|
Chợ Bà Hoa (TPHCM) trong mùa dịch bệnh - Clip: Thành Hoa |
Chợ ế, ngóng về miền quê nẫu ruột
Câu chuyện về con vi-rút SARS-CoV-2 “chiếm sóng” thời sự ở chợ Bà Hoa (chuyên bán các món đặc sản của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ở quận Tân Bình, TPHCM) suốt cả tuần qua. Hồi mới dịch, dù có bận rộn cỡ nào, bà Kim cũng ráng dành thời gian canh tin tức về số ca nhiễm COVID-19 ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng mấy ngày nay, bà không “mặn mà” với dạng tin tức đó nữa. Bà nói: “Càng coi, càng lo, càng buồn nên tui giả bộ lơ luôn”.
|
Chợ Bà Hoa thưa thớt người trong đợt dịch COVID-19 lần thứ hai - Ảnh: Sơn Vinh |
Thấy chiếc xe ba gác chở hàng chạy bon bon trên con đường bên hông chợ, nhiều tiểu thương nói với chúng tôi rằng đây là “chuyện lạ Việt Nam”. Lạ, vì thường thì tầm này, con đường bên hông chợ đã đông kín người, chen nhau đi còn khó chứ làm gì có chuyện ba gác bon bon ra vào. Từ ngày dịch bùng phát ở TP. Đà Nẵng, chợ vắng đến lạ.
Trong làn sóng COVID-19 thứ hai, người dân ở khu chợ Bà Hoa quan tâm đến tình hình dịch nhiều hơn lần trước. Đến quầy hàng nào cũng nghe người ta bàn tán về dịch bệnh. Bà Kim lý giải, điều này gói gọn trong hai chữ “khúc ruột”. Do đợt dịch thứ hai bùng lên từ miền Trung nên những người ở chợ Bà Hoa - đa phần có gốc gác ở xứ Quảng - càng thêm lo lắng.
Ngồi thả vai trên chiếc ghế canh quầy hàng, vừa thấy chúng tôi đến, chị Đỗ Thị Thanh Nga - quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - vội kéo chiếc khẩu trang lên cao với ánh nhìn khá lạ. Sau một hồi truy hỏi, biết chúng tôi không phải người mới ở quê vô, nữ tiểu thương này mới thật lòng: “Nói nào ngay, mấy hôm nay, thấy khách lạ đến lơ ngơ dòm chỗ này, chỗ kia là tui không ham. Biết sao hông? Có nhiều người ở quê vô, họ đâu có chịu khai báo, tự cách ly gì đâu, rồi họ đến đây tham quan, ăn uống. Mình phải đề phòng để giữ sức khỏe cho mình và cộng đồng chứ hổng phải tui kỳ thị dân ngoài quê gì hết”.
Chị Nga nói, hai đợt dịch năm nay khiến việc buôn bán của chị “ế run”. Đợt dịch này ế “ác” hơn đợt trước. Dịch bệnh đã khiến người ta ngại đi chợ, huống hồ khu chợ này bán toàn đặc sản của miền Trung - nơi dịch bệnh đang hoành hành mạnh nhất cả nước. “Tui bán hàng Đà Nẵng, nhiều người đến dòm dòm rồi nói hàng ở vùng dịch vô này nọ. Nói chung là họ sợ. Nhưng thật ra, hàng này là hàng khô, bọn tui lấy từ trước khi có dịch chứ bây giờ thì xe cộ, hàng hóa gì” - chị Nga nói như phân trần.
Hơn 30 năm bán bánh rò ở chợ Bà Hoa, chưa bao giờ dì Tám thấy khu chợ Quảng đìu hiu như lần này. Rổ bánh rò khoảng 40 cặp của dì Tám mọi khi bán đến quá trưa đã hết, nhưng mấy hôm nay dì ngồi từ sáng tới chiều mà rổ bánh cứ còn hoài. Cũng có lúc, dì Tám nghĩ: “Hổng lẽ vì đang có dịch ngoài kia nên người ta ngại đến chợ Quảng?”.
Chị Oanh - quê tỉnh Quảng Ngãi, tiểu thương ở chợ Bà Hoa - cũng nghĩ, có lẽ nhiều người lo chợ Bà Hoa đa phần là dân xứ Quảng. Họ sợ biết đâu có người thân nào của tiểu thương vào đây không chịu cách ly, mang theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, trên thực tế, tiểu thương ở đây ý thức rất cao về chuyện phòng, chống dịch. Có người đặt gần cả chục vé máy bay cho cả gia đình về quê vào đầu tháng Tám nhưng nghe ngoài quê có dịch, liền hủy ngay chuyến đi đã chuẩn bị từ lâu để tránh dịch.
“Dịch mà, ở đâu thì ngồi yên chỗ đó. Ông xã chị vừa rồi về quê chăm mẹ bệnh, khi bà khỏi bệnh, định quay trở vô thì Quảng Ngãi có trường hợp mắc COVID-19. Chị gọi điện về dặn liền, ở đâu ngồi yên ở đó, hết dịch mới vô. Mình buôn bán, mỗi ngày tiếp xúc biết bao nhiêu người mà chủ quan thì đâu có được” - chị Oanh nói.
|
Chị Nguyễn Thị Bông cho biết, ngày thường, chị bán tại chỗ được hơn 400 chiếc bánh tráng Quảng Ngãi nhưng từ lúc dịch COVID-19 bùng lên ở miền Trung, lượng bánh bán giảm hơn phân nửa - Ảnh: Đức Minh |
Lo chợ Quảng không còn đồ Quảng
Chợ Quảng càng về chiều, càng buồn. Ở quầy bán đặc sản Quảng Ngãi của chị Nguyễn Thị Sinh, lâu lâu mới có một vài khách mối tạt ngang lấy hàng rồi vội đi. Mọi khi, giờ này, khách vãng lai đến chợ đông lắm. Người ta ghé chỗ chị tìm mua túi bánh thuẫn, lạng củ nén hay túi đường phèn để tìm một chút hương vị quê giữa Sài Gòn. Chị Sinh nói, bán cho dân Quảng “rẹt” là sướng nhất. Vừa bán, họ vừa ôn chuyện quê giữa đất Sài Gòn.
Người phụ nữ quê Quảng Ngãi kể, mấy hôm trước lên mạng, thấy người ta trêu đùa theo kiểu kỳ thị dân quê mình vì dịch bệnh, chị giận lắm. Mấy hôm nay, ngày nào chị cũng mấy lần gọi điện về quê hỏi thăm tình hình dịch bệnh. Mấy chục năm bám trụ ở đây, nhưng cứ nghe ở quê có chuyện là lòng chị lại không yên. “Mình không phải bác sĩ, không chữa được bệnh dịch cứu người thì thôi, hãy thương nhau, trông cho mau qua đại dịch. Tôi mong trong hoàn cảnh này, người ta hãy nhìn về miền Trung nhiều hơn, giúp được gì thì giúp chứ đừng vì dịch bệnh mà kỳ thị” - chị Sinh nói.
Dịch bệnh, chợ vắng, mãi lực giảm 50%. Có một điều tưởng chừng như nghịch lý đang diễn ra ở chợ Bà Hoa là dù mãi lực giảm một nửa nhưng tiểu thương ở đây đang lo lắng về nguồn cung cấp hàng hóa sẽ bị đứt nếu dịch kéo dài.
Quầy hàng bán mắm của bà Nguyễn Thị Sơn - tên thường gọi là bà Hà, 78 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - đã trụ vững ở chợ Bà Hoa hơn 30 năm nay. Khách hàng tìm đến chỗ bà Hà đông vì bà bán hàng “thiệt miền Trung”, vị không lẫn vào đâu được. Mấy hôm nay, hàng bày trên kệ đã thiếu đi vài món. Con gái bà Hà thú thật với chúng tôi, còn hàng bày trên sạp là nhờ gia đình chị lấy từ đợt trước. Nhưng, lượng hàng này cũng chỉ đủ cung cấp trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu dịch kéo dài, gia đình chị phải “tính phương án khác”.
Chị nói: “Hiện giờ thì đang đứt hàng rồi. Xe chuyển thực phẩm vào vẫn được nhưng không dễ như trước. Quan trọng là ngoài đó đang có dịch, công nhân họ có làm việc đâu mà có mắm gửi vô. Bây giờ, hàng lấy chuyến trước còn bao nhiêu thì tôi bán bấy nhiêu. Tới đâu hay tới đó vậy”. Một phương án được gia đình bà Hà tính đến là lấy hàng Phan Thiết bán thay thế cho hàng Đà Nẵng, Quảng Nam. Đó là nước mắm, còn những mặt hàng chỉ ở xứ Quảng mới có thì gia đình bà Hà chưa biết tính sao.
Mấy hôm nay, chị Nguyễn Thị Nhật Hà - quê tỉnh Quảng Ngãi - cũng đã bàn đến chuyện đóng cửa sạp nếu đứt nguồn hàng từ miền Trung. Chị nói, người ta tìm đến chợ Bà Hoa là đi tìm hương vị của những món ăn miền Trung. Nếu lấy hàng ở nơi khác về bán thì sẽ xảy ra cảnh trớ trêu là chợ Quảng không có hàng Quảng. “Người ta lặn lội đến khu chợ nhỏ này để tìm chai nước mắm Dì Cẩn của Đà Nẵng, không có thì họ không mua. Có những thứ nó thành đặc trưng rồi, không thể thay thế được” - chị Nhật Hà lý giải.
Ở chợ Bà Hoa, hàng đa phần có nguồn gốc từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tùy theo mặt hàng nhưng thông thường, người ta “đi hàng” mỗi tuần một cữ. Cách “đi hàng” thông dụng nhất là người quen ở ngoài quê gửi theo đường bộ vào TPHCM. Như sạp hàng chị Hương - quê huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng - mỗi tuần, em của chị ngoài quê đưa hàng vô một lần. Dịch đến, hàng đứt, chị Hương phải tìm “bạn hàng” mới ở tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng dịch COVID-19 ở tỉnh Quảng Ngãi cũng đang “căng” nên mấy hôm nay, chị Hương mất ngủ.
Chưa bao giờ, tiểu thương ở chợ Bà Hoa lâm vào tình cảnh như vậy. Chị Hương nói: “Bây giờ, tui chỉ trông mấy ông Nhà nước mau dập hết dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân thôi. Nói nào ngay, mình lo chuyện buôn bán của mình thì lo thiệt, nhưng đó là chuyện nhỏ. Cái lo lớn hơn là sức khỏe, tính mạng của bà con mình ngoài kia. Thương cho dải đất miền Trung hết chịu thiên tai rồi bây giờ đến dịch bệnh hoành hành”.
Trời sập tối, trong các quầy hàng ở chợ Bà Hoa, nhiều người vẫn còn nán lại với hy vọng kiếm thêm được vài vị khách cuối ngày. Cùng lúc này, xuất hiện trên các mặt báo tin tức Bộ Y tế công bố thêm 21 trường hợp ở Đà Nẵng, Quảng Nam dương tính với SARS-CoV-2. Khuôn mặt lo âu của chị Nhật Hà, chị Oanh… phản chiếu dưới ánh đèn lờ mờ khiến cảnh chợ chiều càng thêm hiu hắt.
Thấy không khí chợ buổi tối buồn quá, thằng bé giao hàng gần chỗ bà Kim nằm dài trên chiếc xe cà tàng, buông mấy câu nhạc chế lời bài hát Thương về miền Trung: “Khi mô hết dịch anh về miền Trung thăm người em/ Chứ đi bây chừ anh phải cách ly nên không được/ Người hỡi…”.
Mấy bà tiểu thương trong chợ nghe thằng nhỏ hát gật đầu: “Ừ, đang ở đâu thì cứ ngồi im ở đó để Nhà nước chống dịch. Nay mai hết dịch về thăm người em, người anh gì cũng được”.
Sơn Vinh