Nói sao với con về COVID-19 và nỗi sợ hãi

12/06/2021 - 10:30

PNO - "Thật không bình thường và đáng lo ngại khi một đứa trẻ 6 tuổi nói với bạn mỗi ngày rằng nó muốn biết số người chết của ngày hôm đó”, Banglani nói.

Khi Ritesh Banglani và gia đình cùng ngồi ăn tối tại nhà ở Bengaluru, miền Nam Ấn Độ, cậu con trai 6 tuổi của anh đã có một câu hỏi bất thường: "Trẻ mất cha mẹ sẽ sống ra sao hả cha?".

“Vợ tôi và tôi thực sự sửng sốt”, anh Banglani, một nhân viên ngành tài chính 43 tuổi, kể lại.

Chuyện xảy ra vào thời điểm Ấn Độ gần đạt đỉnh của đợt bùng phát dịch thứ hai với hơn 4.000 trường hợp tử vong mỗi ngày. Tình trạng thiếu giường bệnh, oxy y tế và thuốc men rất nghiêm trọng, và việc hỏa táng hàng loạt đang xảy ra ở nhiều thành phố.

Cậu con trai nhỏ của Banglani đã quen theo dõi thông tin về đại dịch. “Thật không bình thường và đáng lo ngại khi một đứa trẻ 6 tuổi nói với bạn mỗi ngày rằng nó muốn được biết số người chết của ngày hôm đó”, Banglani nói.

Con trai lớn 8 tuổi của anh Banglani thì có dấu hiệu của “bệnh tưởng”, cậu hay lo sợ quá mức. Cậu bé thường xuyên yêu cầu cha kiểm tra nhiệt độ, “Google” triệu chứng của COVID-19 và đi rửa tay 10 phút một lần.

“Cứ nửa tiếng một lần, cháu lại cố đánh hơi mọi thứ để xem mình còn ngửi được không. Rõ ràng là đại dịch đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các con tôi”, anh Banglani nói.

Làm thế nào để bạn có thể trấn an trẻ khi chúng nghe tin có rất nhiều người bệnh và chết?

Làm thế nào để cha mẹ giúp con đối phó với lo lắng khi chính cha mẹ cũng lo?

"Hãy dành thời gian để tập thể dục cùng nhau hay trò chuyện về một cuốn sách mà bạn đã cùng đọc với con. Giao việc nhà cho con. Hãy trao cho con một vài trách nhiệm nào đó. Như thế, cả nhà sẽ có chuyện khác để chia sẻ ngoài chuyện về dịch bệnh", nhà tâm lý học Mimansa Singh Tanwar khuyên.

Nhưng nếu phụ huynh hoàn toàn phớt lờ cảm xúc của con thì cũng không ổn, như trong trường hợp gia đình của Banglani.

Khi Banglani và vợ nhận thấy hành vi bất thường giống như “bệnh tưởng” của con trai, họ nghĩ rằng đó là do cậu bé đã nghe quá nhiều về đại dịch. Vì vậy, họ ngưng không nói về chuyện đó nữa. Nhưng điều đó lại phản tác dụng.

“Trẻ rất nhạy bén. Chúng ta có thể giấu chủ đề câu chuyện, nhưng rất khó để che giấu trạng thái tinh thần của bạn với lũ trẻ”, Banglani nói.

Vì vậy, Banglani đã thử một cách tiếp cận khác: nói về COVID-19 nhưng với thái độ trấn an. Anh và vợ cho con trai 8 tuổi xem những bài báo về các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra đối với vắc xin ở trẻ em hoặc đưa ra ví dụ về trường hợp những đứa trẻ bị nhiễm bệnh và sau đó đã khỏi bệnh.

Bằng cách đó, cậu bé có thể coi COVID-19 là một căn bệnh có thể kiểm soát được hơn là một thứ chuẩn bị giết mình. Banglani nhận thấy "chiến thuật" này hiệu quả hơn so với cách phớt lờ hoàn toàn trước đó.

Banglani rất đau lòng khi con ở độ tuổi này phải nghĩ tới chuyện sống chết của cha mẹ. Thật khó trả lời khi các con hỏi rằng liệu ba mẹ và ông bà có bị chết hay không.

Nhà tâm lý học Singh Tanwar cho biết điều quan trọng đối với cha mẹ là phải duy trì cảm giác bình tĩnh khi nói chuyện với trẻ trong cơn khủng hoảng.

Và, Banglani đã cố gắng trấn an các con của mình bằng cách nói với chúng rằng ông bà đã được tiêm vắc xin và vắc xin được chứng minh là có hiệu quả.

Một bài học quan trọng mà Banglani chia sẻ là đừng lạm dụng nỗi sợ hãi để khuyến khích con cái thực hiện các biện pháp bảo vệ. Vào cuối năm ngoái, khi các ca nhiễm mới đang giảm ở Ấn Độ, Banglani và vợ lo lắng các con sẽ bất cẩn trong phòng bệnh. Vì vậy, họ cảnh báo bọn trẻ vẫn có thể bị nhiễm virus để chúng sợ và đề phòng. Banglani nhận ra rằng cách này có thể làm cho hai con của anh thêm lo lắng, căng thẳng.

Nỗi sợ hãi thường là một động lực tốt nhưng nếu vượt giới hạn, nó sẽ trở thành một vấn đề.

Bây giờ Banglani và vợ anh ấy sử dụng cách tiếp cận khác. Thay vì nói "phải đeo khẩu trang nếu không con sẽ bị nhiễm COVID-19" thì họ nói "con cần đeo khẩu trang vì đó là quy định".

Nhà tâm lý học Singh Tanwar cũng khuyên các phụ huynh đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình: "Bởi vì nếu chúng ta không làm như thế, sự lo lắng của ta sẽ bộc lộ và sẽ lan đến cảm xúc của con cái.

Hãy tạo cho mình tinh thần tốt bằng nghe nhạc hoặc thực hiện một số bài tập thở. Trước khi ngủ, hãy dành cho mình chút thời gian để thư giãn, tĩnh tâm".

An Bình (theo NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI