Nỗi niềm học sinh“học gửi”

13/10/2021 - 06:38

PNO - Khi năm học mới bắt đầu, nhiều địa phương phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 lan rộng. Những đứa trẻ không kịp về quê, bị kẹt lại ở TP.HCM phải học tạm ở những ngôi trường mới, lạ lẫm, chờ đến khi hết dịch rồi… tính tiếp.

Gian nan làm quen lớp mới
Sáng sớm, em Huỳnh Thị Thu Nga (học sinh lớp Bảy) thu dọn hai chiếc bàn ra hai góc nhà cách nhau vài mét để cùng em gái chuẩn bị vào lớp học online. Thu Nga lần đầu “ra mắt” lớp và bạn mới tại TP.HCM thay vì học online hoặc qua truyền hình với thầy cô ở tận Quảng Ngãi.

Nga là học sinh của Trường THCS Bắc Phong (H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), cùng em gái là Huỳnh Phạm Tường Vi (học sinh lớp Ba) vào thăm ba mẹ đang làm việc tại H.Bình Chánh và kẹt lại từ hồi tháng Năm đến nay. Chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ hai em, cho hay: “Mới đầu, gia đình tìm cách đưa các cháu về quê để kịp đi học nhưng đăng ký qua Hội đồng hương Quảng Ngãi hoài mà không được. Chẳng biết làm thế nào, tôi phải xin số của thầy hiệu trưởng để nhờ cho cháu vào học gửi. Đến nay, hai con đã học được hơn một tháng rồi”.

Học sinh Huỳnh Phạm Tường Vi đang “học gửi” tại một trường tiểu học ở H.Bình Chánh - ẢNH: SƠN VINH
Học sinh Huỳnh Phạm Tường Vi đang “học gửi” tại một trường tiểu học ở H.Bình Chánh - ẢNH: SƠN VINH

Những ngày đầu vào lớp, Nga và Vi khá rụt rè vì các bạn “toàn nói giọng Sài Gòn”. Nhiều hôm được gọi phát biểu, Nga ngượng ngùng vì giọng “rặt Quảng”. Một vài từ giáo viên không thể nghe rõ, phải hỏi lại. Khác biệt ngôn ngữ vùng miền chính là cản trở lớn nhất của Nga trong quá trình “học gửi”. Chị Phượng chia sẻ: “Tôi hướng dẫn con sửa giọng ở một số từ có âm “a”, thay đổi một số từ địa phương. Chỉ sau một tuần là con dần quen với giọng Sài Gòn. Bên cạnh đó, cô giáo hỗ trợ nhiệt tình, động viên các con phát biểu. Bây giờ, mỗi lần phát biểu các con đã tự tin hơn rất nhiều”. 

Khi thầy cô tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) chấp nhận cho em Bùi Thanh Hiếu (học sinh lớp 11, quê Quảng Ngãi) vào học, điều em lo lắng nhất là chương trình và cả phương pháp dạy ở quê và TP.HCM không tương đồng. Vào học vài buổi, Hiếu thấy không có nhiều sự khác biệt, nên có thể bắt nhịp tốt. Nhưng, em tâm sự, học hành xa gia đình, bạn bè khiến em thấy trống vắng, và vẫn đau đáu được về quê tiếp tục việc học.

Còn em Lương Phi Hùng (học sinh lớp Sáu, quê Quảng Nam) và hai người bạn cùng xóm trọ cũng đang “học gửi” tại một trường THCS ở Q.Bình Tân. Cả ba đều là con em của công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Hồi đầu kỳ nghỉ hè, các em vào thăm ba mẹ rồi mắc kẹt lại ở TP.HCM cho đến giờ. Chị Lê Thị Phụng, mẹ em Phi Hùng, thở dài kể: “Trò chuyện với cô giáo, tôi biết, trong ba cháu thì có một cháu học lực rất yếu, chưa bắt nhịp kịp cùng bạn bè. Con tôi học lực trung bình và tôi rất lo về việc đánh giá học lực, điểm số. Học qua online, học trò quê đâu có quen. Rồi không biết sẽ thi cử thế nào”. 

Làm mọi cách để học sinh hòa nhập
Nhiều thầy cô đang dạy các lớp có học sinh ngoại tỉnh học tạm cho biết, rất cố gắng để kéo các em hòa nhập vào nhịp độ học cũng như sinh hoạt của lớp. Ngoài giáo viên bộ môn thì giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên nhắc nhở tất cả học sinh vào tiết đúng giờ, có khó khăn gì thì cứ “réo”, thậm chí phân cho lớp phó học tập hoặc học sinh giỏi của lớp trò chuyện và hỗ trợ các em thêm nếu các em ngại chia sẻ với thầy cô. Theo đánh giá, những học sinh “học gửi” khá ngoan, chăm học, có những bỡ ngỡ về phương pháp và khác biệt ngôn ngữ lúc đầu nhưng khoảng sau hai tuần là có thể bắt nhịp tốt. 

Em Nguyễn H.T., học sinh lớp 12 tại tỉnh Lâm Đông đã mắc kẹt lại TP.HCM. Nhờ người quen, em được gửi vào Trường THCS - THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) học tạm. Em kể: “Thực sự là có khoảng cách không nhỏ, các bạn ở TP.HCM học nhanh hơn vì đã quen với cách học chuyên đề; thao tác khi học trên các thiết bị công nghệ cũng thuần thục hơn. Ban đầu em bỡ ngỡ, nếu không muốn nói là hụt hơi, mà không dám nói với cô. May sao, qua buổi học thứ tư, cô chủ nhiệm nói với em là các thầy cô bộ môn đã nhận ra điều đó và sẽ hỗ trợ em học”. 

Tiến sĩ Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Hà, cho hay: “Dịch giã khó khăn nên khi có học sinh kẹt lại cần học gửi thì trường đồng ý ngay. Nhưng không phải mình chỉ cho các con một cái tài khoản để vào “học ké” là xong, mà phải hỏi han, quan tâm để các con không cảm thấy có khoảng cách, hụt hơi. Tôi phân cho giáo viên bộ môn khi dạy các lớp này phải để ý khả năng thích nghi của trò đó, thường xuyên kết nối trò với các bạn trong lớp, khuyến khích tham gia xây dựng bài. Sau ba buổi, giáo viên nhận ra các con theo không kịp. Vậy là giáo viên các bộ môn đó hỗ trợ sau giờ học chính thức. Sau một tháng kèm riêng là tiến bộ hẳn”. Mới đây, các bạn đã được theo xe của tỉnh để về quê và cho biết rất biết ơn các thầy cô, nhờ lớp học gửi mà có thêm bạn mới ở TP.HCM.

Thống kê cho thấy có gần 1.000 học sinh ở ngoại tỉnh đang kẹt lại và học gửi tại các trường ở TP.HCM. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tiếp nhận và tạo điều kiện tối đa cho đến khi các em có điều kiện chuyển về quê học tiếp. Nếu em nào học chưa kịp thì phải có điều chỉnh tại lớp đó để không bỏ rơi các em. 

Sơn Vinh - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI