới cho tôi cảm giác hạnh phúc, được yêu thương, chăm sóc đến như vậy”.

Thương chồng, chị Hằng càng chăm chút bữa cơm hơn. Mỗi ngày, bận bịu mấy, vợ chồng chị luôn cố gắng duy trì bữa cơm tối và chỉ dùng khi cả hai đều xong việc. Anh Khanh bộc bạch: “Các bữa ăn là thời điểm duy nhất trong ngày chúng tôi rũ bỏ công việc để sống cho nhau, mọi vui buồn đều bày tỏ và động viên cùng cố gắng”.

Guồng quay của nếp sống hiện đại khiến ai nấy đều bận rộn với việc làm, học tập lẫn chạy theo sở thích, đam mê riêng, dẫn đến một không gian đầm ấm, quây quần bên mâm cơm chung trở thành điều xa xỉ trong rất nhiều gia đình. Hệ lụy chẳng những làm rời rạc các quan hệ tình thân, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ mà còn dẫn đến con cái không được quan tâm, nhận được những giá trị tốt đẹp vốn chỉ xuất phát, tạo nên từ gia đình. Hiểu được điều này, những người chồng, người vợ luôn nỗ lực, phấn đấu để hàng ngày có ít nhất một bữa cơm cho cả nhà. Vợ chồng anh Lê Văn Ai - chị Hồng Ngọc Diệp là gia đình như thế.

Đều làm việc ở trường mầm non Tân Hưng, Q.7, anh chị chia nhau vai trò nội trợ nhằm tạo sự cân bằng, bù khuyết. Hôm nào chị đi chợ, anh nấu cơm và ngược lại; hoặc người này bận bịu, người kia nhận choàng luôn trách nhiệm. Ngày nào không có bữa cơm chung, với gia đình họ là ngày không trọn vẹn.

Anh Ai nói: “Vợ chồng có lúc này lúc kia, nhưng nhìn “người ấy” ăn ngon lành bữa cơm do mình nấu hay mình đang hờn giận mà thưởng thức một món ngon của vợ, tự nhiên muộn phiền tan biến. Còn các con tôi, hôm nào thấy bữa ăn khác đi, cũng tự nhiên hiểu rằng hôm ấy gia đình… có chuyện vui hay buồn; nhìn con ngon miệng hay không, chúng tôi sẽ biết cách điều chỉnh”.

“Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” là một phản xạ vô thức của mọi người con Việt… Là một biểu tượng thân quen của văn hó a gia đình, nhưng ngay ở xứ mình, bữa cơm gia đình cũng có một số phận. Một số phận thăng trầm theo lịch sử, kinh tế; biến thiên theo từng sự thành tâm hay xao nhãng của những người xây tổ ấm. Nhưng, bất kể thăng trầm, bữa cơm vẫn lặng lẽ đi qua sóng gió và được gìn giữ - như cái cách mà những người yêu văn hóa gia đình Việt đã bước qua trắc trở, giữ bình yên cho tổ ấm mình.

Hưởng ứng kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001- 28/6/2016), Hội LHPN TP.HCM phối hợp báo Phụ Nữ tổ chức Ngày hội Gia đình 2016 với nhiều chương trình ý nghĩa như: cuộc thi “Bữa cơm gia đình - ấm áp yêu thương” diễn ra sáng 25/6 tại Sân khấu Sen Hồng - Công viên 23/9 với 100 gia đình tham gia trổ tài.

Noi tru ngu yeu
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (bìa phải) trao giải nhất cho gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Q.9

Kết quả: gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (P.6, Q.4) giành giải đặc biệt, hai giải nhất thuộc về gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Q.9) và chị Nguyễn Thị Thủy (Bộ Tư lệnh TP.HCM) và ba giải nhì, bố n giải ba cùng 10 giải khuyến khích được trao cho các gia đình khác. Cũng chiều 25/6, tại Nhà văn hóa Phụ nữ cơ sở 2, Q.7 diễn ra hội nghị “Tuyên dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu” với 150 gia đình cùng sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Bạch Tuyết, ca sĩ Quang Lê, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng… cùng hoạt động triển lãm ảnh chủ đề “Gia đình yêu thương” với các nội dung: gia đình văn hóa, hoạt động trao vốn, tặng mái ấm tình thương cho hộ nghèo, nét đẹp văn hóa truyền thống trong mối quan hệ ứng xử của các thành viên gia đình…

Đồng hành cùng với các hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Ngày hội gia đình có các nhà tài trợ: Tổng công ty Thương mại Saigon (Satra), Tập đoàn KIDO, nhãn hàng Đại Gia Đình (dầu ăn Hảo Ý), Ajinomoto và gian hàng Satra Bakery Cafe.

Yên Nhạn

Minh Trâm - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI