'Nới' quy định về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế lo!

20/09/2017 - 10:32

PNO - Ngày 19/9, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) liên quan đến vấn đề sửa đổi Nghị định 38, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều hiệp hội và DN chế biến sản phẩm bao gói đã kiến nghị bỏ thủ tục xin xác nhận công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP trong Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38). Nguyên nhân được đưa ra là quy định này chưa phù hợp với quy định pháp luật, gây ra gánh nặng cũng như tình trạng DN bị nhũng nhiễu…

'Noi' quy dinh ve an toan thuc pham, Bo Y te lo!
 

Đại diện một DN chế biến thủy sản cho biết, họ đã từng mất hơn 4 tháng mới xin được giấy tiếp nhận hợp quy, thay vì quy định 7 ngày làm việc như trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định. Cụ thể, DN này nộp hồ sơ ngày 24/11/2016 đi kèm với phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn, tuy nhiên, sau 3 lần Cục ATTP gửi công văn yêu cầu bổ sung, đến ngày 28/3/2017, quy trình mới hoàn thành.

Đặc biệt, yêu cầu sửa đổi bổ sung của cục, theo DN, rất “cảm tính”, không căn cứ theo văn bản, quy định luật nào nên không biết phải sửa sao cho đúng. Thậm chí, theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), có DN phải làm đi làm lại 6 lần và qua 6 tháng mới được xác nhận. Hay có chuyện, để sản xuất một thanh sô-cô-la, DN phải xin tới 13 giấy xác nhận ATTP cho từng thành phần nguyên liệu.

Tại cuộc họp, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và tiếp thu ý kiến của DN, Bộ Y tế đã chỉnh sửa một số nội dung liên quan tới vấn đề này. Cụ thể trong dự thảo, với các sản phẩm thông thường đã qua chế biến, bao gói sẵn, DN tự công bố và nộp bản tự công bố đến sở y tế tại địa phương. Sau thời gian 7 ngày làm việc để thẩm định, nếu cơ quan có thẩm quyền không có ý kiến sửa đổi thì DN được phép sản xuất. 

Với nhóm sản phẩm có nguy cơ cao tới sức khỏe con người, bao gồm: thực phẩm chức năng (TPCN), phụ gia thực phẩm, thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe, DN phải nộp hồ sơ công bố đến Bộ Y tế với thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc. 

Đại diện Cục ATTP khẳng định, việc sửa đổi lần này đã rút gọn rất nhiều thủ tục hành chính, bỏ bớt thành phần hồ sơ… Trong trường hợp yêu cầu DN làm hồ sơ sửa đổi, bổ sung, phải căn cứ theo các quy định cụ thể để tránh tình trạng phải làm đi làm lại nhiều lần.

Theo đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), chỉ nên xếp các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 36 tháng tuổi vào nhóm có nguy cơ cao. Với các sản phẩm sữa còn lại, DN có thể tự công bố hợp quy và ATTP. 

Cũng theo Eurocham, trong TPCN của Việt Nam có bao gồm cả thực phẩm bổ sung, đưa tất cả các sản phẩm này vào diện quản lý chặt là không cần thiết: “Ví dụ nước mắm bổ sung i-ốt hay nước tương bổ sung sắt cũng được kiểm soát theo quy trình là quá rộng. Vì đây là sản phẩm được dùng hằng ngày và rủi ro thấp”.

Đồng ý về vấn đề này, ông  Phí Ngọc Chung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Thành, đề xuất nên tách riêng thực phẩm bổ sung, có thể quy định tỷ lệ bổ sung là bao nhiêu mới bắt buộc phải có công bố của cơ quan quản lý nhà nước. 

Tuy nhiên, ông Bùi Khánh Tùng - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH dinh dưỡng Nutricare băn khoăn: “Nếu không quản lý chặt thì tất cả các loại sữa đều có thể biến thành “thần dược”. Chỉ thêm một thứ vitamin nhưng DN có thể phóng đại công dụng sản phẩm”. 

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, mặc dù tạo điều kiện cho DN song vẫn phải đảm bảo minh bạch thông tin và lợi ích của người tiêu dùng. Tất cả sản phẩm công bố liên quan tới sức khỏe đều phải được kiểm soát chặt. Ví dụ, với sản phẩm bổ sung vi chất thông thường, DN có thể tự công bố, nhưng nếu nói vi chất này có tác dụng bồi bổ, cải thiện trí não thì bắt buộc phải nộp hồ sơ công bố tới cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ, việc sửa đổi Nghị định 38 lần này là nỗ lực của Bộ Y tế trong việc cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ DN. Ngoài công bố hợp quy, ban soạn thảo sẽ bổ sung quy định miễn kiểm tra ATTP với DN đã có 3 lần kiểm tra liên tiếp có kết quả đảm bảo. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Quốc Cường không giấu sự băn khoăn khi “nới” các quy định liên quan tới vấn đề ATTP: “Chúng tôi cũng rất lo vì DN có thể làm 3 lần tốt nhưng do biết quy định nên lần thứ 4 sẽ không đảm bảo. Trong vấn đề hỗ trợ DN còn liên quan tới gian lận thương mại và an toàn cho người sử dụng. Được mặt nọ thì có thể mất mặt kia…”.

Được biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức, DN để hoàn chỉnh dự thảo, trước khi trình lên cấp trên để ban hành nghị định. Với sản phẩm bao gói thông thường, DN sẽ được tự công bố hợp quy, phù hợp ATTP. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI