Nỗi nhớ quê da diết trong tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên

11/01/2025 - 18:54

PNO - Cùng vẽ về quê nhà Việt Nam nhưng không khí trong tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên được nhận xét là khác biệt so với nhiều họa sĩ tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Nhiều độc giả quan tâm đến cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên
Nhiều độc giả quan tâm đến cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Trần Phúc Duyên

Duyên: Hiện thực, trừu tượng, thiền họa là cuốn sách của 2 tác giả Phạm Quốc và Lê Quang Vinh, được ấp ủ thực hiện trong vòng 6 năm. Tác phẩm đã được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Dịp này, để giới thiệu rõ hơn cuốn sách cũng như cuộc đời và sự nghiệp của cố hoạ sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993), Omega Plus kết hợp cùng Phạm Lê Collection, gia đình cố họa sĩ và Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm vào ngày 11/1 tại TPHCM.

Chia sẻ về cơ duyên thực hiện cuốn sách, tác giả Phạm Quốc Đạt cho biết khi đọc về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, anh và cộng sự thấy thiếu một mảng rất lớn về những người thầy lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương và ảnh hưởng của họ với thế hệ học trò.

Trong tranh của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên
Tác phẩm của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên được trưng bày tại sự kiện

“Trong quá trình nghiên cứu, qua nhiều thông tin, tình cờ tôi được bước vào một phòng tranh mà tại phòng tranh này, họ đang tìm cách trao trả lại một bộ sưu tập tranh bị quên lãng trong suốt 20 năm từ 1993 đến 2013. Khi tìm ra tác giả là danh họa Trần Phúc Duyên, họ tiếp tục tìm người thừa kế bộ tranh và cũng thử bán một số bức để xác định mức giá. Lúc đó tranh Đông Dương đã có giá trị cao nhưng tranh của Trần Phúc Duyên chưa được biết đến”, tác giả Phạm Quốc Đạt chia sẻ.

Vốn theo đuổi chủ đề về tranh Đông Dương nên khi thấy nhiều người vẫn chưa hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Trần Phúc Duyên, 2 tác giả nhận thấy bản thân có trách nhiệm giới thiệu rộng rãi hơn các tác phẩm với công chúng, đặc biệt là người yêu hội họa Việt Nam.

Bức Mùa gặt được Trần Phúc Duyên vẽ năm 1965
Bức Mùa gặt được Trần Phúc Duyên vẽ năm 1965

“Gia đình tin tưởng trao cho chúng tôi bộ sưu tập hơn 100 bức sơn mài, nhiều phác thảo, ký họa... cùng các giấy tờ của danh họa Trần Phúc Duyên. Chúng tôi giữ lại toàn bộ và mong muốn được đưa các tác phẩm về lại với Việt Nam, giới thiệu tình yêu quê hương của một người Việt xa xứ luôn hướng về quê nhà. Đó là một hành trình chúng tôi được nhiều người hỗ trợ, cũng có khó khăn nhưng chúng tôi thấy mình có trách nhiệm làm phần việc này”, tác giả Phạm Quốc Đạt chia sẻ.

Nhận xét về tranh của Trần Phúc Duyên, 2 tác giả nhắc lại một số tên tuổi bước ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu... Trong tranh của họ, kể cả họa sĩ Trần Phúc Duyên, dù được vẽ tại Thuỵ Sĩ hay Pháp, đều hiện lên nỗi nhớ Việt Nam. Họ đưa vào tranh nhiều hình ảnh quen thuộc như cô gái mặc áo dài tân thời, phong cảnh chùa Thầy hay hình ảnh dòng sông, cánh cò...

Bức Vũ điệu kim ngư năm 1972
Bức Vũ điệu kim ngư, hoàn thành năm năm 1972

“Tranh được vẽ trước năm 1954 của Trần Phúc Duyên cũng giống như các tranh của học sinh bước ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng theo tôi, cũng có một số điểm khác. Trần Phúc Duyên đi theo nhóm các họa sĩ đề cao kỹ thuật mỹ nghệ trong sơn mài, sử dụng nhiều chất liệu vàng bạc đưa lên tranh. Dù vẫn vẽ đình chùa, cây tre, cây chuối Việt Nam nhưng không khí trên tranh của Trần Phúc Duyên rất khác, phải là người có tình cảm mới thể hiện ra”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Bức Ghềnh thác chợ bờ năm 1949
Bức Ghềnh thác chợ Bờ vẽ năm 1949
Bức Thu về trên Vịnh Hạ Long năm 1967
Bức Thu về trên Vịnh Hạ Long năm 1967
Bức Sự im lặng của đêm được xác định thời gian từ năm 1976-1980
Bức Sự im lặng của đêm được xác định thời gian từ năm 1976-1980

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình giàu có, làm xưởng gỗ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông chọn học Khoa Sơn mài của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thời điểm này, nghệ thuật vẽ tranh sơn mài ở Việt Nam cũng cực kỳ phát triển.

Trần Phúc Duyên dành 50 năm theo đuổi sơn mài. Khi sang nước ngoài, sự thiếu thốn về vật liệu thúc đẩy ông nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiệm với những chất màu và kỹ thuật mới. Ông kết hợp kỹ thuật và cảm quan nghệ thuật của cả phương Đông và phương Tây, qua đó tạo cho mình một hệ phái sơn mài rất riêng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI