Nơi phản ánh “tình hình kinh tế” của gia đình

13/12/2020 - 10:03

PNO - Gạc-măng-rê như một biểu tượng của ký ức, để khi nhớ về lại thấy lòng mình được một lần băng qua cánh đồng tuổi nhỏ, len lỏi đi trên vùng mơ xa xăm...

Đó là cái gạc-măng-rê (tiếng Pháp: garde manger) có nghĩa là tủ đựng thức ăn, người quê hay gọi là cái chạn. Hồi đó, gần như nhà quê nào cũng có một cái gạc-măng-rê. Bên trong ngăn tủ thơm mùi gỗ, luôn có những món ăn ngon được cất dành, chờ đợi đứa trẻ đi học về tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ là mở chạn ra bới cơm ăn…

Tôi không nhớ rõ cái gạc-măng-rê của nhà có từ lúc nào, chỉ biết khi mình lẫm chẫm băng đồng về căn nhà mới, nó cũng đã được anh chị tôi dọn mang theo. Đó là vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Người lớn sắp xếp đồ đạc gọn gàng, cái chạn được đặt ngay ngắn ở một góc nhà. Để chống kiến bò lên chạn, má tôi ra chợ mua bốn cái chân đế bằng đất nung. Mỗi chân có rãnh vòng quanh để đổ nước vào.

Gạc-măng-rê được đặt cách vách lá một khoảng cách đủ để kiến/gián không thể bò chuyền qua. Cửa tủ đựng thức ăn luôn đóng chặt tránh bọn mèo ăn vụng. Ngăn dưới cùng dùng để nồi, dao, thớt. Ngăn giữa úp chén dĩa. Ngăn trên là nơi đựng thực phẩm, gia vị và thức ăn đã nấu chín. 

Mỗi lúc đi học về, tôi mở chạn xem bên trong có món gì. Nhiều lúc chỉ có canh chua rau muống, hoặc dĩa trứng chiên. Nhưng cũng có khi là nồi thịt kho tàu thơm nức mũi hoặc cá kho tộ làm bụng dạ cứ cồn cào. Nhất là vào những mùa tát ao, trong chạn sẽ thường có những món ăn dân dã mà bây giờ là đặc sản hiếm có đối với người phố thị: canh chua cá lóc nấu lá me, cá rô mề kho tiêu, cá tai tượng chiên xù, rồi cá trắm, cá trạch, cá sặc, cá mè, cá chép… Ăn no căng bụng rồi vẫn còn thòm thèm. 

Ngày xưa nhà nào cũng có một chiếc gạc- măng- giê. Nguồn ảnh:  Internet
Ngày xưa nhà nào cũng có một chiếc gạc- măng-rê. Nguồn ảnh: Internet

Những năm đói kém nhất, trong gạc-măng-rê chẳng có gì ngoài nồi cháo trắng và nước tương, rau muống. Tôi bé nhất được ưu tiên cho quả trứng gà, hoặc những khi đau ốm, các chị dành gạo nấu cho bát cơm trắng. 

Vậy mà rồi, những người con của làng vẫn lớn lên. Các anh chị lần lượt đậu đại học, rời làng lên thành phố học. Nồi cơm trong gạc-măng-rê cứ ít dần lại theo mỗi cuộc rời đi. Những năm tháng đó, tôi đi học về không còn mở gạc-măng-rê ra là có thức ăn, mà phải tự xúc gạo nấu cơm.

Má tôi đi làm ăn xa, vài tuần mới về một lần. Mỗi lần bà về, cái gạc-măng-rê lại đầy lên, khi nồi thịt kho ú hụ, lúc bún xào, bánh canh, xôi… Vài lần quá bận bán buôn, bà về nhà chỉ được hơn nửa buổi, nấu cho hai đứa con gái nhỏ bữa cơm tươm tất rồi lại quày quả bắt xe đi. Để buổi trưa khi đi học về đến nhà bụng réo sôi, vừa mở cửa đã nghe mùi thức ăn thơm chạn bếp.

Biết má có về nhà, đứa con gái nhỏ mừng rỡ chạy ào xuống, mắt hấp háy với những món ăn ngon lành cất trong chạn. Lúc ấy, cảm giác như thể có bà tiên vừa đáp xuống ngôi nhà quạnh hiu mà ban phép mầu vậy. 

Những cái gạc-măng-rê năm xưa, chừng như đều phản ánh “tình trạng kinh tế” của mỗi nhà. Những nhà khá giả - có ti vi màu - thì trong chạn bếp luôn có đồ ăn ngon, có thịt cá và cả trái cây tươi mua ngoài chợ. Nhà nghèo hơn thì đa phần là ăn mắm ăn khô, dành nhau củ khoai củ mì luộc. Trái cây cũng chỉ là khế, bình bát, ổi sẻ… trong vườn.

Mỗi lần qua nhà “có ti vi màu” coi ké, được bạn nối khố mở chạn lấy đồ ăn cho là trong bụng cứ như mở cờ. Thể nào mà không được nhắm nhít các món “xa xỉ” cỡ bánh tằm, bánh khoai mì, rau câu, nước sá xị…

Hôm về thăm cồn Chim (xã Hòa Minh, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), bắt gặp cái chạn bếp giản dị phía sau hè, tôi cứ đứng nhìn không rời mắt. Cái chạn cũng phía dưới cất xoong nồi, kệ giữa úp chén bát và kệ trên cùng là ngăn đựng thức ăn.

Cái chạn sạch sẽ như ngôi nhà lá nền đất nhưng được quét tước tươm tất, đồ đạc ngăn nắp ấy khiến tôi thấy nhớ ngày xưa của mình quá đỗi. Bây giờ làng xóm đều có điện, công nghệ hiện đại nên mọi kết nối với thành phố không còn là khoảng cách xa vời. Cuộc sống của người dân quê cũng ít nhiều đổi thay, những tiện ích vật chất đã về đến tận thôn làng xa. Chỉ có cái chạn bếp là vẫn hiền lành, lặng yên cất giữ mọi thơm lành, cất giữ giùm người xa quê cả những ký ức ngọt ngào thương nhớ.

Hoặc hôm đến những quán ăn/cà phê trong thành phố, chủ quán chuộng “style” quê xưa, cũng có nong nia sàng xịa(*), chạn bát hay những món đồ dân dã dùng để trang trí không gian quán, tôi đều thấy có cảm tình đặc biệt. Đó có lẽ là cái “vô thức tập thể” mà mọi đứa trẻ lớn lên từ nông thôn đều có.

Năm tháng luôn trôi rất nhanh. Quá vãng có lúc chỉ còn là những dấu chấm mờ lên những câu chuyện cũ. Gạc-măng-rê như một biểu tượng của ký ức, để khi nhớ về lại thấy lòng mình được một lần băng qua cánh đồng tuổi nhỏ, len lỏi đi trên vùng mơ xa xăm ngỡ đã thăm thẳm đường tìm… 

Bùi Tiểu Quyên


 (*) Nong, nia, sàng, xịa: vật dụng đan bằng mây, tre

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Chí Tài (NCT) 13-12-2020 16:25:22

    Garde-manger (gạc-măng-giê): giữ thức ăn, tiếng Pháp đó bạn! Tiếc rằng chưa có hình chụp một chiếc đúng mẫu gạc-măng-giê xưa. Cao hơn đầu người. Trên nóc để được lon, hũ. Kế tiếp là ngăn cất thức ăn có cửa, có mành lưới ngăn gián, thông hơi. Dưới nữa là nơi úp chén, bát, vung nồi. Ngăn tủ kín dưới cùng có cửa, cất bịch gói đường, bột ngọt, nui... Bốn chân gỗ chống tủ kê lên 4 cái chén thường xuyên châm nước ngăn kiến bò...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI