Nói sao với trẻ để tìm ra sự thật?

16/03/2017 - 10:23

PNO - Tìm ra sự thật từ các thiên thần bé thơ là điều không hề dễ. Là cha mẹ, bạn phải thật bình tĩnh giúp con nhận diện kẻ ác, đừng áp đặt bằng những tình huống tự đưa ra với những câu hỏi dạng 'có/không'.

Thận trọng, gợi mở, nghe trẻ nói và nói sao cho trẻ có thể nghe để tìm hiểu sự thật. Quan trọng là đừng để tình thương con khiến bạn trở nên mù quáng. 

Noi sao voi tre de tim ra su that?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi rất ghét những phóng viên truyền hình cứ gí micro vào miệng người khác mà hỏi kiểu 'Anh đã thế này, phải không, đúng không, đúng thế chứ?...', dồn người đối diện vào thế bị động, bị áp đặt, thậm chí 'nhét vào miệng' người đó điều mình muốn nghe. Trong giao tiếp với trẻ em, người lớn cũng thường mắc lỗi này.

Bạn tôi là giáo viên mầm non. 5 năm trước, một cô bé năm tuổi đã mách mẹ là bé bị cô đánh. Phụ huynh làm ầm ĩ. Bạn nói: 'Ở trường công, chuyện đét mông học sinh không hiếm. Trường cũng không nặng nề gì. Nhưng, mình không thể quên được cái cảm giác bị quy chụp. Mình không có lý do gì để đánh bé vì bé rất ngoan; lại thông minh và giàu trí tưởng tượng'. Tôi tin bạn không đánh học trò. Do thích bắt chuyện với trẻ em, được bọn trẻ tâm sự như bạn, cá nhân tôi thấy:

- Nhiều cha mẹ rất chủ quan: 'Con tôi không bao giờ nói dối', 'Trẻ con không biết nói dối'. Những người này hình như hơi bị mù mờ về tâm lý trẻ thơ và tâm lý con người nói chung.

- Con trưởng thành, phụ huynh của tội phạm đa số thường bật ngửa khi nghe con cướp của, giết người. Họ cứ khư khư một niềm tin: 'Con tôi không giết người vì nó thấy máu còn sợ', 'Con tôi lành lắm, không dám giẫm một con gián'... Những cha mẹ này đã bị tình yêu thương lấn át mất khả năng phân tích tâm lý, hành vi con người...

- Những đứa trẻ càng thông minh, giàu cảm xúc thì trí tưởng tượng càng bay bổng. Người lớn hay lý luận: làm sao chúng bịa được ra chuyện tày trời như thế? Trẻ ngày nay tiếp xúc với ti vi, máy tính, điện thoại rất sớm. Chúng nghe lời người lớn rồi lắp ghép lại theo một trật tự riêng nào đó. Vì chủ quan, chúng ta rất dễ bị một đứa trẻ thông minh 'qua mặt'.

- Nhiều trẻ bịa chuyện vì quá cô đơn, muốn tìm kiếm sự quan tâm của người lớn. Trẻ thích thú khi gây được sự chú ý, ngạc nhiên; như kiểu các ngôi sao cố tình tạo xì-căng-đan để thu hút dư luận.

- Tâm lý người lớn cũng rất phức tạp. Tôi hay xem phim hình sự Mỹ, thích những bộ phim xây dựng từ hồ sơ vụ án có thật. Khi tiếp nhận một tình huống tổn thương của con cái, đôi khi tâm lý xót con cũng làm sai lệch góc nhìn.

- Hiếm nhưng vẫn có những bà mẹ, ông bố mắc chứng hoang tưởng. Tôi từng biết một phụ nữ kiện chồng hiếp dâm con gái và giành quyền nuôi con. Tuy nhiên, từ hàng xóm và qua tiếp xúc, tôi nhận ra chị bất thường về tâm thần, luôn phóng đại, hoang tưởng những chuyện xảy ra quanh mình.

Đứa con gái ba tuổi hai tháng nhà tôi cũng là một ví dụ về khả năng tưởng tượng. Tôi nhiều lần bị con gái nhỏ kết tội: 'Mẹ đánh con' như một cách làm nũng hay 'Mẹ ơi, hồi nãy ba đánh con'. Vì vợ chồng tôi không bao giờ đánh con, nên tôi nhìn con và cười: 'Chọc mẹ phải không?'. Vậy là bé cũng phá ra cười, vẻ tinh quái, dừng ngay câu chuyện bịa. Giả sử tôi lo lắng: 'Ba đánh lúc nào, đau không?', lập tức bé sẽ kể ra một câu chuyện hư cấu dằng dặc...

Noi sao voi tre de tim ra su that?
Ảnh minh họa.Nguồn: Internet

Trẻ thơ thường bay bổng trong thế giới riêng của chúng và thế giới ấy biến hóa đến muôn hình muôn trạng. Đó cũng là lý do cuốn sách Hoàng tử bé của tác giả  Antoine de Saint-Exupéry được triệu triệu người say mê. Chính vì thế, các bà mẹ cần tỉnh táo.

- Bất cứ khi nào thấy con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, hãy đưa con đến cơ quan công an và đề nghị được giám định pháp y trong vòng 48 giờ để được giám định, thu thập chứng cứ như tinh trùng, áo quần, các vết tích trên cơ thể... (đến phòng khám phụ khoa hay bệnh viện chỉ là chẳng đặng đừng, vì họ không có chức năng và chuyên môn giám định xâm hại tình dục). 

- Bình tĩnh gợi mở cho con tự kể lại câu chuyện của mình, đừng dùng những cách hỏi kiểu như 'phải không', 'đúng không' để dẫn dắt con đi quá xa... Nếu bạn sai, bạn có thể đã tước mất của con một quyền quý báu của con người: quyền sống trong sáng với tâm lý an toàn, yên ổn. Với xã hội, việc vạch trần tội ác là cần thiết; nhưng với con bạn, tâm lý yên lành là điều cốt lõi cần gìn giữ, bảo vệ.

- Với hành vi dâm ô thì sao? Thật khó tìm ra chứng cứ cụ thể. Chúng ta không còn cách nào khác là bình tĩnh xâu chuỗi các tình tiết, sắp xếp các chứng cứ bằng cả tình thương lẫn lý trí.

- Quan trọng nhất là hãy trò chuyện với con mỗi ngày để biết về cuộc sống thật quanh con và cả cuộc sống trong trí tưởng tượng của chúng. Trò chuyện thật sự, không phải kiểu hỏi truy hay kiểu dạy dỗ, bảo ban (cha mẹ vẫn thường mắc lỗi này). 

Nếu kiên nhẫn nói chuyện, vui chơi cùng con mỗi ngày, tôi nghĩ, bạn sẽ không bỏ lỡ bất cứ điều gì, kể cả việc sớm nhận diện những mối nguy đang rình rập con...

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI