Những tiếng khóc nhói lòng trong đêm lạnh
Đêm giá lạnh một ngày cuối năm 2018, sau khi đứng thấp thỏm ngoài khuôn viên cánh cửa làng SOS Vinh (TP.Vinh, Nghệ An), người mẹ trẻ vội bế cô con gái mới sinh chừng 3-4 ngày tuổi vào bỏ lại ở phòng trực của làng trẻ khi thấy người trực ở đây đi khỏi vị trí. Khi có người tới, người phụ nữ này đã mất hút, chỉ để lại bé gái đang khóc trong một chiếc khăn tắm.
Từ thời khắc đó, cháu trở thành đứa con của Làng trẻ em SOS Vinh và được các mẹ, các dì trong làng trẻ đặt tên, chăm bẵm... như chính con ruột của mình. Thảo Nguyên, nặng 3,5kg, chính thức trở thành con út trong “gia đình ghép” gồm 9 chị em.
|
Mẹ Đông vừa bế bé Thảo Nguyên vừa nấu ăn trưa cho 9 con của mình |
Ông Lê Bá Lương– Giám đốc làng trẻ SOS Vinh, cho biết ở làng có 17 trường hợp các cháu bị bỏ rơi khi mới lọt lòng tương tự Thảo Nguyên. Những trường hợp này thường được bỏ lại ở cổng làng trẻ cùng với một ít quần áo, lá thư “nhờ cậy”… “Những đứa trẻ cứ thế lớn lên rồi ra đời mà phần lớn đều không biết đến bố mẹ bởi rất hiếm trường hợp họ quay lại nhận con”, ông Lương nói.
Trong khi nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện đang phải ngược xuôi, tốn kém bao nhiêu tiền bạc để chữa trị hiếm muộn với mong muốn được lên thiên chức làm bố, làm mẹ thì cũng không ít trường hợp nhiều bà mẹ trẻ đành dứt tình máu mủ với chính những đứa con mà mình vừa đứt ruột sinh ra. Có trường hợp được đặt ở vệ đường, bệnh viện hay cổng nhà dân may mắn được người tốt bụng phát hiện đem về nuôi dưỡng, nhưng cũng không ít trường hợp bị vứt bỏ ở nghĩa trang, sông suối…
Nhiều người ở làng quê xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn còn nhớ như in tiếng khóc xe lòng của một bé gái bị bỏ rơi trong nghĩa địa giữa đêm mưa hồi cuối tháng 7/2018. Đó là một ngày trời đang mưa lũ, đứa trẻ còn nguyên dây rốn được đặt trên một chiếc áo mưa bên trong nghĩa địa. Khi được một người dân phát hiện thì bé gái này đã tím tái, hơi thở yếu.
|
Lá thư của một bà mẹ trẻ bỏ lại bên giỏ xách cùng cậu con trai của mình bên lề đường |
Sau khi được đưa về nhà ủ ấp rồi tới bệnh viện để cắt rốn, tiêm phòng, làm xét nghiệm, bé gái đã hồi sinh khỏe mạnh một cách kỳ diệu trong tiếng cười của nhiều người dân địa phương.
C.T.H.A (25 tuổi, trú TX.Cửa Lò, Nghệ An) có lẽ là một bà mẹ trẻ hy hữu nhất trong số những trường hợp này bởi chỉ sau gần 1 tuần bỏ rơi con trai 2 tháng tuổi lại trên vỉa hè, cô đã khóc lóc mang theo giấy tờ chứng minh mình là mẹ của đứa bé đi xin nhận lại con.
Ở tuổi 24, A. sinh con ngoài ý muốn khi đang đi làm xa quê. Một mình không đủ điều kiện nuôi con, cô gái trẻ này quyết định bế con về quê “thú tội” với gia đình. Song về gần tới nhà thì A. lại chợt nảy sinh ý định bỏ lại cậu con trai bên lề đường với suy nghĩ để người khác đem về nuôi.
Tung cánh vào cuộc đời
Như chú chim non lạc mẹ trước dông tố cuộc đời, giờ đây Lê Huỳnh Đức đã là sinh viên năm 3 một trường đại học ở Đà Nẵng. Hơn 20 năm trước, mẹ của nam sinh này ôm cậu bỏ lại ở hành lang làng trẻ SOS Vinh với mấy dòng chữ nguệch ngoạc trình bày hoàn cảnh bản thân có thể sẽ ra đi sớm vì đang bị bệnh thận, nhờ người nuôi giúp.
|
Năm 2018, hàng trăm người dân ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) xếp hàng nộp hồ sơ xin nhận một cháu bé bị bỏ rơi về làm con nuôi. |
Lê Huỳnh Đức, cái tên được một mẹ họ Lê trong làng trẻ SOS Vinh nhận nuôi ghép lại từ họ của mình và tên một cầu thủ bóng đá Việt nổi tiếng hồi đó. Cậu bé xanh xao vì thiếu dinh dưỡng ngày nào cứ thế lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của người mẹ mới trong ngôi nhà mới.
Theo ông Lương, phần lớn những trường hợp vứt bỏ con mình sau khi sinh chủ yếu là những cô gái trẻ đang là sinh viên đại học hoặc chưa chồng sinh con ngoài ý muốn. Cũng có những trường hợp đã có gia đình song vì bệnh tật, họ xác định không thể nuôi con được nên mới tìm đến những nơi tin cậy để “vứt con”. “Lê Huỳnh Đức là một ví dụ”, ông Lương nói.
Nom trưa, thấy Thảo Nguyên quấy khóc, mẹ Nguyễn Thị Đông (43 tuổi) vội vào bế đứa con gái út của mình vừa trông con vừa chuẩn bị cơm trưa cho cả gia đình 10 thành viên. “Con ngoan lắm, hôm nay chắc có khách vào chơi nên đòi mẹ bế ra ngoài đây mà”, mẹ Đông cười đùa nói.
|
Mẹ Đông cùng đàn con của mình |
Không chồng con, đùng một cái trở thành mẹ của đàn con gần chục đứa khi vào làm tại làng trẻ SOS Vinh khiến cuộc sống của người phụ nữ 43 tuổi hoàn toàn đảo lộn. “Cũng sợ mình không làm được lắm, nhất là khi nhận nuôi trẻ sơ sinh vì mình chưa từng có kinh nghiệm nuôi con. Nhưng rồi có những thứ đã níu kéo tôi đến với Thảo Nguyên, giờ xa con chút lại không chịu được nữa ấy chứ”, mẹ Đông nói.
Chỉ tay vào bức ảnh cưới để ở phòng khách, mẹ Đông cười nói: “Cô dâu trong hình cũng bị bố mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ. Năm ngoái, sau khi tốt nghiệp đại học, cháu đã theo chồng về làm dâu ở ngoài Bắc rồi. Thảo Nguyên của mẹ cũng sẽ lớn nhanh, xinh đẹp chẳng thua kém chị đâu. Rồi mẹ sẽ lại có con rể sớm thôi”, mẹ Đông thủ thỉ nói với cô con gái đang ngủ say trong vòng tay của mình.
Phan Ngọc