Nỗi niềm của chàng trai hơn 3 năm bị “giam” trong chính cơ thể mình

23/08/2020 - 06:09

PNO - Hơn ba năm bị “giam cầm” trong chính cơ thể mình sau tai nạn giao thông, bằng nghị lực, anh T. đã có thể tự bước đi - một điều trước đó tưởng chừng như không thể.

Uống chút rượu, hại cả đời

Giọng nói chưa tròn, anh N.T.T. (Q.6, TP.HCM) chậm rãi kể về hành trình “tự giải cứu” bản thân sau cú ngã xe oan nghiệt hơn ba năm trước. “Nói bị giam trong cơ thể không sai, bởi tỉnh dậy sau cú va quẹt xe đó, tôi chỉ là… một cục thịt không hơn không kém. Tôi nghe tiếng người thân mà không gọi được, muốn bước đến bên mẹ nhưng không có sức. Đêm đêm, nghe mẹ khóc, lại không thể an ủi, mọi sinh hoạt của thằng con trai gần 30 tuổi lại đè lên vai mẹ”, anh T. nhớ lại.

Với lấy đôi nẹp nhựa, anh T. chỉnh lại đôi chân, đẩy chiếc khung sắt dọc theo hành lang nhỏ của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8, TP.HCM). Anh ghé vào băng ghế đá quen thuộc, nhìn ra cây ngọc lan phía trước, một vài nhánh nhỏ đã nở hoa, như chính anh vừa bước qua những tháng ngày tăm tối. 

Anh T. và mẹ của mình
Anh T. và mẹ của mình

Di chứng của chấn thương sọ não có thể làm anh lúc nhớ lúc quên, nhưng buổi chiều của hơn ba năm trước vẫn in sâu. Trong đoạn ký ức buồn ấy, anh thấy tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình, những năm tháng đại học chất chứa hoài bão, rồi anh trở thành một công an viên khát khao cống hiến, càng hạnh phúc hơn khi tìm được người bạn gái đầu đời.

Cho đến một ngày cuối tháng 10/2016, tan buổi tiệc với vài người bạn, chiếc xe máy của anh lảo đảo, tông vào lề đường… Anh trầm ngâm: “Tôi có uống chút rượu và không kịp tránh chiếc xe chuyển đường đột ngột phía trước. Sau đó, tôi không biết gì nữa, đến khi tỉnh dậy thì nghe bác sĩ nói tôi “ngủ” liên tục hơn sáu tháng”.

Theo bà N.K.S. (mẹ của anh T.), lúc đó anh bất tỉnh tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn mất hút, người dân đưa anh vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu. Bà được tin, đến nơi thì bác sĩ đã mổ cho anh xong. “bác sĩ nói con tôi bị thương nặng, dập não, chảy nhiều máu, phần sọ não bên trái buộc phải xử lý, có thể sẽ sống thực vật suốt đời. Tôi chỉ có một mình thằng T., dù thế nào tôi cũng phải bên cạnh nó. Vài tháng sau, bác sĩ khuyên tôi chuyển con mình về Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp”, bà S. nhớ lại.

“Mọi người nghĩ tôi hôn mê, nhưng lúc đó tôi nghe được hết mà không trả lời được, cũng không thể cử động. Tôi muốn chết cho xong, nhưng mở mắt còn không nổi thì làm sao mà chết được, tôi động viên mình phải cố gắng”, anh T. xúc động.

Tự cứu mình

Theo bác sĩ Huỳnh Cẩm Khương, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, ban đầu, anh T. được chuyển đến bệnh viện với chẩn đoán chấn thương sọ não đã phẫu thuật, hôn mê, cơ thể xuất hiện các vết loét do nằm lâu ngày, tiên lượng nguy cơ viêm phổi, nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực. Anh T. được nuôi dinh dưỡng qua ống truyền, mở nội khí quản hỗ trợ thở; mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên y tế. Tay chân bắt đầu yếu liệt, co quắp, hy vọng hồi phục rất mong manh.

Bên cạnh vô số cuộc hội chẩn chuyên môn, đánh giá khả năng sống còn, bác sĩ của bệnh viện còn hỗ trợ nâng đỡ về vật lý trị liệu, để khi anh T. tỉnh dậy, vận động của anh không bị mất đi. Hơn sáu tháng chữa trị, tập vật lý trị liệu trên giường bệnh, cuối cùng anh T. hồi tỉnh. Trong vài tuần tiếp theo, anh đã có thể ngồi dậy, nói lời cảm ơn ngọng nghịu làm ai cũng xúc động. 

Mẹ của anh chia sẻ: “Khi bác sĩ nói khả năng con tôi phải sống thực vật, tôi cố níu kéo con mình bên cạnh được ngày nào hay ngày đó, chứ không nghĩ đến việc con có thể tỉnh lại. Tôi xin nghỉ việc, ở nhà may gia công để có nhiều thời gian bên con hơn nên khi T. mở mắt nhìn, tôi từ không dám tin đến tràn đầy hy vọng một ngày nào đó con sẽ hết bệnh, trở lại như trước kia.

Tôi cám ơn cậu Thạch, cậu Giang, Cẩm… và các cô cậu khác nhiều lắm. Nhờ mọi người yêu thương nên bây giờ T. có thể tự đẩy khung ra ngoài chơi chứ không nằm ủ rũ nữa”. Cậu Thạch, cậu Giang… chính là kỹ thuật viên, bác sĩ ngày ngày kiên nhẫn tập vật lý trị liệu cho anh T. từ trên giường bệnh đến nay đã hơn ba năm. Để bệnh nhân không yếu liệt, lúc anh T. còn nằm đã phải được tập thụ động. Anh T. không cảm giác nhưng các bài tập co, duỗi phải được thực hiện hằng ngày mới giúp anh thoát co rút và lở loét do tì đè.

Nói là nói vậy, nhưng để anh T. có thể tự đẩy khung sắt ra ngoài dạo chơi như hôm nay, các bác sĩ, kỹ thuật viên vừa điều trị, vừa phải… thủ thỉ để nâng đỡ tinh thần cho anh. Bởi nhiều lúc nản lòng, anh lại muốn bỏ cuộc, cứ lầm lì, không hợp tác. “Lo lắng là anh T. tỉnh rồi sẽ tự làm hại mình nên chúng tôi vừa điều trị vừa giải tỏa tâm lý để anh cố gắng. May mắn, gần một năm im lặng, anh T. trở nên rất ý chí, kiên trì mãnh liệt, nhờ đó anh tự cứu lấy mình”, bác sĩ Khương chia sẻ.

Quay trở lại từ vạch xuất phát, anh T. đã chịu gồng cơ, tự cố gắng cử động các ngón tay chân, ngay cả giọng nói, cách ăn uống của anh cũng phải được tập luyện trong hơn hai năm liền. Giờ đây, anh T. đi đến giai đoạn tập đi và tập tự kháng. Chiếc khung sắt trước mặt không làm khó được anh, đôi nẹp nhựa dần dần được nới rộng, chàng trai to gấp đôi kỹ thuật viên đã cười nói nhiều hơn và thêm yêu cuộc sống.

“Tai nạn không ai mong muốn, nhưng chỉ vài ly rượu, một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến tương lai mù mịt, gia đình đau buồn, có hối hận cũng quá trễ. Tôi may mắn khi tỉnh lại còn có thể cười nói với mọi người, còn nhìn thấy mẹ. Mong rằng mọi người hãy tự thương mình, gia đình mình hơn, đừng hơn nhau vài ba ly rượu, để rồi ân hận cả đời”, anh T. xúc động. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI