Nỗi niềm của cô con dâu năm nào cũng phải về ăn Tết quê chồng

26/01/2022 - 08:58

PNO - Lấy chồng, và lần đầu tiên theo chồng về quê "Ăn Tết" ở một làng quê, tôi mới thấm thía hai chữ "Ăn Tết"

Đọc câu hỏi của anh Hoàng Hùng và câu trả lời của chị Hạnh Dung sáng 25/1 - ngay ngày cúng ông công ông Táo, tự dưng tôi cứ lẩn thẩn nghĩ về hai chữ "Ăn Tết" của ông bà xưa. Vì sao lại là "Ăn" mà không phải là chữ nào đó khác? Thí dụ như "Nghỉ Tết", "Chơi Tết"... chẳng hạn.

Chỉ khi lấy chồng, và lần đầu tiên theo chồng về quê "Ăn Tết" ở một làng quê, tôi mới thấm thía hai chữ "Ăn Tết" ấy. Và nói thật là từ đó tới nay đã hơn 10 năm, mỗi năm một lần, ngay khi bắt đầu tháng 11, 12 là tôi đã rùng mình khiếp sợ luôn hai chữ "Ăn Tết".

Ba ngày Tết, mà nói đúng hơn là năm, sáu, bảy ngày Tết chỉ toàn ăn và ăn. Về làm dâu một gia đình có truyền thống ăn Tết, nhưng cả năm thông thường chỉ phải làm dâu có năm sáu ngày, nên tôi được gia đình chồng ưu tiên tối đa chuyện... làm dâu. Nghĩa là phải làm cho đủ, cho hết chuyện nhà, phục vụ tất cả các bậc cao niên trong dòng họ.

Tôi nhớ năm đầu tiên, trước Tết cả tháng, chồng tôi đã nhấp nha nhấp nhổm mong về quê ăn Tết. Anh bảo Tết ở quê mới là Tết, thành phố làm "quái" gì có Tết. Chừng về  nhà, tôi mới hiểu vì sao anh thích Tết thế. 

Ở Sài Gòn, vợ chồng bình đẳng, ai cũng đi làm, ai cũng kiếm tiền, nên việc nhà tôi chia đều. Về quê, anh là con trai trưởng của dòng họ, anh ăn mâm trên, uống (trà, rượu) cũng ngồi ghế trên, khệnh khà khệnh khạng. Còn tôi là con dâu trưởng, phải tối mặt tối mũi dưới bếp.

Đã có hơn 10 năm rồi, những bài học mẹ chồng bắt tôi phải ghi nhớ để mà sau này làm cho đủ món cúng, mâm cúng, lễ cúng vẫn chưa hết.

Trước Tết thì tối tăm mặt mũi với gói bánh, giã giò, nấu măng, nấu mọc... Trong Tết thì ngày nào suốt ba mùng cũng phải đủ ba mâm, rồi phải bê cả mâm ra ngoài mộ cúng, rồi thì ông bà con cháu kéo tới, bày ra, bưng lên, bê xuống, dọn dẹp, rửa chét bát. 

Nhiều lần, tôi muốn cằn nhằn, than phiền với chồng thì hầu như tối nào anh cũng say mèm, nghe tôi nói vài ba câu là đã ngắt ngang: "Tết là phải như thế", rồi lăn ra ngủ. Có khi còn thêm câu nữa, là: "Em chỉ phải làm dâu có mấy ngày đã kêu ca. Em nhìn các em em kìa, chúng phải thay em làm đủ mọi thứ nghĩa vụ đấy".

Tôi nghe chồng kể về những gì các em dâu tôi phải phục vụ cả dòng họ vào những dịp giỗ của các đời ông bà cụ kỵ mà hết cả hổn thật. Đúng là "Ăn giỗ".

Những khi tỉnh rượu, chồng tôi phân tích tùm lum, nào là phải ngồi ăn chung, uống chung, mới gắn kết gia đình, dòng họ, mới hóa giải những hiểu lầm, xích mích trong năm.

Nào là dịp để con cháu chào hỏi, thưa gửi, gắn kết với ông bà cha mẹ. Để các thế hệ hiểu sự hòa nhịp sống. Nào là dịp để tỏ lòng thành kinh với tổ tông... Tôi nghe, tán thành hết mọi cái "nào là" đó, trừ chuyện: Sao phải thông qua "Ăn" mới có được điều đó? 

Năm ngoái dịch COVID bùng lên ngay vào những ngày đầu năm mới. Tuy không đến mức căng thẳng và gây sợ hãi, nhưng hai đợt dịch sau đó trong năm, nhưng cũng khiến mọi người e dè, ngần ngại hơn trong việc tụ tập, nấu ăn, mổ xẻ, nhậu nhẹt suốt hàng chục ngày. Một cái Tết nhẹ nhàng trôi qua với những mâm cỗ cúng đơn giản hơn.

Tôi là người được điểm của gia đình nhất khi trước Tết đã đặt vài món đồ ngon lành ở những cửa hàng, thương hiệu thực phẩm làm sẵn nổi tiếng và mang về quê, với lý do: Không tụ tập thì làm sao phải mổ heo mổ gà nhiều thế. Gói gọn trong mâm cỗ cúng trên bàn thờ thôi.

Mấy cô em dâu ruột, em dâu họ hớn hở ra mặt vì không phải còng lưng phục vụ. Họ hàng đến thăm thì chỉ cần trà nước, bánh kẹo, hạt dưa, cũng là do vợ chồng tôi mang về từ thành phố.

Cô em dâu tôi bảo: bảy, tám năm rồi, em mới được về nhà mẹ mình ngày mùng ba, vì không phải phục vụ bữa cúng linh đình của nhà chồng. Cô em khác thì nói: Bao nhiêu năm rồi mới được đi ngủ sớm vào các đêm Tết. Rửa cho hết chén bát của hết lượt khách này tới khách kia bao giờ cũng gần 12 giờ đêm. Bây giờ còn được ngồi đổ cá ngựa, chơi bài với bọn trẻ con nữa, vui quá.

Năm ngoái, trong tiết trời lắc rắc mưa xuân, tôi còn được sánh vai cùng chồng lên chùa thắp nhang, xin lộc. Chứ không phải là cảnh vừa dìu, vửa đỡ, vừa đẩy chồng say mèm vào phòng, có khi còn dọn bãi nôn ói suốt đêm.

Năm nay, lại một cái Tết diễn ra khi dịch COVID còn đang căng thẳng. Tuy rằng mọi người đã có kinh nghiệm phòng và chống, đã có vacxin bảo vệ, nhưng vẫn luôn phải cảnh giác, giữ gìn.

Mấy ngày nay, chồng tôi đã bảo: May quá, thực tập từ năm trước rồi, năm nay cứ Tết đơn giản thế mà thực hiện. Cả nhà mình chiều 28 mới thong thả về quê. Năm nay mình về quê "Chơi Tết" chứ không "Ăn Tết" nữa.

Kế hoạch của anh nghe cũng thật mê. Tôi biết quê anh có vài cảnh đẹp sông nước, chùa chiền. Mà hàng chục năm rồi, có được đi thăm viếng đâu. Anh bảo năm nay thế nào cũng sẽ tranh thủ đưa cả nhà đi chơi, chuyện ăn uống nhẹ nhàng, đơn giản đi, vừa tiết kiệm, vừa... giữ vóc dáng, vừa được... vui cả nhà.

Linh Lan

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI