Nỗi niềm sâu kín của “osin cấp cao”

28/02/2023 - 06:02

PNO - Rất nhiều nhiều nỗi niềm sâu kín ở các “osin cấp cao” mà nói ra sợ con cháu buồn, còn không nói thì ông, bà buồn.

Sau khi kết hôn, sinh con, không ít người cậy nhờ bà nội, bà ngoại túc trực chăm dâu/con và kiêm luôn việc chăm cháu. Đương nhiên, ít người làm cha, làm mẹ nào từ chối, thậm chí lấy làm vui mừng vì con cái tin tưởng mình. Nhưng từ đây cũng xuất hiện nhiều nỗi niềm sâu kín ở các “osin cấp cao” mà nói ra sợ con cháu buồn, còn không nói thì ông, bà buồn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cha mẹ giảm kết nối với con 

Cô Mười (Rạch Giá, Kiên Giang) chia sẻ trên sóng trực tiếp chương trình tư vấn tâm lý Đồng hành cùng con, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long với tâm tư nặng trĩu: “Từ lúc sinh nở, con dâu bỏ luôn cháu nội cho tôi nuôi, nay đã được 9 năm. Cháu ở với bà từ nhỏ, mến tay mến chân nên khi mẹ nó đòi đón về ngoại, thằng bé nhất quyết không chịu”. Cô Mười cho biết bản thân rất bối rối, không biết phải khuyên lơn cháu thế nào để cháu chịu về với mẹ, vì cô đã lớn tuổi nên chăm cháu không thể tốt như trước.

Việc cha mẹ vắng mặt trong suốt quá trình lớn lên của con trẻ, khiến chúng “chuyển hướng” quan tâm, gắn kết với người nuôi dưỡng và người nuôi dưỡng bỗng “soán vai” của cha mẹ. 

Đa phần người gắn kết thay vai trò của cha mẹ là ông, bà, cô, dì… hoặc bảo mẫu hay người giúp việc. Tính kết nối với cha mẹ bị phá vỡ, con cái cần rất nhiều thời gian để “hàn gắn” lại nhưng kể cả như vậy thì vẫn không bằng việc chăm sóc, dạy dỗ con ngay từ nhỏ.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Trẻ nuôi con, già nuôi cháu 

Tâm lý ỷ lại vào kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ cùng kinh nghiệm, sự từng trải của cha mẹ khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ đi đến quyết định nhờ ông bà chăm cháu, đôi khi quên mất bản thân đã đặt lên vai ông, bà một áp lực vô hình - “trẻ nuôi con, già chăm cháu”.

Chăm sóc 2 cháu nội gần 1 năm, bà Châu Lý (Hà Nội) phải nhập viện vài lần vì suy nhược do làm việc liên tục, thêm bệnh huyết áp thấp. Bà Lý chia sẻ, bà phải “vắt chân lên cổ” chạy mới kịp guồng quay của các con, cháu. Con trai và con dâu bà đều bận suốt ngày nên 6 giờ sáng bà đã thức dậy, làm quần quật đến 21 giờ mới hết việc - từ rửa chén, giặt giũ, nấu ăn, dọn dẹp, đưa đón, ru các cháu ngủ đều một tay bà lo hết. Dù thương con, quý cháu, không ít lần bà cảm thấy tủi thân: “Ngày nào cũng từng đó việc, chẳng ngơi tay được lúc nào. Bạn bè ở quê nhiều lần rủ về hội họp, không về được. Chồng giục về thăm nhà nhưng sợ chẳng ai giúp cho con”.

Một số gia đình vin vào lý do “ở thành phố gửi trẻ đắt đỏ, nếu thuê người lạ chưa chắc an toàn khi chúng còn quá nhỏ” để thuyết phục bà nội, bà ngoại trông nom con nhỏ giúp mình nên nhiều ông, bà phải xách vali đi nuôi cháu.

Bà Kim Vân (Bắc Ninh) vốn không thuận hòa với con dâu nên khi nghe con trai ngỏ ý nhờ giúp chăm cháu nhỏ, bà tìm cách từ chối vì sợ mình sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng thêm. Nhưng rồi, việc chăm cháu cũng tới tay bà. Do tuổi già sức yếu, không thể chạy giữ các con được, bà thường mở ti vi cho các cháu xem để dễ dàng làm việc, chăm sóc, cho ăn…

Điều này trái ý con dâu nên bà bị trách, góp ý. Chính khoảng cách thế hệ, quan điểm nuôi dạy trẻ giữa bà Vân và con dâu không giống nhau nên nhiều lúc bà cảm thấy bất lực, buồn bã.

Người già không thể tròn vai 

Nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam” của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, 35% số này vẫn làm việc tạo thu nhập, còn lại là lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương, trong đó có ông, bà, cha, mẹ lớn tuổi chăm sóc cháu.

Một cuộc khảo sát tại Trung Quốc cho thấy: 20% các bậc cha mẹ “nuôi dạy con độc lập”, 1/3 trong số đó nhờ ông bà phụ giúp chăm con, trong khi có tới 47% cho biết ông bà là người chăm sóc trẻ chính. Khảo sát này cũng tiết lộ: không phải phụ huynh nào cũng hài lòng với sự sắp xếp của ông bà. Các cặp vợ chồng trẻ nhờ ông bà chăm nom cháu nhận thấy ông bà nuôi dưỡng cháu không tương ứng với mong đợi. Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng ông bà quá cưng chiều cháu, làm hư cháu và thói quen sống không văn minh.

Trên thực tế, việc giúp đỡ con cái, chăm sóc trẻ nhỏ không phải là vấn đề lớn vì nhiều ông, bà cao tuổi nguyện lòng giúp hoặc thay đổi dần cho phù hợp. Điều khiến họ canh cánh chính là phàn nàn của con cái và nỗi cô đơn khi phải ở một nơi xa lạ, khi tiếng nói kém trọng lượng hay bản thân rất nhiệt tình giúp đỡ nhưng tuổi già, sức yếu nên nhiều phần “lực bất tòng tâm”, khó trọn vẹn, tròn vai.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Đừng tận dụng tình thương của ông bà 

Không thể phủ nhận việc nhờ ông bà chăm cháu khiến chúng ta cảm thấy an tâm, an toàn hơn; nhưng việc cha mẹ dành quá ít thời gian cho con, quá lệ thuộc vào ông bà có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ cha, mẹ - con, cũng như tâm lý, sức khỏe của ông bà và sự trưởng thành của con cái là sự thật không thể chối cãi.

Văn hóa Á Đông nói chung, người Việt nói riêng rất coi trọng người lớn tuổi trong gia đình, điều này vô tình lại gây sức ép cho họ khi phải gánh trách nhiệm chăm sóc các thế hệ sau, phải hỗ trợ kinh tế cho con cái nếu có thể…

Việc chuẩn bị làm cha mẹ chưa trọn vẹn, cộng với tâm lý “đã có ông bà lo” là biểu hiện của sự hời hợt với cuộc đời của các đôi vợ chồng trẻ. Thậm chí, nhiều người vừa vô lý, vừa ích kỷ khi cho rằng ba mẹ về hưu là “rảnh rỗi”, “chẳng có việc gì làm”… nên phải ra sức “tận dụng”. Dẫu cho theo lẽ thường, ông bà luôn sẵn lòng “cống hiến” tuổi già cho việc giúp con, chăm cháu thì chúng ta vẫn không nên tuyệt đối “tuân mệnh”. Cần suy xét kỹ và phải hiểu cho ông bà đang ở tuổi cần được an hưởng, phụng dưỡng, không nên phó mặc con cái mình cho họ. Khi chúng ta giao con cho ông bà chính là đã lấy đi sự tự do tuổi già của họ.

Nhận định về chuyện ông, bà phải thay nhau chăm cháu, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ: “Ở tuổi được nghỉ ngơi, thư thái thì họ buộc phải sống lặp lại một giai đoạn cuộc đời mà người ta gọi là nuôi con mọn lần hai”.

Vậy nên, đứng trước ngã rẽ sinh con, nuôi con, chăm con và lòng tốt của ông bà, các cặp vợ chồng cần cân nhắc một số yếu tố:

Thứ nhất, sự chuẩn bị của bản thân về tài chính, kỹ năng, thời gian dành cho con đã đầy đủ hay chưa? Nếu đã ổn thỏa, việc sinh con có thể bắt đầu.

Thứ hai, sự sẵn sàng giúp con chăm cháu của ông bà nội, ngoại ở mức độ nào? Khi ông, bà không sẵn sàng, hãy tôn trọng. Ngược lại, ông bà sẵn sàng hoàn toàn hoặc gợi ý có thể chăm giúp trong khoảng thời gian nhất định, chúng ta mới nên nghĩ tới việc nhờ ông bà, nhưng chỉ nên thỉnh thoảng nhờ hoặc trong trường hợp bất khả kháng. Việc tìm người giúp việc chăm nom hay tìm nơi gửi trẻ uy tín luôn luôn là yếu tố ưu tiên, sau đó mới đến nhờ ông bà.

Thứ ba, tuổi tác, sức khỏe của ông bà thế nào? Dù ông bà có thực sự rảnh rỗi sau khi về hưu, chúng ta cũng cần suy xét về sức khỏe tinh thần, thể chất của ông bà. Liệu họ có giữ cháu được lúc trẻ quấy khóc, quậy phá, vòi vĩnh, đành hanh, cư xử thô lỗ, bạo lực hay không? Chúng ta có chắc chắn ông bà đủ sức lực để xoay xở khi con đau ốm, khi chúng ta đi công tác xa hay không?

Thứ tư, bản thân chúng ta có đủ sự kiên nhẫn, thiện chí và đồng cảm khi ông bà giáo dục con theo cách truyền thống, nuôi con bằng kinh nghiệm cũ, không cập nhật xu hướng hiện đại hoặc không đủ khả năng “chạy theo” lối nuôi dạy con bây giờ? Nếu không, sự phàn nàn, góp ý, chỉ trích của chúng ta sẽ làm đổ vỡ mối quan hệ gia đình, tạo ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý khi con phải chứng kiến những lần xung đột về quan điểm nuôi dạy.

Thứ năm, chúng ta có đủ tinh tế và khéo léo cũng như sẵn sàng “bồi dưỡng” cho ông bà không? Nhiều người nhờ cậy ông bà không công hoặc giữ quan điểm chăm cháu là nghĩa vụ của người lớn tuổi nên bỏ quên việc chăm sóc ông bà, đặc biệt là về tài chính. Ông bà thường không mở lời “đòi trả công” nhưng ông bà hiển nhiên có quyền làm như vậy.

Sự tinh tế thể hiện ở chỗ chúng ta biết quan tâm, không rạch ròi công cán - tiền bạc mà thể hiện bằng những món quà tặng, những lần đi mua sắm, ăn uống và khéo léo biếu ông bà một khoản để ông bà tiêu dùng cho những nhu cầu cá nhân. 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI