Năm 21 tuổi, chị tôi lấy chồng. Anh là người Sài Gòn, gia đình giàu có. Ba má anh kinh doanh, mua cho anh hẳn một căn nhà để anh chị chung sống. Ngày rước dâu, hàng xóm bốn bên đều nói với má tôi: "Con gái chị sướng nhất vùng, lấy chồng có điều kiện lại không phải ở chung với ba má chồng".
Má tôi vui một nửa, vì chị có bến đỗ ổn định. Còn nửa còn lại, bà lo lắng vì chị còn quá trẻ, đang học hành dở dang thì lập gia đình, chị cũng chẳng biết làm gì ở chốn Sài thành ấy.
Lấy chồng xong, chị ở nhà làm nội trợ, ngày ngày chờ anh đi về để săn sóc, chăm lo. Thời gian rảnh, chị nấu ăn, dọn dẹp, đăng những bức hình lung linh lên mạng xã hội. Hồi ấy, ngày nào tôi cũng mong mình sau này sớm thi đậu đại học, lên với chị. Tối tối tôi hay khoe với má mấy bức hình chị thật xinh đẹp, giàu sang.
Tôi có ngờ đâu, đằng sau những bức hình ấy là một cuộc sống hoàn toàn khác mà chị luôn cố gắng che đậy. Lấy anh rồi, được nửa năm thôi, anh đã bắt đầu chán chị, chán những ngày chị mong ngóng anh về sớm. Anh tụ tập bạn bè nhiều hơn, đi chơi nhiều hơn. Cuối tuần anh đi biển, bỏ chị ở nhà. Cứ thế, chị mòn mỏi, còn anh thì ra ngoài có bao nhiêu là cuộc vui, bao nhiêu là người khiến anh hứng thú.
|
Chị nín lặng sống với anh giữa những buồn tủi, uất ức và giữa những trận đòn thừa sống thiếu chết - Ảnh minh họa |
Anh cũng chẳng thèm giấu chị việc anh có người phụ nữ khác. Lần thì chị phát hiện anh ngủ qua đêm ở nhà đồng nghiệp cùng công ty, lần thì anh đi Phú Quốc với một cô bạn cũ, lần thì bạn anh nói hở ra chuyện anh có nhiều “em út” bên ngoài.
Tất nhiên chị có ghen, có giận hờn, khóc lóc. Nhưng đáp lại, anh thẳng tay đánh chị. Có lần giữa đêm, chị được cô giúp việc đưa vào viện, tiền viện phí chị không có để trả, anh cũng chẳng đưa, mãi sau này chị kể, gia đình mới biết.
Chị nín lặng sống với anh giữa những buồn tủi, uất ức và giữa những trận đòn thừa sống thiếu chết. Đến ngày chị có thai, anh vẫn đánh, chỉ chừa phần bụng. Tôi còn nhớ ngày giỗ ba, chị về, hai mắt sưng húp, bầu to, phía sau cánh tay còn một vết bầm lớn. Tôi thấy má ngồi khóc lặng lẽ sau hiên nhà, tôi thấy chị ôm má, quỳ xuống xin lỗi, xin cho chị ở nhà đến lúc mẹ tròn con vuông. Tôi thấy tiếng má rõ ràng, dứt khoát: “Bay ở đây luôn, không về cái nhà đó nữa”.
Được một tuần thì chồng chị về quê, xin phép má đón vợ trở lại Sài Gòn. Mọi lần, má tôi rất hào hứng đón chàng rể, còn lần này, bà thờ ơ, đến mặt cũng không thèm nhìn. Bà nói bằng giọng dứt khoát: “Ngày cưới nó, cậu hứa với tui thế nào?”.
Anh ta nín thinh, không nói được. Má tôi đi vào sau nhà, tôi thấy bà khóc, chị tôi cũng khóc. Sau cuộc gặp nhau ấy, chị và chồng ly hôn, đứa bé sinh ra do chị tôi nuôi nấng. Tôi thấy má đã yêu thương chị và cháu như thế nào. Bà chăm từng muỗng cơm, muỗng sữa. Mỗi lần như thế, chị tôi lại dằn vặt mình, vì đã làm khổ má.
Còn nhớ một chiều mưa đổ giọt xuống mái hiên nhà, chị tôi ngồi cho con bú, má tôi đã nói: “Ba tụi bay mất sớm, má cũng lo được cho tụi bay. Bây chừ tụi bay lớn rồi, lại lo cho sấp nhỏ. Má còn sống được ngày nào, má lo phụ cho ngày đó. Cuộc đời này quan trọng nhất vẫn là phải sống thoải mái, hạnh phúc con à. Đời còn dài, má chẳng có nhiều của nả để cho, chỉ cho bay một nơi để trở về”.
|
Má đã cho chúng tôi một nơi để trở về - Ảnh minh họa |
Chị tôi dạ một tiếng rất nhẹ, sau này tôi mới biết, hôm ấy chị định chuyển lên Sài Gòn tự đi làm, gửi con để đỡ phiền má mà má đâu có chịu. Cũng sau này tôi mới biết, cái ngày chị tôi gần sanh, má tôi đã lên tận Sài Gòn, nói chuyện với nhà thông gia, với con rể mình một cách rành rọt những gì anh đã sai quấy.
Má chẳng kể lại, nhưng có người quen mách cho chúng tôi hay: “Bả tự đi xe đò, lên kiếm tận nhà đó dù không quen đường sá, hôm ấy nhà thông gia phải cúi mặt xin lỗi, bả cũng nói anh rể bây không xứng đáng làm cha”.
Tôi nghe mà thương má quá chừng. Rõ ràng vì con, má có thể làm mọi thứ. Những buổi tối chị tôi nằm ru con, tôi vẫn thấy má ra trước hiên ngồi, tưởng như đang uống trà thảnh thơi, ngắm trăng ngắm sao, chứ thật ra tôi biết má đang suy tư lắm. Người ta sinh con gái ra, ai chẳng muốn gả vào nơi khiến con hạnh phúc, vui vẻ, má cũng chẳng ngờ người đàn ông kia bạc bẽo.
Những hôm ấy, tôi ra ngồi với má, bảo má bớt nghĩ lại, nhà mình có đứa cháu bụ bẫm dễ thương là nhất rồi, chẳng cần gì hơn. Má bảo ừ, cuộc đời chẳng ai lấy hết của ai cái gì, má không có một chàng rể tốt, nhưng lại có đứa cháu ngoan. Rồi cả nhà cùng dạy dỗ nó. Đã là con cháu, đứa nào má cũng đón nhận. Cái chốn về này của má, thật tuyệt vời khi má đã san sẻ, để giúp chữa mọi vết thương lòng.
L.Giang