PNO - Dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng mỗi khi được hỏi, tôi thường đáp tôi là người miền Trung. Cho đến khi rời xa mảnh đất này, tôi mới thấy yêu thương thành phố quá đỗi.
Ảnh: Kha Thành Trí |
Sự yêu thương thấm đầy từ thưở nhỏ mà tôi đã không nhận ra. Mỗi dịp hè, tôi được gửi ra miền biển để nghỉ hè và thăm bà con họ hàng. Những ngày đầu tiên xa nhà, tôi hay khóc nhè nhớ nhà, nhớ ba má, rồi thì những giấc mơ trong giấc ngủ ban trưa thường xuất hiện hàng cây xanh rợp bóng mát của đường phố Sài Gòn.
Tỉnh giấc, tôi nằm mơ màng nhớ những con đường Võ Văn Tần, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du với những hàng me xanh ngát đầy mộng mơ. Lúc còn nhỏ, tôi chỉ được ngồi sau xe của ba tôi mỗi khi ông chở tôi lên nhà sách Fahasa, hay sau này lớn thêm chút nữa là đi theo chị của tôi, lúc chị đang trong tuổi mộng mơ và hay thích đạp xe trên những con đường này. Lúc đó, nỗi nhớ chỉ đi vào tâm trí một đứa nhỏ như một bản năng tự nhiên, chứ tôi vẫn không nghĩ hay tự cho mình là người Sài Gòn.
Tôi lớn dần và trưởng thành cùng thành phố này như hơi thở, như ánh sáng tự nhiên mà ít khi nghĩ rằng sẽ có lúc mình vương vấn nơi này nhiều đến vậy.
Ngày cuối cùng trước khi rời Sài Gòn đi xa, tự nhiên tôi nhớ từng góc phố, từng con đường mình đi qua hàng ngày, tôi lái xe đi một vòng thành phố và tự nhủ hãy khắc ghi những giây phút này vì không biết đến bao giờ mới được lặp lại. Đi ngang bờ kênh Nhiêu Lộc lúc đó chỉ mới được nạo vét, hai bên bờ kênh là hàng quán, nhà cửa vẫn còn lộn xộn, gió chiều mát rượi thổi vào lòng tôi một nỗi nhớ quặn thắt dù chưa đi xa.
Những tháng ngày xa xứ, Sài Gòn cứ hiện ra trong tôi rõ mồn một. Này là góc phố có chị bán bánh mì tôi hay ăn sáng, chị cười hồn nhiên khi tôi thú nhận quên ví tiền ở nhà: “Để mai đi cưng”. Kia là góc phố có anh công an vui vẻ khi tôi hỏi: "Anh ơi, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở đâu?", anh trả lời với một nụ cười không thể nào rộng hơn: “Anh với em đang đứng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nè cô bé”. Tôi nhớ con đường Cách Mạng Tháng Tám ngày hai bận tôi đi qua, lúc nào cũng kẹt xe, mà sao lúc đi xa, tôi nghĩ về nó với một tình thương khó tả.
Tôi may mắn vẫn được về thăm quê thường xuyên, chứ không phải đi biền biệt. Vậy mà mỗi lần về, là một lần thấy thành phố chuyển mình thay đổi. Đầu tiên là những tòa nhà lộng lẫy trên đường Đồng Khởi dần thay cho những cửa hàng nho nhỏ, duyên dáng nép mình bên 2 hàng cây. Tôi nhớ vô cùng nhà sách Xuân Thu, nơi tôi hay ghé vào mỗi buổi tan tầm thời còn son rỗi. Tôi nhớ hàng lụa tơ tằm tôi mua áo dài cưới mà mẹ chồng tôi vô cùng mê mẩn. Tôi cũng nhớ mặt tiền khách sạn Rex hồi chưa thay đổi, lối thiết kế tuy hơi rườm rà cũ kỹ nhưng ghi dấu nhiều kỷ niệm trong tôi. Tượng đài Bác Hồ - nơi tôi hay ngồi hóng gió, ăn cá viên chiên cùng cô bạn thân hồi xưa. Giờ đây, chỗ này đã được quy hoạch thông thoáng hơn, hàng quán không còn đông đúc lộn xộn như xưa.
Tôi cũng bồi hồi khi nghe tin công viên Quách Thị Trang sẽ được giải tỏa, thương xá Tax phải xóa sổ, hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt. Vậy mà, lần về thăm Việt Nam mới đây, con đường Lê Lợi đã được mở lại, rộng lớn và nhộn nhịp hơn trước nhiều lần. Mặt trước chợ Bến Thành cũng rộng rãi thoáng đãng hơn. Chúng tôi chờ ngày được mua vé đi tàu điện ngầm của thành phố.
Tôi nhìn cây cầu nối liền quận nhất qua Thủ Thiêm, lộng lẫy với ánh đèn thắp sáng, thấy thành phố mình đã trở mình như Thánh Gióng.
Ngày cuối năm, cô bạn thân chở tôi chơi.Thật may buổi sáng hôm ấy trời thật mát với rất ít gợn nắng. Chúng tôi chở nhau đi qua Sở Thú, cầu Yết Kiêu rồi vòng qua bờ kênh Nhiêu Lộc. Tôi bâng khuâng nhớ lại cái ngày trước khi rời Việt Nam.
Bến Bạch Đằng bây giờ là một mảng xanh thoáng đãng |
Hôm nay, tôi đã được trở về chốn cũ, và nó đã được điểm trang để đẹp hơn hôm qua rất nhiều. Có biết nhiêu loại hoa cô bạn đã tỉ mỉ giải thích cho tôi: bằng lăng, sứ trắng, sứ hồng, hoàng anh, dừa cạn, nhiều lắm không tả xiết, mà quan trọng hơn, đôi bên bờ kênh, nhà cửa san sát và sạch đẹp hơn nhiều.
Những đêm không ngủ khi mới về nước vì khác múi giờ, tôi hay ra ban công đứng nhìn toàn cảnh thành phố trong đêm từ trên cao. Những tòa nhà nhấp nháy ánh đèn mang đến cảm giác bồi hồi trong tôi. Ngày tôi đi, tòa nhà Saigon Trade Centre cao nhất thành phố với 33 tầng, chúng tôi, những người trẻ tiên phong lúc đó đã vô cùng hãnh diện nhìn thành phố đổi thay từng ngày. Hôm nay, khi chúng tôi bước vào hàng tuổi trung niên, các bạn trẻ ngày nay đã khoe nhau tòa nhà cao 81 tầng.
Trong bóng đêm, tôi để dòng suy nghĩ của mình miên man chảy. Tôi yêu thành phố này biết bao nhiêu. Dù tôi có đi xa, trái tim tôi luôn mãi thuộc về nơi đây. Dù tôi có ở xa, ở mãi một nơi xa xôi, thành phố này luôn ở đây để là nơi chốn cho tôi trở về, cho tôi một cảm giác được che chở, cái cảm giác đi xa về có một vòng tay chào đón, ôm ấp như vòng tay của mẹ.
Phan Quỳnh Dao (London, Anh)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây. |
Chia sẻ bài viết: |
Nhiều tựa sách mới đa dạng thể loại dành cho bạn đọc nhiều lứa tuổi vừa được nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt dịp Giáng sinh.
Ngày 22/12, huyện Củ Chi đã chính thức ra mắt chương trình trải nghiệm sân khấu truyền thống đặc biệt Đất thép tại nhà truyền thống huyện Củ Chi. T
Tối 22/12, chương trình hòa nhạc “Bài ca không quên” diễn ra tại giao lộ đường đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, Đường sách TP Thủ Đức thu hơn 15 tỉ đồng, tổ chức 495 sự kiện ở đa dạng nội dung, chủ đề.
Trình UNESCO công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới, là một trong những mục tiêu sẽ được TPHCM đẩy mạnh trong năm 2025.
Lễ ra mắt bản dịch tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Chile - "Papelucho" diễn ra vào sáng 20/12 tại Hà Nội.
Từ lâu, Đinh Quân định danh tên anh gắn với dòng sơn mài trừu tượng, biểu ý hơn biểu hình.
Đầu dây bên kia vang một tiếng ngắn gọn “ổn”, đó là nhân viên kiểm tra phòng.
Âm nhạc là lĩnh vực có nhiều triển vọng đóng góp lớn cho kinh tế thời gian tới khi có lượng công chúng đông đảo, ..
Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) giới thiệu chương trình "Christmas concert 2024" tại nhà hát TPHCM (quận 1) trong 2 đêm 21 và 22/12.
Chiều 18/12, Báo Nhân Dân đã tổ chức lễ khai mạc triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”.
Không có nhiều “hiện tượng xuất bản” được nhìn thấy trong năm qua.
Hơn 4 thập niên đã trôi qua kể từ khi Ô Sin ra mắt khán giả Nhật Bản nhưng sức hút của bộ phim dường như chưa bao giờ phai nhạt.
Chiều 16/12, tại Hà Nội, VTV tổ chức buổi họp báo giới thiệu các chương trình trọng điểm kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau quá trình bầu chọn từ 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, danh sách 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đã được công bố.
Không có nhà chức năng để trưng bày, bảo quản nên nhiều bảo vật của vùng đất Hà Tĩnh đang phải để tạm bợ trong nhà xe, phòng ngủ…
Thủ Đức là thành phố nằm ở phía đông TPHCM, là “thành phố trong thành phố” đầu tiên và duy nhất cho đến nay của cả nước.