Nỗi nhục dưới cờ vì nợ học phí, 20 năm vẫn ám ảnh

07/11/2019 - 16:13

PNO - "Mời các em có tên đi lên cột cờ. Em nào không đi, thì bạn kế bên dắt lên để cho toàn trường nhìn “gương mặt mốc” nợ học phí, nợ dài, nợ dai như đỉa..." 20 năm qua tôi không sao quên tiếng sang sảng ấy.

Tôi thật sự sốc, có một luồng uất ức nóng bỏng chạy dọc sống lưng khi đọc bài báo Bắt nam sinh nhận lỗi trước 1400 người: phản giáo dục và dã man. Bởi vì tôi từng bị đứng cột cờ cho toàn trường “nhìn mặt mốc” đến mấy lần.

Những năm đó, nhà tôi bốn chị em đều đi học và cha mẹ tôi không đủ tiền đóng học phí cùng lúc. Chuyện học hành trong lớp, một số thầy cô bộ môn rất thương mến tôi vì tôi học khá môn văn. 

Nhưng cứ thứ hai đầu tuần là nỗi ám ảnh tột độ với tôi vì thầy hiệu trưởng sẽ đích thân cầm “sớ Táo quân” và trút giận: "Sau đây là danh sách học sinh chưa đóng học phí, thầy đọc xong, mời em đi lên cột cờ, hoặc em nào không đi, thì bạn kế bên dắt lên giùm để cho toàn trường nhìn “gương  mặt mốc” nợ học phí, nợ dài, nợ dai như đỉa vậy đó!"

Thầy thường xuyên mạt sát, hạ nhục chúng tôi kiểu như: "Tôi hỏi các em, thầy cô cũng phải ăn cơm, mặc áo mới có thể đi dạy các em được, mà các em không đóng tiền thì lấy lương đâu mà trả cho giáo viên? Hay là các em muốn giật nợ?" Có khi thầy chỉ thẳng vào mặt học sinh nào đó nói: "Không có tiền thì nghỉ học đi!"

Noi nhuc duoi co vi no hoc phi, 20 nam van am anh
Trường Ngô Quyền ở Tân Bình, TP.HCM đưa thông tin phạt học sinh dưới sân chào cờ vì xúc phạm ban nhạc Hàn Quốc BTS

Mới 12-13 tuổi, làm sao đủ lý lẽ để nói rằng (mà cũng có ai cho nói đâu) là do chị em em đông, cha mẹ em chưa đủ tiền chứ không có giật nợ. Thế là chúng tôi rồng rắn kéo lên, mỗi thứ hai như vậy đều ‘xử tập thể” nhóm học sinh nợ học phí, có khi đến năm chục đứa.

Phần tôi, khi vào lớp, cô dạy môn Văn hay nói khẽ: “Em về ráng nói phụ huynh đóng học phí đi, chứ em học giỏi vậy, mà để nợ học phí, ảnh hưởng tới hạnh kiểm thì làm sao tên được lên bảng danh dự?”

Tên họ được lên bảng danh dự của trường cấp II tôi lúc đó là một điều vinh hạnh rất lớn, nếu ba tháng liền được lên bảng danh dự (các môn học đều đạt 9-10 điểm, hạnh kiểm tốt, chuyên cần tốt) thì sẽ được tặng 1 chiếc áo sơ mi trắng. Những năm đó, 1 chiếc áo sơ mi trắng tinh tươm ấy bằng 1 ngày công thợ hồ của cha tôi.

Thằng em học lớp 6 của tôi (nay là cán bộ sở nông nghiệp tỉnh) tính bộc trực hơn, cứ sau ngày thứ Hai là nó về quăng cặp cái “đùng” lên chiếc giường tre: “Nghỉ học mẹ ơi! Nhục quá!”

Mẹ tôi năn nỉ hết nước mắt, nào là chỉ có con đường học mới giúp người ta thoát nghèo thoát khổ, nào là gia tài cha mẹ cho con chỉ có cái chữ là quý giá…con thương mẹ, ráng học đi… Học phí để từ từ mẹ lo…

Có  lần, mẹ tôi phải bán bộ quần áo dành đi đám tiệc, cái khăn len đội đầu của mẹ cũng bán đi, bộ quần áo kaki “ăn nói” của cha cũng bán đi vì học phí.

Noi nhuc duoi co vi no hoc phi, 20 nam van am anh
Liệu 20 năm sau cậu bé bên trái này có chào những người "xử" em hôm nay?

Người thầy hiệu trưởng ngày xưa giờ đã hơn 70 tuổi, thi thoảng gặp nhau ở chợ xã, tôi cũng gật đầu chào, đó là vì cái “lễ” của người nhỏ tuổi dành cho người lớn tuổi; chứ sự “trọng” của học sinh dành cho thầy trong lòng tôi hầu như không có. Bởi “nỗi nhục sân cờ” suốt hơn 20 năm qua vẫn ám ảnh tôi. Vì đơn giản một điều, có khó khăn thì người ta mới nợ, chứ đủ đầy dư dả thì ai nợ làm gì.

Bây giờ, 20 năm qua, giáo dục đã thay đổi rất nhiều. Các con tôi đi học hầu như không còn gặp kiểu hành xử như xưa chị em tôi phải chịu. Có việc gì thì nhà trường nhắn cha mẹ tới nói chuyện, cùng nhau bàn cách giải quyết...

Nay, chuyện của em học sinh trường Ngô Quyền, vì không thích ban nhạc Hàn Quốc và đã có tiếng bấc tiếng chì với nhau trên mạng mà nhà trường bắt em phải xin lỗi trước toàn trường. Tôi thấy quả là phi lý. Nỗi nhục của em hôm nay, biết đâu sẽ thành nỗi thù hận ngày mai...

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI