Nội ơi, con xin lỗi!

03/07/2023 - 11:29

PNO - Mãi đến kỳ giỗ đầu, tôi mới đưa được con gái về. Đứng trước mộ, tôi xin lỗi nội vì đã không kịp cho người nhìn mặt cháu cố.

Tôi là cháu lớn nhất trong số 13 đứa cháu nội của bà. Nội có 10 người con. Ngày trước, gia cảnh ai cũng khó khăn nên hình như nội thương con không đồng đều; lúc ở với người này thì lo cho người kia, lúc khác nhớ người kia mà nằng nặc không ở với người này… Vì vậy, nội ở với ba tôi nhiều lần và cũng nhiều lần một hai đòi về ở với cô chú khác. Nhưng ở đâu, tôi vẫn là đứa cháu được nội thương yêu hơn cả.

Đời nội 80 tuổi là 80 năm nhọc nhằn. Sinh ra trong gia đình nông dân có 7 anh em, nội là chị lớn, từ nhỏ đã phải vất vả lo cho các em. Mười mấy tuổi lấy chồng, rồi cả đời vì chồng vì con. Ông nội tôi là người thông tuệ nhưng ông thường quan tâm các việc cộng đồng, xã hội nên gánh nặng gia đình đổ hết lên vai vợ. Bà cố tôi khó tính, lại chiều con trai nên hay trách mắng bà nội tôi. Các cô chú, kể cả ba tôi, thì thường trách mẹ nhu nhược, không “quản” được chồng để cùng lo cho con cái… 

 

Nội tôi hay lam hay làm, gần như không ngơi tay. Hồi tôi còn nhỏ, có khi nội đẩy xe đạp chở vịt, gà ra chợ bán (bà không biết đạp xe, chỉ có thể đẩy bộ), đi ngang trường tôi học, người hay dừng lại tìm tôi để cho mấy đồng lẻ. Đến mùa, cấy hết ruộng nhà thì đi cấy vần công hoặc cấy mướn; có khi cấy “công đôi” (2 công trong 1 ngày) nhưng vẫn để dành bánh (do chủ ruộng phát cho người đi cấy) cho các cháu.

Đến mùa gặt, thu hoạch xong lúa ruộng nhà thì bà đi mót lúa ruộng khác, tối về đem lúa ra đạp (nếu không có trâu bò đạp). Hết mùa thì nội đi làm mướn hoặc bắt cua, bắt cá, nuôi gà vịt đắp đổi. Đến nhà con chơi, nếu không cơm nước, giặt giũ thì cũng lui cui quét tước, bằm rau muống cho vịt ăn, ra kênh xách nước đổ đầy các lu, khạp…

Vậy đó, bà nội là mẫu hình của người phụ nữ truyền thống siêng năng, cam chịu, suốt đời hy sinh cho chồng con.

Lúc tôi đi học đại học, nội còn ở với ba tôi. Lần nào về thăm nhà, tôi cũng để dành ít tiền ăn để mua quà bánh cho nội. Nhìn người móm mém ăn, lòng tôi thương vô cùng. Nhưng được ít lâu, nội về quê ở với chú Út. Lâu lâu về quê, tôi được nhiều người khen là “học giỏi, được Nhà nước tài trợ học tập” - lời của nội khi nghe kể việc tôi được nhận học bổng.

Năm đầu đi làm, tôi về mua cho nội xấp vải may áo bà ba, bà nâng niu như báu vật. Đến hồi tôi cưới vợ thì nội đã bị tai biến, liệt nửa người, đi lại khó khăn, tiếng nói không còn rõ nữa. Lần nào về quê thăm nội, bà cũng khóc, nói tôi nghe tiếng được tiếng không, phải nhờ các cô chú “phiên dịch”.

Khi con đầu lòng của tôi được tròn tuổi, tôi đã có ý định đưa cháu về thăm nội cho bà cố biết mặt. Nhưng con bé hay bệnh, tôi hơi ngại và lần lữa mãi, chờ con lớn một chút sẽ đi. Ai dè, không kịp. Một ngày cuối năm, gió bấc thổi về rét lạnh, nội vĩnh viễn ra đi, khi con gái tôi mới hơn 13 tháng tuổi. Tôi về quê chịu tang mà lòng hối hận vô cùng.

Em trai và con gái của tác giả thắp hương trước mộ bà trong một lần về thăm quê
Em trai và con gái của tác giả thắp hương trước mộ bà trong một lần về thăm quê

 

Tôi kịp nhìn mặt nội lần cuối, được nghe kể lại những giây phút cuối cùng của nội. Những ngày cuối đời, nội không còn minh mẫn nữa. Người cứ gọi chú Út bằng tên của tôi nhưng bà vẫn nhớ mấy ngày nữa là đám hỏi của đứa cháu ngoại, con cô tôi… Thì ra, dù ký ức nội có nhạt nhòa, tôi vẫn được nội nhớ với lòng yêu thương vô hạn.

Nội được liệm trong bộ bà ba đẹp nhất mà tôi mua dạo trước. Bao nhiêu quần áo mới con cháu mua được liệm cùng, bởi suốt nhiều năm nội gần như không ra khỏi nhà. Người yên nghỉ trong sự tiễn đưa của 8 đứa con còn lại sau chiến tranh cùng mấy chục đứa cháu nội ngoại và cháu cố. Người nằm xuống để kết thúc một đời lao lực, nhọc nhằn. Nhưng người để cho tôi sự ân hận, day dứt khôn nguôi.

Mãi đến kỳ giỗ đầu, tôi mới đưa được con gái về thắp hương trước mộ nội. Đứng trước mộ, tôi xin lỗi nội vì đã không kịp cho người nhìn mặt cháu cố. Nội ơi, con xin lỗi nội! Tôi chỉ hy vọng đời này sẽ không phải ân hận lần nào nữa. 

Ngô Đồng Vũ 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI