Nói to lên những điều tệ hại

22/03/2024 - 06:13

PNO - Tuy chậm trễ so với Hollywood, trào lưu #Metoo cuối cùng cũng đổ bộ vào điện ảnh Pháp.

Tối 23/2, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, tại rạp Olympia với 1.700 khách mời và được truyền hình trực tiếp, ban tổ chức giải César đã chính thức mời diễn viên Judith Godrèche lên sân khấu tố cáo đạo diễn Benoit Jacquot tội “cưỡng hiếp vị thành niên” và Jacques Doillon đã “xâm hại” cô giữa hiện trường.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Judith Godrèche kể với báo Le Monde ngày 7/2/2024 về cuộc gặp với đạo diễn 39 tuổi Benoit Jacquot năm 1986 lúc cô 14 tuổi, tham gia casting phim Les mendiants (Người ăn xin). Hoàn toàn không ý thức về sự mê dụ, Godrèche đã bỏ nhà đi sống với kẻ dẫn dắt cô về tính dục lẫn điện ảnh. Họ ở chung với nhau 6 năm, bị Jacquot áp đặt “cuộc sống cô lập”, “cách ly khỏi hoạt động xã hội” và bị hành hung khi bất tuân.

Judith Godrèche đã cất tiếng nói mạnh mẽ chống nạn lạm dụng và tấn công tình dục trong ngành điện ảnh Pháp tại lễ trao giải César 2024 - Nguồn ảnh: AP
Judith Godrèche đã cất tiếng nói mạnh mẽ chống nạn lạm dụng và tấn công tình dục trong ngành điện ảnh Pháp tại lễ trao giải César 2024 - Nguồn ảnh: AP

Năm 1992, ở tuổi 21, Godrèche quyết định đoạn giao với Jacquot. Trong tự truyện Point de côté năm 1995, Godrèche chỉ nói lên ý chí “khám phá tự do”, “tái tạo mình” chứ chưa nhận ra sự khống chế, không biết bị Jacquot thao túng. Phải đến đầu năm 2024, phát hiện phim tài liệu Les ruses du désir: l’interdit (Những thủ đoạn dục vọng: điều cấm đoán) của Gérard Miller sản xuất năm 2011, Godrèche mới nhận ra bộ mặt thật của Jacquot khi nghe ông ta ngạo mạn thú nhận điện ảnh chỉ là “bình phong” để ông dan díu với con gái vị thành niên, xác nhận tính “phạm pháp” của thứ quan hệ ấy và kể ra trường hợp của Godrèche: “Luật pháp nói tôi không được quyền, nhưng tôi bất kể; còn cô ấy càng thấy được kích thích”.

Đó không phải lần đầu Jacquot nói năng đồi bại. Năm 2005, ông từng tuyên bố trên báo Inrockuptible về vai diễn của Godrèche trong phim La désenchantée: “Bộ phim được làm ra từ dục vọng của tôi liên quan đến dục vọng của Judith. Tôi hiến bộ phim cho cô ta với thỏa ước tôi hiến phim cho cô thì ngược lại cô tự hiến thân”. Trâng tráo hơn, năm 2015, trên báo Libération, Jacquot nói: “Công việc làm phim của tôi là gặp, nói chuyện, chỉ đạo… Để làm tất cả những điều đó, cách tốt nhất vẫn là nằm cùng trên giường”.

Ngày 6/2/2024, Godrèche đã đệ đơn tố cáo Benoit Jacquot về “những hành vi cưỡng dâm bằng bạo lực đối với người vị thành niên dưới 15 tuổi”, cho dù nhiều khả năng các sự kiện đã hết thời hiệu truy tố. Nối tiếp đơn tố cáo của Godrèche, hàng loạt nữ diễn viên khác cũng đưa ra chứng cứ của họ về Jacquot như Isild Le Besco, Julia Roy, Vahina Giocante, Laurence Cordier, Virginie Ledoyen… Đạo diễn Jacquot (nay 77 tuổi) đã phủ nhận toàn bộ các lời tố cáo, khẳng định quan hệ của ông với Godrèche là “tình yêu không bạo lực”.

Chuyện thường ở trường quay

Cũng ngày 6/2, Godrèche đệ đơn tố cáo đã bị đạo diễn Jacques Doillon cưỡng dâm tại nhà riêng trong giai đoạn viết kịch bản phim La fille de 15 ans khi cô mới 14 tuổi, tố cáo hành vi xâm phạm tính dục ngay tại hiện trường. Godrèche mô tả trải nghiệm “kinh khiếp” khi quay phân đoạn cô và nam diễn viên diễn cảnh làm tình. Giờ chót, lấy quyền đạo diễn, Doillon sa thải nam diễn viên, tự thế vai và buộc Godrèche làm đi làm lại với anh ta đến… 45 lần. Mọi việc diễn ra dưới sự chứng kiến của Jane Birkin - trợ lý và là bạn đời của Doillon. Tiếp sức cho Godrèche, nữ diễn viên Anna Mougalis và Isild Le Besco đưa ra những tố cáo tương tự. Tuy nhiên, đối với vị đạo diễn năm nay 79 tuổi, tất cả đều là “lời nói dối”.

Trước khi tố giác 2 đạo diễn, Godrèche công bố lá thư gửi con gái 18 tuổi tên Tess, với câu mở đầu “Mẹ hiểu rằng đã đến lúc phải kể câu chuyện của mẹ”, lặp đi lặp lại cụm từ “đã đến lúc” và chấm dứt bằng câu “Đây là câu chuyện của cô bé 14 tuổi ở Paris vào những năm 1990…”.

Câu chuyện của Godrèche được kể trên báo Le Monde, Radio France, France Télévision… gây chấn động trong làng điện ảnh, khiến Hiệp hội Điện ảnh César mời Godrèche đến để kể câu chuyện của mình trong đêm trao giải 2024. Ở đó, Godrèche sử dụng thuật ngữ “Im lặng! Máy chạy!” để ám chỉ thực trạng đen tối của điện ảnh Pháp mà báo Télérama gọi là “Câu chuyện của sự mù quáng tập thể”. Vượt ra mối quan hệ giữa đạo diễn - diễn viên, Godrèche đặt mọi ngành nghề từ nhà sản xuất đến các kỹ thuật viên trước trách nhiệm của mình.

Tuy chậm trễ so với Hollywood, trào lưu #Metoo cuối cùng cũng đổ bộ vào điện ảnh Pháp. Dư luận đồng cảm những gì Godrèche nói trong sự kiện César 23/2/2024: “Các bạn đừng nghĩ tôi đang nói về quá khứ của tôi, mà là nói về tương lai của tất cả những ai chưa đủ sức trở thành nhân chứng của chính mình (…) Chúng ta may mắn được sống ở một đất nước dường như có tự do. Cho nên, cùng với sức mạnh đạo lý chúng ta sáng tạo, hãy can đảm nói to lên những điều mà chúng ta từng biết âm thầm”. Cô gái mê điện ảnh đắm chìm trong “ân sủng” năm xưa và người phụ nữ tỉnh thức 52 tuổi hôm nay đã được khán giả vỗ tay nhiệt liệt khi bước đến sân khấu, đứng lên cổ vũ khi cô rời sân khấu, trong đó có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp.

Tiếng nói của Godrèche và nhiều diễn viên khác cũng như sự ủng hộ của công chúng đã tạo ra phản ứng cụ thể: Belle - bộ phim sau cùng của Jacquot, đã lên lịch phát hành cuối tháng Ba - bị nhà sản xuất thông báo đình chỉ vô thời hạn. 2 diễn viên nam - nữ chính của phim thông báo sẽ không tham gia cổ động phim. CE2 - bộ phim vừa kết thúc hậu kỳ của Jacques Doillon - chưa có kế hoạch phát hành khi các nghệ sĩ khước từ cổ động. Không ít chủ rạp cho biết sẽ tẩy chay 2 phim trên.

Về phía chính quyền, ngoài tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Rachida Dati ủng hộ đưa các vụ việc ra ánh sáng, Thượng viện và Quốc hội Pháp đã mời Godrèche đến điều trần. Tại đây, không chỉ chỉ ra trách nhiệm nhà nước, Godrèche còn đề xuất CNC (Trung tâm Điện ảnh quốc gia) có quy chế sử dụng “điều phối viên” độc lập - không do nhà sản xuất trả thù lao - để chuẩn bị những cảnh quay nhạy cảm hay có diễn viên trẻ em.
Ở đây, cần phải nhắc quan niệm “phim tác giả” đặc thù điện ảnh Pháp xuất phát từ phong trào “Làn sóng mới” những năm 1960, xem phim là tác phẩm của đạo diễn, từ đó nảy sinh thói sùng bái đạo diễn. Không phải vô cớ báo Le Monde, Télérama mở diễn đàn về phong trào #Metoo, bởi chính họ lâu nay quá ca ngợi, bảo vệ điện ảnh tác giả. Với họ, có lẽ đây là lúc tự phê bình.

Theo quy định mới được sửa đổi năm 2024, từ nay, tổ chức César sẽ không mời dự lễ hội, phát biểu, không làm lễ trao giải trên sân khấu với những ai bị tố cáo và điều tra vì hành vi bạo lực.

Nam giới cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục

Kể từ khi nam diễn viên Aurélien Wiik tung ra hashtag #MeTooGarçons (hay #MeTooBoys) vào ngày 22/2, Pháp đã chứng kiến một làn sóng mới của phong trào #MeToo, bùng nổ với hàng trăm nam giới chia sẻ về các vụ tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp mà họ từng phải chịu.

Diễn viên Aurélien Wiik ở Paris vào tháng 2/2020 - Ảnh: Stephane De Sakutin (AFP)
Diễn viên Aurélien Wiik ở Paris vào tháng 2/2020 - Ảnh: Stephane De Sakutin (AFP)

Aurélien Wiik - một nạn nhân từng bị quấy rối bởi người đại diện và các thành viên chung nhóm đào tạo - cho biết, anh được truyền cảm hứng từ hành động của nữ diễn viên Judith Godrèche. Hashtag của Wiik nhanh chóng lan rộng. Lucie Wicky - nghiên cứu sinh tiến sĩ xã hội học đang nghiên cứu về bạo lực tình dục mà nam giới Pháp phải chịu đựng - giải thích: “Làn sóng #MeToo năm 2017 không dừng lại. Nó đang lan sang các lĩnh vực khác của cuộc sống, với các từ khóa #MeTooInceste, #MeTooGay…”.

Những nhân vật đáng chú ý khác cũng đưa ra câu chuyện của họ. Nghị sĩ cánh tả Andy Kerbrat cho biết mình đã bị lạm dụng từ lúc 3 tuổi bởi một “kẻ thú tính”. Nhưng vì hắn đã chết, công lý sẽ không bao giờ được thực thi. Nghị sĩ Kerbrat kể rằng, mẹ ruột của ông sống dưới sự chi phối của người đàn ông trên - một kẻ nghiện ngập: “Ông ta tra tấn tôi về mặt tinh thần. Ông ta đánh đập tôi và lạm dụng tình dục tôi”. Kerbrat nói với tờ Le Monde: “Tôi đã nghĩ đến việc công khai câu chuyện của mình trong nhiều tháng. Sự dũng cảm của những người khác đã cho tôi sức mạnh để hành động”.

Chiến dịch #MeTooGarçons cho thấy nam giới cũng cần phải lên tiếng về những vấn đề lạm dụng mà họ đã trải qua. Qua đó, họ có thể giúp phong trào #MeToo ở Pháp nói chung có thêm động lực. Tiếng nói của họ có thể truyền cảm hứng cho mọi người chia sẻ trải nghiệm về quấy rối, tấn công tình dục và phân biệt đối xử tình dục. Mặt khác, #MeTooGarçons là bước tiến xa hơn nhằm phá vỡ sự im lặng xung quanh bạo lực tình dục, những điều cấm kỵ về giới tính và tố cáo những tên “yêu râu xanh”.

Tấn Vĩ (theo Le Monde, Euro News)

Hạ Lian (Từ Paris, Pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI