Nói thật - Con đã được mười điểm

30/01/2018 - 10:30

PNO - Mẹ an tâm khi con đã chọn nói thật mà không toan tính chuyện nó mang lại ích lợi hay bất lợi.

Chiều qua, Mun đi học về, mặt mày buồn hiu, kể chuyện cô giáo tin học đã ghi sai điểm bài kiểm tra của Mun. Bài chấm được 10 điểm trong khi cô ghi vào sổ liên lạc chỉ bảy điểm. Mẹ bất bình, hỏi ngoài điểm của Mun, còn bạn nào khác bị ghi không khớp nữa không.

Đến đoạn này thì bỗng Mun che miệng, phì cười: “Dạ, khi thầy chủ nhiệm hỏi những bạn nào lộn điểm thì đứng lên và đọc số điểm chính xác của mình, có tất cả năm đứa đứng lên. Bạn Hồng được chín điểm mà cô ghi có tám điểm, bạn Quỳnh cũng vậy. Bạn Yến được 10 điểm, cô ghi chỉ sáu điểm.

Còn thằng Ngọc Hưng mới ngộ nè mẹ. Con chưa thấy ai ngu như vậy. Nó có năm điểm thôi, cô ghi nhầm thành bảy điểm, lời được hai điểm, vậy mà nó vẫn đứng lên khiếu nại. Thầy và cả lớp cười bò”.

Noi that - Con da duoc muoi diem
Ảnh minh họa

Mun cười đến sặc cơm. Mẹ cũng cười vì quá bất ngờ và vì bộ dạng khờ khờ, tồ tồ Mun mô phỏng Hưng. Chuyện hài ở lớp Mun để lại dư âm trong mẹ cho đến khi vào phòng ngủ. Gỡ bím tóc cho con gái, mẹ làm vẻ nghiêm túc, hỏi: “Đặt trường hợp cô ghi điểm cao hơn điểm thực tế, con có báo lại cho thầy chủ nhiệm như bạn Hưng không?”. Ngừng vài giây, Mun trả lời: “Dạ, chắc… có. Tại con cười Hưng thôi, chứ con cũng làm vậy”.

Mẹ hỏi vì sao làm vậy thì Mun không cắt nghĩa được. Rồi Mun hào hứng kể tiếp chuyện ở lớp, cô giáo tin học đã đến xin lỗi cả năm bạn, hứa sẽ cẩn thận hơn, không để sai sót nữa. Không có hiệu lệnh mà thầy và cả lớp cùng vỗ tay khi cô tuyên dương và cảm ơn “người hùng Ngọc Hưng”.

Có thể do vậy mà Mun nhận thấy nói thật đưa lại một niềm vui. Mẹ tạm đặt tên tràng pháo tay đó là điểm 10 cho người biết tôn trọng sự thật. Mẹ an tâm, hãnh diện khi Mun cũng chọn giống Hưng - trả điểm lại cho cô bất kể lỗ hay lời.

Đang ngon trớn bàn về “nói thật”, mẹ lại hồi tưởng. Ngày xưa mẹ ở quê, nghèo lắm, ngoại phải rất vất vả để lo cái ăn cái mặc cho các con. Một lần, bà Hai hàng xóm đau chân, nhờ bà ngoại sẵn tiện đi chợ, mua giùm bà một ký cá biển, một ký cà chua. Nhờ ngoại lanh lợi, mặc cả và thêm chợ trưa ế hàng nên bạn hàng bán rẻ. Ngoại len lén để lại nhà mình ba con cá nhỏ, bốn trái cà từ phần dôi dư nhờ ngoại trả giá. Mẹ cùng các dì, cậu được một bữa trưa ngon lành.

Ngoại bảo các con ráng ăn hết và dặn đừng kể với ai, thái độ thật bí hiểm… Được ăn ngon, buổi chiều, qua chơi nhà hàng xóm, mẹ vui miệng khoe với lũ nhóc. Nhìn thấy bà Hai ăn cơm, mẹ buột miệng nói: “Nhà con cũng ăn cá với cà, mà không phải kho như bà Hai. Mẹ con chiên cá, xốt cà, ăn ngon lắm”.

Noi that - Con da duoc muoi diem
Ảnh minh họa

Tối đó, bà ngoại biết chuyện, la mẹ: “Con nói cho bà Hai biết làm chi? Lỡ bà nghi mẹ lấy cá của bà thì sao?”. Đứng khoanh tay một hồi, mỏi chân quá, mẹ lẻn chạy ra phía trước sân chơi. Bỗng mẹ nhìn thấy bà ngoại cầm cây nhang cắm vào lư hương bàn thờ ông ngoại và bưng mặt khóc.

Mẹ hốt hoảng tiến lại bàn thờ, níu tà áo ngoại: “Sao mẹ khóc vậy? Mẹ giận con hả? Con hư, con nhiều chuyện, con không nghe lời mẹ dặn. Con không dám vậy nữa. Con ra đứng phạt tiếp nè mẹ”. Ngoại ôm mẹ, ngăn lại, nói: “Con không có lỗi gì hết. Mẹ mới là người có lỗi”.

Mẹ an tâm khi con đã chọn nói thật mà không toan tính chuyện nó mang lại ích lợi hay bất lợi. Nếu không rơi vào tình thế đặc biệt buộc phải nói dối hay giảm, tránh, con hãy cứ bày tỏ y như những gì đã diễn ra, trong sáng khi tiếp cận và đối diện. Mẹ nghĩ, thẳng ngay, chân thật là phẩm chất đáng tự hào nhất nhưng cũng nhiều thử thách nhất. Vì thế, ta phải rèn luyện phẩm chất ấy mỗi ngày, trong mỗi tình huống. 

Vì hụt cái ăn cho các con, ngoại đã làm một việc không hay là lợi dụng lấy bớt phần cá và cà mà bà Hai đã gửi tiền mua, dù số ký lô cà, cá ngoại đưa cho bà Hai vẫn đủ. Nhiều lần định nói với bà Hai, ngoại không biết cách nào để mở lời rằng mình đã lập lờ, không chia sẻ hết sự thật. Rồi bà Hai già yếu, qua đời, ngoại cứ ray rứt mãi chuyện ém hàng chợ năm ấy. Nợ tiền còn trả được, nợ một sự thật không biết trả cách nào.

Hằng Ngôn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI