Nối tình thân ái từ những mái nhà xanh

20/11/2023 - 11:43

PNO - Chạy xe trên đường to, hẻm nhỏ của Sài Gòn, nếu để ý, ta sẽ thấy đa số ban công, mái nhà phủ xanh cây lá. Đi vào từng nhà, mới thấy việc trồng cây trên cao thú vị, kỳ công, và thấy cả sự kết nối tình thân giữa những người mê cây, yêu vườn như một nét văn hóa đẹp lan tỏa dần lối sống xanh ở thành phố đất chật, người đông này.

Đủ loại vườn trên cao

Có 4 ban công, 2 sân thượng (thực chất là mái đúc), nhìn từ dưới lên, nhà chị Nguyễn Thị Nguyệt Anh (mặt tiền đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) toàn cây trái, lá hoa. Ở ban công tầng 1, chị chưng những chậu hồng và giò lan rộ bông được dưỡng ở ban công tầng 4. Ở ban công tầng 2 và 3, chị trồng đủ loại cải trên các kệ nhiều tầng. Trên mái nhà là nhiều dãy kệ 3 tầng trồng đủ thứ rau, bao quanh là các bồn xi măng trồng bầu, bí, mướp, đậu rồng và cây ăn trái.

Nhà chị Nguyễn Thị Bình (đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12) có khoảng sân rộng trồng hoa hồng, còn trên mái là đủ loại rau, cây ăn trái. Ngày nào chị cũng thu hoạch rau, một vài tuần lại thu cả thúng chanh vàng, quýt đường, ổi, táo. “Hồi dịch COVID-19, các nơi bị phong tỏa, chợ búa nghỉ bán, em toàn cắt rau, hái trái cây đi cho” - chị Bình tự hào nói về vườn mình. 

Những khu vườn trên cao với đủ thứ hoa, rau, cây ăn trái như của chị Nguyệt Anh và chị Bình rất phổ biến ở TPHCM. Người ta trồng cây ở ban công, sân thượng và trên mái nhà (đúc bê tông, lát gạch). Do diện tích vườn có hạn, đa số người mê cây ở TPHCM thường trồng mỗi thứ một ít để vừa có ngắm, vừa có ăn. Nhưng cũng có lắm người chỉ trồng vài loài cây mà mình ưa thích. 

Các thành viên nhóm Thích Trồng Cây họp mặt ở công viên văn hóa Tao Đàn (quận 1) để tặng nhau hạt giống, cây giống
Các thành viên nhóm Thích Trồng Cây họp mặt ở công viên văn hóa Tao Đàn (quận 1) để tặng nhau hạt giống, cây giống

Mê những loài cây mọng nước, cô gái 9X Trần Diệu Linh (đường Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình) “nuôi” nguyên một bầy sen đá, xương rồng, sao biển đủ loại, chậu được xếp đầy cả mái nhà với nào là sen dù xanh, dù hồng, sen lửa, nào là sen bắp cải, bánh bao, kim cương, chuỗi ngọc, cỏ ngọc… nghe tên vừa lạ vừa vui tai. Nữ luật sư Lưu Quỳnh Trang (đường Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận) trồng nguyên một mái nhà toàn hoa hồng ngoại; anh Lê Bạch Thái Thuyên (đường Lê Văn Thọ, phường 14, quận Gò Vấp) và Trần Gia Bảo (phường 7, quận 8) chuyên trồng dưa lưới…

Niềm vui được sống xanh

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bình bỏ ra 2 giờ để tưới cây, chưa kể thời gian trồng, chăm, thu hái. Chị bận kinh doanh nhưng hễ ở nhà là leo mấy tầng lầu để ngắm cây, vặt lá già, nhặt rác. Đi đâu xa, chị lại nhớ vườn, lo cây héo lá. Chị nói, có lẽ do mình là cư dân Sài Gòn gốc Nam Định nên đã ngấm máu nhà nông từ quê. Chị tâm sự: “Ăn cọng cải, trái mướp mình trồng, thấy khác hẳn rau mua bởi nó đúng chất, không phân hóa học, không thuốc tăng trưởng, lại hái ăn liền. Mình là người của gia đình nên cứ thích tự tay trồng rau an toàn, chế biến cho chồng con ăn”.

Hằng ngày, chị Nguyệt Anh quần quật trên mấy khu vườn, bê đất, ủ phân. “Nhọc sức, kỳ công lắm, nhưng nhờ vậy, mình được vận động nên người khỏe khoắn, dẻo dai, đỡ tốn tiền đi tập gym” - chị cười phân trần. Niềm vui của chị Nguyệt Anh là được sống cùng vườn xanh, nhẹ đầu. Rau chị trồng thuần túy hữu cơ, tha hồ cho gia đình 3 thế hệ, 6 nhân khẩu dùng và mang cho bà con bên chồng, tặng hàng xóm, bạn bè. Vườn nhà chị cũng góp được rau xanh cho nhiều nồi cháo dinh dưỡng tặng người già, bệnh nhi.

Lá, hoa và nụ cười thân ái

Kể về quá trình làm vườn, mặt chị Nguyệt Anh rạng hẳn: “Mình tạo vườn cách đây 9 năm. Ban đầu, mình chỉ trồng ít, sau mình vô hội Thích Trồng Cây, thấy nhiều người trồng giỏi, nhiều cây đẹp, lạ, mình càng mê hơn, càng trồng nhiều thêm, từ kệ 1 tầng mà cơi nới lên 3 tầng. Mình vừa trồng cây để ăn, vừa giâm cành, gieo hạt để tặng người trong hội”.

Chị Lê Thị Hồng Thắm (phường 5, quận Gò Vấp) đặt “cái kệ màu xanh” ở cửa nhà, làm nơi đặt cây, hạt, ai cần thì đến lấy miễn phí
Chị Lê Thị Hồng Thắm (phường 5, quận Gò Vấp) đặt “cái kệ màu xanh” ở cửa nhà, làm nơi đặt cây, hạt, ai cần thì đến lấy miễn phí

“Hội Thích Trồng Cây” mà chị nhắc tới là nhóm Thích Trồng Cây trên mạng xã hội Facebook, được thành lập vào tháng 7/2014. Nhóm hiện có hơn 511.000 thành viên, trong đó hơn 471.000 người Việt ở trong nước và riêng TPHCM có hơn 126.000 người, đông nhất. Với tôn chỉ “lan tỏa niềm vui trồng trọt” và nội quy là “đoàn kết, thân ái, có văn hóa”, nhóm đã lan truyền lối sống tích cực, tình yêu thiên nhiên, kết nối con người. Mỗi quý, nhóm tổ chức họp mặt (offline) 1 lần ở công viên văn hóa Tao Đàn (quận 1, TPHCM) để các thành viên gặp gỡ, tặng nhau hạt giống, cây giống (gọi là “phiên chợ 0 đồng”), truyền nhau kinh nghiệm trồng cây. 

Bà Trần Thị Ngọc Mai - 81 tuổi, ở đường Bàn Cờ, phường 2, quận 3 - khoe dàn kệ treo lan được lợp kỹ bằng lưới giảm nắng: “Biết tui yếu chân tay, mấy cô Niên An, Ái Lý, Thanh Thủy trong nhóm Thích Trồng Cây tới làm cho cái kệ này. Thích lắm”. Các cô trẻ trong nhóm như Bích Liên, Như Thơ, Thu Nga cũng nhiệt tình chở hạt, chở cây đến tận nhà những thành viên già yếu, không dự họp mặt được. 

Nhờ có nhóm Thích Trồng Cây, hàng ngàn người biết nhau trên mạng ảo rồi trở thành bạn thân trong đời thực. Họ hình thành các nhóm chơi chung, mỗi năm tổ chức nhiều đợt họp mặt. Anh Phạm Đức Minh (TP Thủ Đức) khoe: “Mình đi dự offline Thích Trồng Cây khắp các tỉnh phía Nam rồi. Anh em chơi trong nhóm, hễ biết nhau là thân tình, không có khoảng cách”. Từ nhóm, có những người trước đó còn xa lạ đã nên duyên vợ chồng, như cặp Hồ Thùy Trâm (tỉnh Bình Phước) và Nguyễn Tấn Phát (tỉnh Trà Vinh).

Các thành viên nhóm Thích Trồng Cây còn lập ra “shop 0 đồng”, “cái kệ màu xanh” làm nơi để người có sẵn cây, hạt mang đến gửi, người cần thì đến nhận.

Ngày 22/4/2020, khi người dân TPHCM được yêu cầu giãn cách xã hội, phân nhóm Thích Trồng Cây quận Gò Vấp đã quyên góp tiền mua 3,5 tạ gạo phát tặng người nghèo. Ngày 25/10/2020, khi miền Trung bị bão, lũ càn quét, nhân buổi họp mặt (offline) ở công viên Tao Đàn, các thành viên nhóm Thích Trồng Cây đã góp được 20 triệu đồng gửi cho một cơ quan báo chí để chuyển đến hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai…

Từ chỗ yêu cây, những con người xa lạ đã kết nối nhau để làm cho số vườn, số cây ngày một thêm nhiều, thêm phong phú, góp phần thực hiện chỉ tiêu mà UBND TPHCM đề ra gần chục năm qua “mỗi năm trồng thêm ít nhất 1 triệu cây xanh”. Hơn thế, họ đã kết nối nhau và làm được những việc có ích cho đời. Và tôi - người viết bài dự thi này - tự hào là người đã sáng lập ra nhóm Thích Trồng Cây, qua đó cùng các thành viên góp thêm những điều tốt đẹp nho nhỏ cho thành phố nghĩa tình này, cũng như làm lan tỏa những điều tích cực nho nhỏ ra muôn nơi. 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

Hồ Ngọc Dinh (quận Gò Vấp, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI