“Nói thách”, “chặt chém”: Cần phải chấm dứt ngay lập tức!

01/09/2023 - 06:31

PNO - Báo Phụ nữ TPHCM số ra ngày 23/8/2023 có bài Nạn nói thách làm xấu hình ảnh chợ Bến Thành đã phản ánh rất đúng một thực trạng tồn tại ở các chợ truyền thống.

Không ít tiểu thương tại các chợ truyền thống thường chỉ thấy “cái lợi nhỏ trước mắt”, cho rằng khách nước ngoài thường là những người giàu có, cả đời mới du lịch Việt Nam, nên xem đây là cơ hội để “chặt chém” thu lợi.

Thế nhưng việc “nói thách” đến mức người nước ngoài phải chê đắt và “bỏ của chạy lấy người” thì thực sự là một hành động khó chấp nhận trong đạo đức kinh doanh, nhất là sự việc xảy ra ngay tại chợ Bến Thành - ngôi chợ được xem là biểu tượng, là điểm đến tham quan mua sắm của du khách khi đến TPHCM.

Nhưng không phải đến chuyện “hét giá” 700.000 đồng cho 3 đôi vớ (gấp 11 lần giá trị thật) với một khách người Nhật gây xôn xao mạng xã hội, chuyện “nói thách”, thậm chí là “chặt chém” khách đã tồn tại từ rất lâu tại chợ Bến Thành. “Tiếng xấu” này cũng đã được nhiều khách du lịch “mách bảo” và “truyền tai” nhau, dặn dò người thân của mình phải hết sức lưu ý khi mua sắm và tốt nhất là không mua gì tại chợ Bến Thành.

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành - Ảnh: Phùng Huy
Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành - Ảnh: Phùng Huy

Có lẽ vì “tiếng xấu” này mà rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến chợ Bến Thành đã không dám mua sắm gì, vì nói thách gấp nhiều lần như thế thì trả giá kiểu nào cũng bị “cắt cổ”.

Thực ra, “nói thách” với một mức giá hợp lý để khách trả giá đến mức “thuận mua vừa bán” cũng là chuyện bình thường trong buôn bán, kinh doanh. Nó khác hoàn toàn với “hét giá để chặt chém” - hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh.

Đã đến lúc việc “hét giá”, “chặt chém” tại các chợ truyền thống, đặc biệt là chợ Bến Thành, phải chấm dứt ngay lập tức bằng những quy tắc ứng xử về văn hóa kinh doanh đi đôi với biện pháp chế tài thật nghiêm khắc.

Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và mạnh tay hơn nữa đối với các hành vi có biểu hiện “chặt chém”, thiếu đạo đức kinh doanh. Ngoài ra, việc buôn bán, kinh doanh tại các chợ truyền thống cũng cần phải đi vào nền nếp nhằm tạo nét văn hóa và thiện cảm hơn cho du khách. Tất cả các món hàng, dù là nhỏ nhất cũng cần phải niêm yết giá công khai, minh bạch.

Phải xem đó là văn hóa trong buôn bán kinh doanh và cũng là cách để du khách trong và ngoài nước an tâm khi tham quan và mua sắm. Trong thời đại truyền thông mạng xã hội như hiện nay, một tiếng xấu cũng dễ dàng “đồn xa” và ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực thu hút du khách của ngành du lịch.

Nguyễn Đước (quận 5, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI