Nỗi niềm của người mẹ khi “con gái người chim” 12 tuổi chỉ cao như trẻ 5 tuổi

17/12/2020 - 19:56

PNO - Lúc 10 tuổi, bé L. vẫn như trẻ 9 tháng tuổi. Mẹ em phải bế bồng và giúp con thực hiện mọi việc.

 

12 tuổi, sau gần 2 năm điều trị, bé L. đã cao bằng một đứa trẻ 3 - 4 tuổi
12 tuổi, sau gần 2 năm điều trị, bé L. cao bằng đứa trẻ 4 - 5 tuổi

Lúc 10 tuổi nhỏ như trẻ 9 tháng

Sinh năm 2009, khi lên 10 tuổi, bé N.H.L. (quê ở Thái Bình) vẫn chỉ cao 79cm, tương đương với một đứa trẻ 9 tháng. Chị Q.T.T., mẹ của bé cho biết, khi sinh, bé nặng chưa tới 3kg. Đến 5 tháng tuổi, em cũng chỉ tăng lên 5kg. Và từ đó đến khi 9 tháng tuổi, bé không tăng lạng nào.

Chị đưa con đi khám và được kết luận suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc 6 tháng, bé vẫn không cải thiện. Năm bé lên 3 tuổi, chị tiếp tục đưa con lên Hà Nội khám nhưng kết quả cũng chỉ tăng được 2 lạng. Tại đây, trẻ được chẩn đoán hoàn toàn “bình thường”, các bộ phận như tim gan hay nhiễm sắc thể của trẻ cũng không gặp bất cứ vấn đề gì.

“Các bác sĩ nói, chắc con tôi thuộc kiểu “người chim” rồi nên cứ mãi thế. Sau vài lần đưa con đi khám không có tiến triển, tôi cũng đành chấp nhận, nuôi nấng bé theo một cách đặc biệt”, chị T. nói.

Vậy là suốt 10 năm, cô con gái nhỏ của chị T. vẫn “nuôi hoài không lớn”. Mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm rửa… chị đều phải chăm bẵm con như đứa trẻ 1 tuổi. Khi L. được 5 tuổi thì cậu em trai 3 tuổi đi mẫu giáo. L. cũng được mẹ đưa đến trường cùng em. Suốt từ đó, chị T. đều phải gửi bỉm để bé mang theo.

Năm 2019, khi L. được 10 tuổi, em trai lên lớp Một. Với mong muốn con được hòa đồng với bạn bè, chị T. mạnh dạn xin cho con “ngồi nhờ” lớp.

“Bé rất thích đi học. Thi thoảng về nhà hát cho mẹ nghe. Có chuyện gì cũng kể cho mẹ. Lúc em học viết chữ, chị cũng ngồi viết theo, dù chưa biết đọc. Thấy con nhỏ bé, nhiều người quan tâm và rất thích tới để chạm vào, hay “bẹo má”. Tuy nhiên, điều này cũng khiến bé  cảm thấy sợ hãi”, chị T. kể.

L. luôn trở thành tâm điểm của sự chú ý mỗi khi xuất hiện. Nhưng theo chị T., cô bé rất ghét việc bị mọi người bình luận là “còi” hay nhỏ bé. Chính vì vậy, mỗi khi có bạn bè đến chơi, chị đều phải dặn trước để tránh làm bé tủi thân.

BS

Bác sĩ Vũ Chí Dũng cho biết, ngoài vấn đề tăng trưởng chiều cao, trí não của bé L. hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác

Dấu mốc thay đổi cuộc đời!

Suốt 10 năm nuôi nấng con gái “người chim”, chị T. luôn ao ước con gái được cao lớn để có thể tự mình chăm sóc bản thân. Bởi một người mẹ như chị - rồi cũng dần gia nua, không thể theo con suốt cuộc đời.

Chị T. nhớ lại, lúc con gái lên 10 tuổi, các bạn cùng trang lứa đã bước vào tuổi dậy thì. Sau nhiều lần “buông” việc chữa trị, chị lại đưa con đi khám thêm lần nữa. Tại một phòng khám tư, chị được hướng dẫn tới Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để khám bệnh vì “nằm ngoài” khả năng điều trị.

Tiến sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, sau khi chụp MRI, trẻ được xác định nguyên nhân gây ra thể trạng nhỏ bé là do tuyến yên nhỏ. Mặc dù 9 tuổi nhưng tuổi xương của bé mới đạt 20 tháng. Bệnh nhi liền được tiêm hormon tăng trưởng GH.

Kết quả sau 12 tháng, bé tăng đươc 18 cm và tới nay, sau gần 2 năm tăng được 29 cm. Cùng với chiều cao, L. cũng tăng trưởng cân nặng, từ 9 kg vào đầu năm 2019 thì hiện đã nặng 19 kg.

Đưa con tới bệnh viện tái khám vào chiều 17/12, chị T. không giấu được niềm hạnh phúc khi con gái của mình giờ đã cao lớn như một em bé 4 - 5 tuổi.

“Bé đã tự đánh răng, rửa mặt và vệ sinh cá nhân như bình thường. Trước kia mỗi bữa bé ăn 2 thìa cơm nhưng giờ đã ăn được 2 lưng vơi. Bác sĩ còn nói nếu kiên trì điều trị, bé có thể đạt được chiều cao bằng 80% chiều cao trung bình”, chị T. cố nén nước mắt.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Dũng cho hay, ngoài việc cơ thể nhỏ bé, bé L. hoàn toàn phát triển trí não bình thường. Do đó, vị bác sĩ này đề nghị sẽ làm một giấy chứng nhận để L. được đi học lớp Một bình thường vào năm học tới; chứ không chỉ “ngồi nhờ” lớp như vừa qua.

Từ trường hợp này, bác sĩ Dũng khuyến cáo, nếu thấy trẻ không tăng trưởng chiều cao, cân nặng bình thường, các bậc phụ huynh nên đưa con tới các bệnh viện có chuyên khoa nhi để thăm khám.

“Cần phải theo dõi trẻ cao lên bao nhiêu cm mỗi năm. Nếu 1 năm trẻ không lớn được 4 cm thì không bình thường”, bác sĩ Dũng cảnh tỉnh.

Theo bác sĩ Dũng, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ. Trẻ có thể mắc các bệnh lý từ dinh dưỡng, nội tiết, các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, các bệnh về xương, các bệnh mạn tính… Điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao để điều trị sớm, chứ không phải tìm thuốc uống để tăng chiều cao.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI