Nỗi niềm người lao động trước ngày về quê ăn tết

18/01/2022 - 06:11

PNO - Dịch bệnh khiến thu nhập của những người lao động tự do ở Hà Nội thêm bấp bênh, eo hẹp nhưng không vì vậy mà họ không tính chuyện đoàn tụ, sum vầy với gia đình khi tết đến, xuân về.

“Để bầy nhỏ ở nhà có bộ quần áo mới” 

Gạt cái chân chống chiếc xe đạp Phượng hoàng cũ rích chất đầy đồ khô, chị Lý - 50 tuổi, quê tỉnh Hà Nam - ngồi nghỉ ngay bậc tam cấp của một cửa hiệu đang treo biển cho thuê nhà giữa phố cổ. Lấy chai nước lọc, gói xôi ăn dở ban sáng làm bữa trưa, chị liên tục thở dài khi nhắc đến tết: “Con cô-vít (COVID-19) nó khủng khiếp quá. Năm nay, cá lớn còn ngắc ngoải, huống gì con tôm, con tép như mình. Năm cùng tháng tận, tết đến nơi rồi mà tiêu điều hết cả”. 

Dù khó khăn, nhiều người lao động tự do vẫn cố gắng để vể quê ăn tết
Dù khó khăn, nhiều người lao động tự do vẫn cố gắng để vể quê ăn tết

Những năm trước, gần tết, chị Lý bán được nhiều miến, mộc nhĩ, nấm hương nhưng hai năm nay, ế chỏng chơ. Nhưng nếu không rời quê đến đây, chị cũng không biết mưu sinh thế nào. Chị nói, đành phải cố bám trụ Hà Nội thêm ít ngày, không kiếm được 10 đồng thì vài đồng cũng được, để bầy nhỏ ở nhà có bộ quần áo mới cho bằng chúng bạn.

Vợ chồng chị Lý dắt nhau đến Hà Nội thuê trọ, mưu sinh, gửi ba đứa con nhỏ cho ông bà nội. Chị đi bán đồ khô, chồng chị làm phụ hồ. Do dịch bệnh, các công trình nghỉ xây, anh về quê từ nửa năm nay, mình chị ở lại đây. “Ngày trước, chỉ cần rảo xe quanh khu phố cổ này vài vòng cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn đồng, tết thì được gấp đôi. Năm nay thì…” - chị Lý bỏ lửng câu nói.

Từ khi TP.Hà Nội nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19, cánh bán hàng rong tranh thủ kiếm đồng ra đồng vào. Chị Thương - 35 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc - khom lưng bê từng chậu hoa hồng trên phố Đinh Liệt. Mỗi ngày, từ 4g sáng, chị đạp xe từ khu nhà trọ sang vựa cây ở huyện ngoại thành Mê Linh “nhập” cây, hoa về rồi đạp xe quanh khu phố cổ để bán hàng. Tổng quãng đường đi làm của chị Thương khoảng 60 - 70km/ngày. 

Dịch bệnh khiến thu nhập của những người lao động tự do ở Hà Nội thêm bấp bênh, eo hẹp
Dịch bệnh khiến thu nhập của những người lao động tự do ở Hà Nội thêm bấp bênh, eo hẹp

“Thế mà chị đã làm cái nghề này mười mấy năm rồi đó” - chị Thương nhớ lại. Nhìn vào “thế giới” của chị, tôi không hiểu sao một chiếc xe đạp cà tàng lại có thể chứa được 30 chậu hồng (cả cây cả đất) vừa khít đến vậy. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao sức vóc nhỏ bé đó có thể chở một chiếc xe đạp toàn cây cao vượt đầu người trong phố mỗi ngày. Trước khi dịch COVID-19 tràn vào, sau khi trừ chi phí, vốn liếng, mỗi ngày, chị Thương lãi được 200.000 đồng nhưng khi dịch bệnh bùng phát, lãi 100.000 đồng là cao. 

“Có khách nhờ mình nhấc cây này cây kia ra chán chê, cuối cùng trả một cái giá nghe chỉ muốn khóc vì tủi. Chưa khi nào hàng hóa khó “trôi” như năm nay. Kinh tế khó khăn, nhà nào cũng bóp mồm bóp miệng, không chi tiêu nhiều” - chị kể về việc mưu sinh những ngày cận tết. Trong cái rét của tháng Chạp, chị mặc chiếc áo nỉ mỏng đã ngả bạc, nhưng mặt lại đổ mồ hôi do dùng sức nhiều. 

Nghề “thợ đụng” cũng ế

Không thuộc cánh bán hàng rong, vợ chồng anh Nghĩa, chị Lan - đều 52 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa - là thợ đụng, tức đụng đâu làm đó, ai thuê gì làm nấy, từ sửa nhà đến bốc hàng hóa. Tiền công tùy mức độ nặng nhẹ của công việc, có khi 100.000 đồng/lần nhưng cũng có khi chỉ 10.000 - 15.000 đồng/lần. Cánh thợ đụng đến từ khắp nơi: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Họ thường đứng thành từng tốp bên đường, già, trẻ, nam, nữ đủ cả. 

Mới 6g sáng, ở một góc đường La Thành, trời vẫn còn hơi nhá nhem, những tốp người đã đứng co ro, hai bàn tay xoa xoa cho ấm. Bên cạnh họ là đủ thứ đồ nghề: xà beng, cuốc, đòn gánh… Do rét quá nên có chỗ, người ta đốt lửa, ngồi quây quần lại. Mỗi lần có khách dừng xe, cả đám ào ra. Ai may mắn thì được kêu đi làm, còn không thì cứ “ngồi vêu” (từ anh Nghĩa dùng) cả ngày. Vợ chồng anh Nghĩa đúng kiểu “ngồi vêu” cả ngày hôm nay. 

Những người bán hàng rong đến từ nhiều tỉnh vẫn nán lại Hà Nội thêm ít ngày để kiếm thêm tiền về lo tết cho gia đình
Những người bán hàng rong đến từ nhiều tỉnh vẫn nán lại Hà Nội thêm ít ngày để kiếm thêm tiền về lo tết cho gia đình

Các năm trước, dịp gần tết, cánh thợ đụng làm không hết việc do người ta ăn tết lớn, có nhu cầu bốc vác hoặc trang hoàng nhà cửa. Năm nay, nhiều người bớt đi nhu cầu “làm đẹp” nhà cửa, buôn bán cũng ế nên nghề thợ đụng tự nhiên rảnh. “Nghề mà, ế nhưng vẫn phải ra đây để người ta nhớ, có việc thì họ kêu đi” - chị Lan nói. 

Anh Nghĩa cho hay, bình thường, tốp của anh có khoảng 15-16 người nhưng do ít việc nên một nửa trong số đó đã về quê từ hồi dịch COVID-19 căng thẳng. Chi phí thuê nhà trọ, ăn uống, đi lại cũng tốn kém, thôi thì về quê, có rau ăn rau, có cá ăn cá… Vợ chồng anh chị có bốn đứa con sống cùng ông bà, lớn bé tự chăm nhau để bố mẹ ra Hà Nội kiếm tiền. Anh chị thay phiên nhau, vài ba tháng về nhà thăm con một lần. Số tiền anh chị chắt bóp cả năm nay không đáng kể, không biết đủ dùng cho dịp tết này không. 

Khó mấy, cũng phải về nhà 

Theo chân mấy thanh niên trong làng ra Hà Nội làm thuê, cả năm nay, anh Trung - 30 tuổi, quê tỉnh Nghệ An - chưa về thăm nhà. Vợ mới sinh con nhưng vợ một nơi, chồng một nơi. Ở quê, giờ không còn đất để làm nông. Phân lô bán nền, đô thị hóa hết rồi. Ra Hà Nội mưu sinh, cũng không dễ dàng gì, nhất là lúc đang có dịch. Anh Trung tính: “Chắc phải vay tiền để về quê, chứ tết mà, răng không về được. Ở đây buồn, lạnh lắm”.

Đã mấy tháng rồi, bà Hương không về Hưng Yên thăm chồng. Ông đủ thứ bệnh của người già, con cái lại ở xa. Bà ở đây đạp xe bán cam, lòng như lửa đốt. Bà dự định tối 22 tháng Chạp sẽ về, để kịp ngày 23 tiễn ông Công ông Táo về trời: “Tết nhất, dù khó vẫn phải về, để thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Từ ngày tôi sang đây bán hàng, ông ấy đau ốm, cũng chẳng dọn dẹp được nhà cửa. Cây cối um tùm hết cả. Lần trước tôi về, nhà cửa lạnh lắm”.

Nghe có người hỏi mua cam, mặt bà Hương tươi hẳn lên
Nghe có người hỏi mua cam, mặt bà Hương tươi hẳn lên

Trên chiếc xe hàng bán rau khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội, chị Bình - 37 tuổi, quê tỉnh Nam Định - lấp ló đôi gói mứt gừng, vài ba gói miến dong và bức tranh dân gian ông hổ. Chị nói, tranh thủ mua ít đồ mang về quê dịp tết. Dừng xe trước một cửa hàng thế giới đồ chơi trên phố Hai Bà Trưng, chị vào hỏi giá một con búp bê cho đứa con gái đang học lớp Một ở quê. Lúng túng gọi tên búp bê, rồi lại lúng túng khi nghe nhân viên báo giá tiền, chị Bình đứng tần ngần một lúc rồi cũng lấy ví ra, gom từng tờ tiền lẻ để mua một nàng búp bê Belle như lời dặn của cô con gái. Bỏ hộp đựng búp bê bên cạnh gói mứt, miến dong, chị lại rảo xe đi bán hàng tiếp với một nụ cười mãn nguyện. 

Có lẽ, lòng người mẹ ấy đang vui râm ran vì đã biến ước mơ của con gái thành hiện thực, đó là sở hữu một nàng búp bê Belle như các bạn trong lớp. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI