Nơi những người phụ nữ kiên cường vượt qua số phận

09/08/2024 - 06:12

PNO - Trong lòng thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), khi màn đêm buông xuống, chợ Đầm lại hiện lên náo nhiệt. Ánh đèn vàng vọt hòa quyện với mùi thơm của thức ăn, tiếng mời chào, cười nói… tạo nên bức tranh đầy màu sắc về cuộc sống về đêm ở nơi này. Phía sau “bức tranh” ấy có những câu chuyện đời buồn vui và những ước mơ giản dị của những người phụ nữ kiên cường.

Ngọn lửa hy vọng trong đêm tối

Đứng sau quầy bánh căn nho nhỏ ở chợ Đầm là chị Bạch Thị Hoài Loan (29 tuổi). Cuộc đời chị là một hành trình đầy gian khó với mỗi bước đi đều mang nặng nỗi niềm.

Chị Loan sinh ra và lớn lên tại Nha Trang, trải qua 2 cuộc hôn nhân đầy bão tố. Sau cuộc hôn nhân thứ nhất đổ vỡ vì bị bạo lực, chị nghĩ rằng mình đã tìm thấy ánh sáng khi đi bước nữa. Nhưng rồi một lần nữa chị thất vọng khi người đầu ấp tay gối đã bỏ mặc mẹ con chị trong lúc khó khăn nhất. Chia sẻ về những năm tháng đầy biến cố, chị Loan nghẹn ngào: “Cuộc hôn nhân đầu tiên là một cơn ác mộng. Tôi không chỉ bị tổn thương về thể xác mà còn cả tinh thần. Khi ly hôn, tôi chẳng có gì ngoài đứa con nhỏ và một trái tim tan nát. Tôi đã hy vọng vào cuộc hôn nhân thứ hai, nhưng cuộc đời lại thử thách tôi lần nữa”.

Chị Loan đổ bánh căn, miệt mài mưu sinh trong đêm
Chị Loan đổ bánh căn, miệt mài mưu sinh trong đêm

Những đổ vỡ trong hôn nhân đã để lại trong chị nhiều nỗi đau, chán chường. Nhưng rồi chị không để những khó khăn đó đánh gục mình. Biết phía trước là cả một hành trình dài đầy chông gai cần có sự mạnh mẽ để vượt qua, chị quyết tâm làm lại từ đầu bằng tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao với 2 đứa con thơ dại mới 5 và 9 tuổi.

Cuộc sống không dễ dàng với người mẹ chưa học hết lớp Mười, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn. Và thực tế chị đã phải trải qua rất nhiều công việc từ phục vụ, chăm trẻ, bán hàng, phụ hồ… Nhớ về quá khứ, những giọt nước mắt lại rơi trên đôi má hao gầy.

Chị Loan kể: “Hồi con còn nhỏ, tìm việc hết sức khó khăn. May sao có người thương hoàn cảnh nên thuê tôi tưới cây với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Sau này tôi xin đi phụ hồ. Công việc gạch đá có khi làm tay tôi rướm máu, nhưng tôi có thêm tiền lo cho các con. Có những ngày tôi phải làm việc dưới cái nắng cháy da. Nhưng chính những công việc vất vả ấy đã dạy tôi nhiều điều về sự kiên trì và lòng quyết tâm”.

Hỏi về quầy bánh căn tại chợ Đầm, chị Loan mỉm cười: “Tôi yêu nấu nướng từ nhỏ và bánh căn là món ăn tôi rất thích. Ban đầu tôi chỉ làm cho các con ăn, nhưng rồi nghĩ đến việc có thể kiếm sống từ nó và vẫn chủ động được thời gian chăm con, thế là tôi thử ra hàng vào 18g mỗi ngày… Món bánh căn của tôi không có gì đặc biệt ngoài tình yêu và sự tận tụy”. Bánh căn, món ăn truyền thống của Nha Trang, được chị Loan chăm chút từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, bột gạo đến tôm, mực tươi. Đôi bàn tay khéo léo của chị đổ từng muỗng bột vào khuôn, thêm nhân rồi nướng trên bếp than hồng.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị không bao giờ ngừng hy vọng. “Có những đêm mưa gió, khách ít, tôi vẫn kiên trì ở lại đến khi hết giờ. Về lại nhà trọ tôi lau dọn và chuẩn bị cho ngày hôm sau. Nhìn các con đã vào giấc, tôi hôn lên trán chúng và thì thầm, mẹ sẽ cố gắng để các con có cuộc sống tốt hơn, được học hành đến nơi đến chốn, không phải trải qua những gì mẹ từng trải” - chị Loan tâm sự.

Gần 2 giờ sáng, những gian hàng trong chợ dần xuống đèn, quầy bánh căn của chị Loan vẫn sáng như biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Người mẹ ấy vẫn đang nuôi dưỡng ước mơ cho tương lai của các con.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với chợ Đầm

Khác với những câu chuyện gian truân của chị Loan, bà Nguyễn Thị Kim Chi (75 tuổi) lại mang trong mình tình yêu vô bờ bến đối với Nha Trang, chợ Đầm. Người ta nói, chợ Đầm là trái tim của Nha Trang thì bà Chi là một phần không thể thiếu trong từng nhịp đập.

Sinh ra ở TPHCM, bà Chi theo chồng về Nha Trang sinh sống, sinh và nuôi 5 người con lớn khôn. Dù gia đình bà hiện tại không còn khó khăn về kinh tế, nhưng bà vẫn tiếp tục bán trứng lộn - công việc mà bà đã gắn bó suốt gần 50 năm qua.

Bà Chi với gương mặt hiền hậu bán trứng lộn về đêm tại chợ Đầm
Bà Chi với gương mặt hiền hậu bán trứng lộn về đêm tại chợ Đầm

Men theo lối vào chợ, trời đã khuya, sương phủ dày trên mái đầu bạc trắng và gương mặt hiền từ. Bà Chi ngồi ở đầu cổng chợ với gian hàng trứng vịt lộn quen thuộc. Những quả trứng lộn nóng hổi, thơm ngon không chỉ là món ăn yêu thích của nhiều người mà còn chứa đựng những kỷ niệm tưởng chừng đã cũ.

Những năm tháng đầu tiên bán trứng lộn ở chợ Đầm, bà Chi cùng chồng thường xuyên làm việc thâu đêm. “Chúng tôi bắt đầu từ những buổi chợ đêm, bên gánh hàng rong với vài chục quả trứng lộn. Khách hàng lúc đó chủ yếu là các chú bộ đội, người lao động về đêm và sinh viên. Có hôm trời mưa tầm tã, vợ chồng vẫn ngồi dưới chiếc ô nhỏ, đôi khi chẳng bán được bao nhiêu nhưng cảm thấy vui vì được làm việc cùng nhau” - bà Chi kể, ánh mắt xa xăm.

Thấp thoáng trong ánh đèn mờ ảo, bà Chi không chỉ bán trứng lộn mà còn bán cả những câu chuyện, những ký ức của một cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm. Những câu chuyện ấy trở thành niềm vui và đôi khi còn là hạnh phúc của bà, của khách hàng - những người đã tìm đến bà không chỉ để mua hàng mà còn để tìm kiếm một chút ấm áp giữ đêm khuya.

Bà bày tỏ tình cảm đặc biệt đối với những người trẻ: “Tôi thích nhìn sự nhiệt huyết và đam mê của họ. Nhiều khi, họ đến mua trứng lộn không phải vì đói, mà vì muốn tìm lại hương vị tuổi thơ, muốn nghe câu chuyện của một bà già. Tôi rất hạnh phúc khi biết rằng những điều nhỏ bé tôi làm có thể mang lại niềm vui cho người khác”.

Bà Chi yêu Nha Trang, yêu chợ Đầm như yêu chính ngôi nhà mình. “Chợ Đầm là nơi tôi đã chứng kiến bao thay đổi của cuộc sống, là nơi tôi đã thấy các con mình trưởng thành và là nơi tôi gặp biết bao người. Mỗi góc chợ đều có một kỷ niệm, mỗi khách hàng đều mang đến một câu chuyện” - bà cười nhẹ nhàng.

Trong suốt những năm tháng ấy, bà Chi đã chứng kiến biết bao thay đổi của chợ. Từ một khu chợ nhỏ lẻ, chợ Đầm trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

Chúng tôi hỏi về lý do tiếp tục công việc dù đã lớn tuổi, bà Chi hiền lành: “Các con tôi giờ đây đều có công việc ổn định, cuộc sống đã khấm khá hơn xưa. Nhưng tôi vẫn thích ngồi đây mỗi đêm, có thể vô thức nghe tiếng gió, ngửi mùi hương của chợ, tôi cảm thấy bình yên. Tôi yêu thành phố này, yêu những con người nơi đây. Chỉ cần sức khỏe cho phép, tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc”.

Đằng sau khung cảnh náo nhiệt về đêm của chợ Đầm  là những con người kiên cường vượt lên số phận
Đằng sau khung cảnh náo nhiệt về đêm của chợ Đầm là những con người kiên cường vượt lên số phận

Cuộc sống tiếp diễn sau màn đêm

Bình minh ló dạng, chợ Đầm dần yên tĩnh trở lại, nhưng những câu chuyện của chị Loan và bà Chi vẫn tiếp tục. Họ là những người phụ nữ kiên cường, đã và đang viết lên những trang đời đầy màu sắc. Dù hoàn cảnh mỗi người khác nhau nhưng ở họ đều toát lên sự mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn và tình yêu vô điều kiện dành cho gia đình và nơi mình đang sống.

Chợ Đầm không chỉ là một khu chợ đêm bình thường, mà còn là biểu tượng của sự sống, của lòng nhân ái và sự đoàn kết, đôi khi còn là sân khấu của những câu chuyện đời đầy xúc động.

Những người phụ nữ như chị Loan, bà Chi là những nhân vật chính, nhân chứng sống động cho sự kiên cường, lòng yêu thương và hy vọng với những câu chuyện nhỏ nhưng đầy cảm hứng. Họ không chỉ làm nên bản sắc của chợ Đầm, mà còn là nguồn cảm hứng cho bất kỳ ai từng biết đến họ.

Trong ánh sáng mờ ảo, chợ Đầm sáng bừng lên như một bức tranh sống động, nơi những người phụ nữ kiên cường tiếp tục viết câu chuyện đời mình.

Trần Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI