Nơi tôn vinh những câu chuyện chưa được kể

13/01/2024 - 16:12

PNO - Bảo tàng có diện tích 14.000m2, trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa và hành trình của người Mỹ gốc Phi đến Charleston.

 

Bảo tàng được xây dựng cách mặt đất khoảng 4m - Nguồn ảnh: Internet
Bảo tàng được xây dựng cách mặt đất khoảng 4m - Nguồn ảnh: Internet

Bảo tàng Quốc tế người Mỹ gốc Phi (IAAM) nhìn ra Charleston - cảng buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất Bắc Mỹ với Gadsden's Wharf là địa điểm tập trung - đã chính thức mở cửa đón công chúng vào ngày 27/6. Bảo tàng có diện tích 14.000m2, trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa và hành trình của người Mỹ gốc Phi đến Charleston.

Tiến sĩ Tonya Matthews - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của bảo tàng - cho biết, khi cánh cửa mở ra, tất cả đều có thể nhìn thấy sự thật đầy đủ hơn về câu chuyện của người Mỹ gốc Phi rời bỏ quê hương để sống cuộc đời nô lệ. “Sứ mệnh của chúng tôi là tôn vinh những câu chuyện chưa được kể về cuộc hành trình của người Mỹ gốc Phi tại một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của đất nước” - bà nói.

Kế hoạch xây dựng Bảo tàng Quốc tế người Mỹ gốc Phi bắt đầu từ năm 2000, khi cựu Thị trưởng Charleston Joseph P. Riley Jr. kêu gọi thành lập bảo tàng trong một bài phát biểu. Phải mất nhiều năm, việc xây dựng bảo tàng mới bắt đầu vào năm 2019. Bảo tàng dự kiến mở cửa vào năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề trong chuỗi cung ứng vật liệu cần thiết để hoàn thành việc xây dựng.

Khi bước vào tòa nhà, trước tiên du khách sẽ bắt gặp phòng trưng bày “Trải nghiệm xuyên Đại Tây Dương”, mang đến cái nhìn tổng quan về những gì sắp diễn ra trong toàn bộ bảo tàng, bao trùm hàng trăm năm lịch sử. Rời khỏi đây, du khách có thể tiếp tục khám phá 12 cuộc triển lãm cố định trong 8 phòng trưng bày khác và 1 phòng đặc biệt trưng bày các cuộc triển lãm luân phiên sẽ thay đổi nội dung 2 hoặc 3 lần trong năm. 

Bên trong Bảo tàng Quốc tế người Mỹ gốc Phi (IAAM) ở Charleston - Ảnh: Chris Carlson (AP)
Bên trong Bảo tàng Quốc tế người Mỹ gốc Phi (IAAM) ở Charleston - Ảnh: Chris Carlson (AP)

Các phòng trưng bày kể câu chuyện về những người châu Phi nô lệ và tự do đã định hình sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa trên khắp nước Mỹ, đồng thời mang đến cái nhìn của người trong cuộc về mối liên hệ chặt chẽ với nền văn hóa nổi tiếng của vùng đất thấp Nam Carolina. Bên cạnh đó, nó cũng khái quát về những người Nam Carolina da đen và đặc biệt là về Gullah Geechee - dân tộc duy nhất có truyền thống cư trú ở các khu vực ven biển thuộc các bang Bắc Carolina, Nam Carolina, Georgia và Florida. Họ bị bắt làm nô lệ trên các hòn đảo biệt lập và các đồn điền ven biển, là một trong số ít nhóm người Mỹ gốc Phi còn lưu giữ được thực phẩm, ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống có thể có nguồn gốc trực tiếp từ châu Phi.

Ngoài các phòng trưng bày, du khách cũng có thể đến Trung tâm Lịch sử gia đình cũng như Vườn tưởng niệm tổ tiên châu Phi - nơi phản ánh ý nghĩa lịch sử của Gadsden's Wharf.

Curt Moody - kiến trúc sư điều hành dự án thiết kế - cho biết, Bảo tàng Quốc tế người Mỹ gốc Phi không chỉ là một dấu ấn kiến trúc mà còn là một cột mốc quan trọng. “Chúng tôi đánh giá rất cao ý nghĩa văn hóa mà bảo tàng mang lại đối với lịch sử nước Mỹ. Nếu không có tòa nhà này, địa điểm linh thiêng này sẽ không được biết đến và những câu chuyện về tổ tiên của chúng ta vẫn chưa được kể” - Moody nói. 

Thiên Cự

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI