"Nỗi sợ hãi mầu nhiệm" của nguyễn Mạnh Tuấn

18/10/2014 - 12:42

PNO - PN - Hơn 20 năm trước, với Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã khiến dư luận “dậy sóng” bởi những vấn đề thời cuộc mà ông đặt ra trong những trang viết tâm huyết của mình....

Vài năm trở lại đây, gần như Nguyễn Mạnh Tuấn “im hơi lặng tiếng”. Thật ra, với một nhà văn chuyên nghiệp, đó là “khoảng lặng” cần thiết để viết. Và bây giờ, Nỗi sợ hãi mầu nhiệm (NXB Văn hóa Văn nghệ) của Nguyễn Mạnh Tuấn đã ra mắt bạn đọc. Mở đầu tập sách, tác giả cho biết, ông dùng ngôi thứ nhất dẫn chuyện “nhưng không phải tự truyện. Tuy nhiên, vẫn có thể coi là tự truyện vì các câu chuyện trong tập, đều kể về các thầy, cô giáo, các bạn học ở trường Chu Văn An 3A Hà Nội, mái trường cuối cùng tôi xa rời để cùng các bạn bước vào đời”.

Trong Đường đi của hoa, ông kể lại câu chuyện của thời chiến tranh, có học sinh phân vân giữa hai chọn lựa: trở thành cầu thủ bóng đá hay đăng ký đi TNXP như mọi thanh niên thời đó. Trước sự phân vân ấy, thầy giáo khuyên: “Em nên nhớ, gia đình em không thuộc thành phần cơ bản, thì nơi thử thách để em phấn đấu rèn luyện trưởng thành là các vùng kinh tế miền núi nghèo nàn lạc hậu chứ không phải sân bóng đá”. Cũng có trường hợp oái oăm trong truyện ngắn cùng tên sách, nhân vật Bấc phát biểu: “Phụ nữ đến tuổi yêu rồi lấy chồng, chúng tôi luôn khuyến khích, nhưng cô này thành phần cơ bản lại đi yêu và sắp cưới một anh cùng quê con nhà địa chủ, nên tôi phải gặp riêng, làm công tác tư tưởng”. Chi tiết này, dù nhỏ nhưng cũng phản ánh tư duy của một thời.

Trong các truyện ngắn khác như Sự dối trá vĩ đại, Hà Nội mến yêu, Thằng Đẩu… ngồn ngộn các chi tiết mà thế hệ trẻ hôm nay chưa chắc đã tường tận. Vì thế, nó có sức hấp dẫn riêng. Chẳng hạn, nhân vật xưng tôi khi đến thăm Thạo - người bạn học cũ: “Tôi giật mình khi ở bàn thờ thứ hai, hướng cửa sổ hông nhà, có tấm hình duy nhất là thầy Quý”.

Sở dĩ như thế, vì ngày xưa, Thạo bị bắt quả tang ăn cắp hai cái bánh rán nhưng thầy lại “bao che” với lý do: “Nếu đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường chắc chắn Thạo sẽ bị đuổi học. Giờ các em muốn trong tương lai, bạn mình sẽ là một nhà toán học hay chỉ vì hai cái bánh rán mà bạn ấy suốt đời là người đi bốc vác ở bến Phà Đen?”. Quan niệm về giáo dục của thầy Quý đáng để ta suy nghĩ. Sau này, Thạo trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang…

Trong tập sách, tác giả cũng gửi gắm nhiều tâm tư như nhân vật Đông phát biểu: “Sự trong sạch nào cũng phải đấu tranh mới có. Không biết sợ hãi chưa chắc đã trở thành anh hùng, mà biết sợ hãi chưa hẳn đã là hèn kém”.

Với Nỗi sợ hãi mầu nhiệm, nhà văn Bích Ngân cho biết, “gặp lại cảm giác không muốn rời trang sách”. Có lẽ, nhiều bạn đọc cũng đồng suy nghĩ này khi đọc tập sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

 LÊ VĂN NGHỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI