Làm khó học sinh
Có con học lớp 10 một trường THPT có tiếng tại quận Tân Bình, anh Nguyễn Hồng Tú khá bức xúc về nội quy của trường.
“Trước hết, nói về nội quy mặc đồng phục. Trong khi đa phần các trường đều quy định những hôm có tiết thể dục thì học sinh sẽ mặc đồ thể dục cả ngày thì Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền lại yêu cầu buổi nào có tiết thể dục, an ninh quốc phòng thì học sinh mặc đồ thể dục, buổi nào không có tiết thể dục thì phải mặc đồng phục học sinh. Quy định này dẫn đến tình trạng trong cùng một ngày có khi học sinh phải thay đến 2-3 lần đồng phục, rất bất tiện cho các em, nhất là học sinh nữ”- anh Tú phân tích.
|
Nội quy nhà trường nếu quá cứng nhắc sẽ gây thiệt thòi, làm khó học sinh |
Ngoài ra, một nội quy nữa của trường cũng khiến học sinh thiệt thòi đó là việc cứng nhắc trong việc hạ hạnh kiểm học sinh. Rất nhiều học sinh dù có lực học tốt, luôn lễ phép với thầy cô bạn bè, tích cực trong học tập, rèn luyện nhưng vì từng có lần đi học trễ nên sẽ chịu hạnh kiểm khá…
Tương tự, trong bức xúc chia sẻ trên group của trường, 1 em học sinh trường THPT tại quận 6 cho biết, nội quy nhà trường yêu cầu học sinh chơi thể thao vẫn phải bỏ áo trong quần, nếu bỏ ra sẽ bị trừ điểm, nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm. Học sinh này bày tỏ: "Nội quy này cực kỳ vô lý, chơi thể thao, vận động nhiều, áo bị bỏ ra ngoài quần là chuyện bình thường nhưng nhà trường lại vin vào đó để xử phạt học sinh thì quá cứng nhắc, không mang tính giáo dục…".
Nhìn nhận về vấn đề nội quy nhà trường, cô Trần Thúy An- Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) cho hay, việc xếp loại hạnh kiểm học sinh trung học đang được áp dụng theo Thông tư 58/2011 của Bộ GD-ĐT. Thông tư quy định: Đánh giá hạnh kiểm học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động; hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường…
“Khi xây dựng nội quy, nhà trường luôn cần phải căn cứ vào đặc trưng riêng của học sinh để đặt ra, từ đó xếp loại hạnh kiểm học sinh theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. Nếu ứng xử quá cứng nhắc mà không căn cứ toàn diện trên những mặt phấn đấu của học sinh sẽ khiến học sinh rất thiệt thòi, giảm sút nỗ lực và ý chí phấn đấu trong học tập, thậm chí nếu cứng nhắc hoặc áp đặt quá sẽ dẫn đến tình trạng nhà trường đang sử dụng nội quy để “đẻ ra các giấy phép con” làm khó học sinh…” - cô Trần Thúy An nhận định.
Lắng nghe học sinh để xây dựng
Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) chia sẻ, việc xây dựng nội quy học sinh hiện nay không phải nhà trường muốn xây dựng sao cũng được. Và khi đã xây dựng thì giáo viên, nhà trường phải hiểu, tuân thủ đúng.
Nhớ lại một tình huống mới đây, hiệu trưởng này kể: sau tết, có học sinh nam lớp 10 đến trường với mái tóc hơi xoăn và giáo viên chủ nhiệm không cho em vào học, yêu cầu em phải về cắt tóc vì đã vi phạm nội quy. Tuy nhiên, học sinh này không phục với cách xử lý của giáo viên khi cho rằng bản thân không hề vi phạm nội quy. Theo em, nội quy trường chỉ nghiêm cấm học sinh nhuộm tóc và để tóc dài chứ không nghiêm cấm học sinh để tóc xoăn… Sau đó, em đã lên gặp thẳng hiệu trưởng, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải công khai xin lỗi em.
“Ngay khi học sinh phản ánh, trường đã nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm và chính giáo viên đã phải nhận sai và xin lỗi em trước cả lớp. Nội quy đặt ra cần hướng đến việc rèn cho học sinh khuôn khổ, hình thành những thói quen tốt trên cơ sở để các em không gặp khó trong quá trình thực hiện, góp phần hình thành văn hóa nhà trường”- cô Nguyễn Thị Thanh Trúc nói.
|
Khi xây dựng nội quy nhà trường cần gắn vào đối tượng học sinh để phù hợp |
Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5), với đặc thù học sinh luôn được đánh giá là “khó bảo”, nhà trường đã sử dụng nội quy như “cánh tay nối dài” để giáo dục học sinh hướng tới những điều tốt đẹp chứ không phải là để răn đe, xử phạt.
“Học sinh đi trễ, vi phạm nội quy như nói chuyện riêng trong giờ học, gây gổ với bạn bè…, thay vì phạt các em bằng cách hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh vào nói chuyện…, nhà trường sẽ áp dụng hình thức cho các em làm thiện nguyện. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà yêu cầu làm thiện nguyện có thể là 1 ngày hoặc vài ngày, thậm chí đến một tuần, với sự hỗ trợ, đồng ý của phụ huynh”- ông Đỗ Minh Hoàng- Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An chia sẻ.
Ông đánh giá, nội quy này được nhà trường đặt ra từ đầu năm với sự thoả thuận của phụ huynh, chính vì thế được phụ huynh hết sức ủng hộ, đồng hành. Khi học sinh vi phạm nội quy, trường báo về cho gia đình, ba mẹ cùng giáo viên chủ nhiệm sẽ giám sát quá trình các em làm thiện nguyện.
“Tuỳ theo đặc thù đối tượng học sinh đôi khi xử phạt không đúng cách sẽ không những không làm cho các em tốt lên mà còn đẩy các em vào những vi phạm khác, hoặc là không mang tính giáo dục cao với các em, hoặc là các em không phục, khi đó nội quy đã trở thành những ràng buộc “phản giáo dục”. Việc các em làm thiện nguyện để sửa chữa những vi phạm của mình sẽ giúp các em nhận ra lỗi và sửa đổi, đồng thời hướng các em đến những giá trị của tình yêu thương, chia sẻ…” - ông Đỗ Minh Hoàng nhận định.
Quốc Trung