Gần đến tết, ngoài làm đẹp, chăm sóc da, các dịch vụ về tóc cũng đang tung ra nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Không tìm hiểu kỹ, ham rẻ, muốn đẹp nhanh, nhiều người đã nhận về kết quả cay đắng sau nối tóc.
Tóc rụng… tơi tả sau khi nối
|
Chưa thấy đẹp, một số chị em phụ nữ đã mất tết |
Có hẹn với hội chị em mặc áo dài chụp ảnh tết, trong lúc nhận áo về mặc thử, chị N.A.H. (26 tuổi, ở Bình Thạnh) cảm giác mái tóc hơi ngắn, không phù hợp với “đồng phục”. Biết điều đó, một người bạn mách nhỏ địa điểm làm tóc “xịn” cho chị H. nối tóc.
Tuy tiệm nhỏ và nằm sâu trong hẻm nhưng được quảng cáo rất uy tín, chị H. là… người quen nên sẽ được bảo hành 6 tháng, kèm khuyến mãi uốn, duỗi, nhuộm tùy chọn.
Chị H. kể lại: “Tóc nối được tính theo cân nặng và độ dài, giá dao động từ 1,5 triệu đến hơn 5 triệu đồng. Chủ tiệm cam đoan phần tóc này là tóc thật, an toàn. Thấy chị ấy trả lời mạch lạc, dứt khoát nên tôi khá yên tâm. Tôi nối thêm 10cm, giá 1,8 triệu đồng, được khuyến mãi thêm nhuộm tóc”.
Theo chị H., tóc nối cho chị có màu đen, hơi bóng, người làm thắt tóc này vào phần tóc của chị và cố định chúng bằng keo dạng sáp, hấp nhiệt khoảng 30 phút. Tuy nhiên, về đến nhà, tóc bị rơi ra. Quay lại tiệm, chị H. được nhân viên giải thích do tóc của chị hơi khô và làm lần đầu nên chị được bảo hành nối lại.
“Lần này, thợ làm tóc vừa đính một nút thắt bằng kim loại ở đoạn nối, dán keo sáp và một chất lỏng trong suốt, hấp tóc gần 1 tiếng đồng hồ. Tôi cảm thấy da đầu hơi nóng rát, nhân viên nói do làm lâu nên nhiệt gây nóng rồi đưa tôi 2 gói ủ, kêu về ủ khoảng 20 phút da đầu sẽ dịu lại.
Tôi ủ được 10 phút thì cảm thấy da đầu hơi rát, sờ vào hơi phồng, mềm. Tôi nghĩ mình bị phỏng nhiệt lúc hấp nên gọi đến tiệm. Một lần nữa, họ khẳng định bình thường, sau 2 ngày sẽ khỏi nên tôi ráng chịu đựng”, chị H. nói.
Đến tối, chị H. bị nóng rát, căng đầu nên nhờ người thân kiểm tra, mọi người hoảng hốt khi thấy gần như toàn bộ da đầu của chị bị phồng rộp, có dịch nước, vội vàng đưa chị đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán chị H. bị kích ứng da, có nguy cơ nhiễm trùng, phải nhập viện để theo dõi điều trị.
Chị T.T.K.L. (28 tuổi, ở Long An) cũng một phen khiếp vía với phần da đầu sưng tấy, mưng mủ sau khi đi nối tóc. Trước đó, dù tóc không ngắn nhưng chị L. vẫn quyết định nối thêm vài phân cho mới mẻ.
Trung tâm chăm sóc tóc “ruột” khuyên chị không nên nối tóc bởi phần tóc tẩy trước đó rất yếu. Chị L. không nghe, tự lên mạng tìm và quyết định đến một salon tóc tại Bình Chánh để làm đẹp. Mất 2 tiếng đồng hồ nối và móc lai tóc, chị L. tốn hơn 700 ngàn đồng.
Qua hôm sau, khi đang gội đầu, chị thấy tóc rụng nhiều hơn thường ngày nhưng chỉ nghĩ do tóc cũ yếu gãy nên không đi kiểm tra. Sau đó, chị ngứa, rát da đầu. Chịu đựng thêm 3 ngày, chị L. hoảng sợ với mái tóc rụng từng mảng, da đầu mưng mủ, đau nhức...
Bác sĩ cho biết chị L. bị dị ứng, phỏng hóa chất, kích ứng da. Tuy nhiên, do không đến bệnh viện khám sớm nên da đầu chị bị nhiễm trùng, có dịch mủ, có nguy cơ bị sẹo da đầu gây hói.
Nối, tẩy, ủ tóc tưởng dễ nhưng lại khó
ThS.BS Lê Thảo Hiền - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết mỗi tuần bệnh viện đều tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng từ làm đẹp da, tóc… Trong đó, người nối tóc bị biến chứng chiếm khoảng 10-30%.
Hầu hết người bệnh bị kích ứng da, sưng đỏ, ngứa rát, tróc vảy da đầu, tóc bị rụng, nấm tóc… Nặng hơn, có chị em bị bong tróc da đầu, chảy nước, dịch mủ, nhiễm trùng phải điều trị lâu dài. Có rất nhiều nguyên nhân gây biến chứng từ việc nối, ủ hay tẩy tóc, nhưng phần lớn do các hóa chất, keo nối, nguồn tóc… không đảm bảo vệ sinh, không có nguồn gốc rõ ràng hay cơ địa bị dị ứng.
Chưa kể đến trường hợp người làm tóc không thành công phải nối đi nối lại nhiều lần, sử dụng máy ủ, hấp tóc ở nhiệt độ quá nóng khiến da đầu bị kích ứng đỏ ửng, viêm, mưng mủ, nhiễm trùng, thậm chí nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
|
Nếu có nhu cầu nối tóc, chị em nên tìm đến cơ sở đáng tin cậy |
Theo ThS.BS Lê Thảo Hiền, nhiều người sai lầm khi nghĩ nối tóc đơn giản chỉ là “dán” tóc của mình và tóc khác với nhau. Ít ai biết tuy chỉ nối phần đuôi tóc, nhưng phần gốc tóc rất quan trọng. Một sợi tóc ngoại lai ít nhiều sẽ gây phản ứng với tóc cũ và da đầu. Đặc biệt, nếu tóc này có bệnh, hoặc cơ thể dị ứng với hóa chất thì hậu quả khó lường.
Một khi gặp biến chứng, việc điều trị, phục hồi da đầu, tóc rất khó khăn, bởi da đầu thường hấp thu chậm hơn so với các phần da khác trên cơ thể. Đối với phục hồi rụng tóc thông thường, trung bình phải mất ít nhất ba tháng, còn rụng tóc trên nền da đầu tổn thương người bệnh có khi mất hơn một năm mới có thể hồi phục.
"Để nối tóc phải sử dụng hóa chất rất nhiều, dùng nhiệt nóng không chỉ làm cho da đầu tổn thương, tóc bị mất nước, dễ bị gãy rụng. Nối đi nối lại nhiều lần nguy cơ gây xơ hóa da đầu, mất luôn phần chân tóc gây rụng tóc vĩnh viễn. Lúc này bệnh nhân buộc phải cấy tóc, tuy nhiên rất khó hiệu quả bởi da đầu đã bị sẹo", ThS.BS Lê Thảo Hiền cho hay.
Một số lưu ý của chuyên gia: - Hiện nay, bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hay nơi làm đẹp có giấy phép ít cung cấp dịch vụ nối tóc. Vì vậy, trước khi quyết định nối tóc, chị em nên đến các bác sĩ có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để khám, đánh giá da đầu và các bệnh lý về tóc. Nếu có vấn đề, chị em nên điều trị rồi hãy nối tóc. Riêng trường hợp tóc đã bị nhuộm, tẩy nhiều, phần tóc gốc đang bị xơ phải phục hồi trước khi nối. Quan trọng nhất, chị em phải trực tiếp kiểm tra phần tóc nối. Với tóc nối bị ngả màu, nổi các vân lạ, tróc vảy… yêu cầu đổi ngay tóc khác. Đảm bảo phần tóc chuẩn bị nối đã qua xử lý nhằm tránh nhiễm nấm, trứng chấy hay các bệnh viêm nhiễm từ người bán tóc. Nếu tóc nối là tóc nhân tạo, xem kỹ phần tóc này có bị nhuộm quá nhiều hay không, một người chưa nhuộm tóc lần nào, tuyệt đối không sử dụng tóc này bởi da đầu rất dễ bị kích ứng. Kiểm tra các loại nguyên liệu nối tóc, keo, chất nối phải có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Sau nối tóc, chị em phải đến gặp bác sĩ da liễu một lần nữa để khám, kiểm tra da đầu có phản ứng với tóc, hóa chất… đã sử dụng hay không. - Ít nhất phải mất 1-2 tháng thì chất keo mới có thể gắn kết phần nối tóc. Trong thời gian này, nên tránh sử dụng những dầu gội, dầu xả có nhiều mùi hương, chất tẩy rửa quá mạnh. Sau khi nối không chỉ chú ý phần tóc nối mà phải dưỡng luôn cả da đầu, chị em nên bôi kem dưỡng tóc có chiết xuất thiên nhiên, vitamin E phục hồi độ ẩm trên da đầu. Khi tóc và da đầu khỏe mạnh, mọi người có thể sử dụng mỹ phẩm lại như thông thường, xài thêm dầu xả để phần thân tóc có thể mịn màng trở lại. Trung bình thời gian nối tóc phải cách nhau khoảng 6 tháng đến 1 năm. Tuyệt đối không ủ chanh, đắp bã trầu, cà phê… bởi sau nối, phần da đầu đã tổn thương, các loại ủ theo phương pháp dân gian có nhiều axit làm da đầu bị bào mòn, kích thích tình trạng viêm da kích ứng nghiêm trọng hơn. |
Phạm An